Cũng như bao lứa bạn bè, tốt nghiệp đại học hăm hở tìm việc làm, mình ra trường lại phải đứng trước sự lựa chọn về quê lập nghiệp hay tiếp tục ở lại thành phố, bởi mình đã cùng anh trải qua những tháng năm sinh viên đầy thơ mộng, cái thuở chỉ một cái nắm tay cũng thao thức cả đêm. Gia đình kịch liệt phản đối việc mình ở lại, vì mình là đứa yếu đuối nhất nhà, không biết có bươn trải được không, hơn trên hết mẹ không muốn con lấy chồng xa sẽ vất vả như chính cuộc đời của bà. Anh cũng rất lo lắng vì chỉ cần một sự đồng ý trở về của mình thôi tất cả sẽ dừng lại. Nhưng mình đã chọn anh là người đồng hành dù chưa biết con đường trước mắt sẽ ra sao.

Mình đã có việc làm tại một đơn vị tư nhân, lễ thành hôn của hai đứa được tổ chức sau khi mình ra trường được một năm. Khởi nghiệp từ hai bàn tay trắng nhưng mình luôn ý thức phải tự lập. Hai năm sau con trai đầu lòng chào đời, anh là con một nên ai cũng mừng, nhưng đó cũng là lúc cuộc sống gia đình mới thực sự bắt đầu. Làm việc ở công ty tư nhân, lại đi làm xa, mình không có nhiều thời gian để chăm con. Anh làm việc trong đơn vị bao cấp với đồng lương ít ỏi, mình phải xoay xở làm thêm để lo kinh tế gia đình. Con bị phế quản cơ địa với khí hậu miền Bắc cháu ốm đau thường xuyên, có những thời điểm con nằm viện dài ngày, mình phải làm việc trong viện để trông con luôn. Đến giờ mình cũng chưa quên những ngày con nằm viện tự mình phải xoay xở từ tiền viện phí đến việc chăm sóc con. Rồi khi cháu được hai tuổi, cũng vì công việc mình ít có thời gian cho con, đến khi cháu đi mẫu giáo thấy con khó hòa nhập mình mới cho con đi kiểm tra thì ra con bị chậm phát triển trí tuệ đơn thuần và mắc chứng tăng động giảm chú ý, buộc phải học can thiệp. Không có điều kiện, gia đình chồng lại không chấp nhận cháu “có vấn đề” nên giai đoạn quan trọng để điều trị cho con bị bỏ lỡ. Mình đã suy sụp rất nhiều nhưng vẫn phải tự tìm tòi học hỏi dạy thêm kỹ năng cho con.

Anh là kỹ sư cầu đường, có kinh nghiệm, có trình độ, có sức khỏe, không muốn anh an phận “đút chân gầm bàn” mình động viên anh tìm công việc khác nhiều cơ hội hơn. Cũng phải rất lâu mới thuyết phục được anh chuyển ra ngoài, tuy nhiên anh lại thụ động chờ việc chứ không xông xáo đi tìm như nhiều người khác. Đúng lúc khó khăn này mình lại vỡ kế hoạch cháu thứ 2, gia đình ngoại động viên mình sinh tiếp vì dù sao cháu lớn đã được 4 tuổi. Lúc này anh thất nghiệp, ở nhà hàng năm trời, mình vẫn phải lo mọi việc trong nhà. Đến khi cháu thứ 2 chào đời anh mới ý thức được mình phải làm việc. Nhờ người giới thiệu công việc nhưng phải chấp nhận theo dự án ở bất cứ nơi đâu, không tính toán nhiều, anh nhận nhiệm vụ luôn. Vậy là khi cháu thứ 2 mới được 45 ngày tuổi mình đã phải gạt nước mắt tiễn chồng đi công tác dài ngày, điều mà đã 5 năm qua gia đình mình chưa gặp. Gạt 2 dòng nước mắt của vợ anh chỉ cười: “Anh đi làm mà vợ, có đi đâu đâu”. Mình một nách 2 đứa con nhỏ với niềm tin là lời hứa của chồng “Anh đi kiếm sữa cho con” và lời dặn dò của vợ “Anh làm gì hãy luôn nhớ 2 con trên 2 vai mình”.

