Tại hội nghị Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, các giải pháp đang dần