Nhưng chỉ vài tháng sau mình đã nhận được tin nhắn lạ từ máy anh khi anh về thăm nhà, mình quá hiểu mối quan hệ ấy là gì. Sau đó mình gửi đứa con chưa dứt sữa cho mẹ đẻ đi gần 400km đường với lý do vào thăm nơi ăn chốn ở của chồng. Sau khi nghe mình nói chồng mình đã bật khóc như một đứa trẻ, giọt nước mắt của chồng lúc gặp gỡ khiến mình ra về mà vẫn ngỡ chồng mình sẽ thay đổi mặc dù mình đã suy sụp rất nhiều. Rồi anh lại nhận dự án mới xa hàng nghìn cây số, có khi vài tháng mới về, cũng chỉ thời gian ngắn là mình biết chồng lại “ngựa lại quen đường cũ” nhưng vẫn phải nuốt nước mắt vào trong bởi các con còn quá nhỏ. Một cháu nhỏ đang ăn dặm, một cháu có thể hò hét đập phá bất cứ thứ gì khi bị kích động, mình không đành lòng bỏ cuộc. Mình đành chấp nhận bỏ việc một năm mặc dù đã có vị trí ở trong công ty để lo cho các con.

Những ngày đầu con đến trường mình còn phải gửi cháu nhỏ hàng xóm để vào lớp học cùng con, vì con không hợp tác, có thể rời bỏ lớp học chạy ra ngoài, việc cho con nhớ bài cũng là cả sự nỗ lực của cả mẹ và con. Thời gian này thực sự mình đã có dấu hiệu của bệnh trầm cảm, có lúc bế tắc chỉ muốn ôm một đứa đằng trước, cõng một đứa đằng sau gieo mình xuống dòng sông cho rồi. Kết thúc năm học mặc dù vẫn đạt điểm lên lớp nhưng là người theo con suốt năm học mình biết con đang ở ngưỡng nào, quyết định cho con học lại lớp một hay lên lớp. Mình xin cho con học lại lớp một nhưng không được, mình phải chuyển trường cho con với hồ sơ trắng chưa đến trường lần nào. Hai mẹ con lại một hành trình mới, mặc dù biết con là đứa trẻ khó hòa nhập.

Những tưởng gái có công thì chồng sẽ không phụ nhưng rồi một ngày anh về phép đưa vợ con tham gia một bữa tiệc, trong đó có một người phụ nữ được giới thiệu là vợ của một anh bạn đồng nghiệp. Linh cảm của người vợ đã mách bảo mình có điều gì đó không bình thường, vợ một người bạn đi hàng ngàn cây số ra Hà Nội nhưng lại lặng lẽ ngồi ở một góc mâm còn người chồng thì ngồi ở tít đầu mâm bên này không một lời hỏi han (mình biết anh ấy là người rất chu đáo với vợ con, đi công trình khắp nơi nhưng đến ngày họp phụ huynh anh vẫn phải bố trí để về họp cho con). Một người như thế đưa vợ con đến đâu anh ấy phải rất chu đáo chứ.

Đem tâm sự đến cho một người bạn, nhìn mình lúc đấy đến việc khóc thôi cũng không làm được, vì thế trong chuyến bay sau của anh vào công trường cô đã sắp người bay cùng chuyến với anh và chỉ không đến 7 ngày tất cả đã rõ ràng. Anh mang cả gái bao ra tận Hà Nội bày trước mắt vợ. Vậy là những ngày về phép trước đấy ban ngày mình tưởng anh về với bố mẹ, ban đêm lại về với vợ con, thực chất là ở với bồ tại nhà nghỉ. Mình còn biết không chỉ có thế, trong các chuyến ăn chơi của anh từ Nha Trang, Đà Lạt, Sài Gòn hay miền Tây đều có cô ta đi cùng. Cô ta từ là gái phục vụ tại quán karaoke đã được anh đầu tư mở cả shop quần áo, thay đổi cuộc đời. Thực sự mình mất hết niềm tin, tin tưởng bao nhiêu càng đau đớn bấy nhiêu. Bao năm vẫn thương chồng xa vợ con làm lụng vất vả, vợ dang dở cả sự nghiệp nỗ lực vì con cũng là để anh vững tâm công tác, giờ tôi chỉ toàn nhận lại đau thương và nước mắt.

Con anh sau gần chục năm chưa bao giờ được anh mua cho một đôi tất, vợ anh chưa bao giờ được tặng một cái khăn, cả gia đình chưa bao giờ được một lần đi ăn nhà hàng cho đúng nghĩa. Mình còn chưa hết day dứt giai đoạn vì không có tiền mà con không được học can thiệp, vậy mà… Những ngày này 3 mẹ con vẫn bận rộn với công việc, học hành, ăn ngủ, mình trống rỗng không còn cảm xúc, biết phải làm gì đây? Liệu có còn mãi “sống vì con"?

Thu

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top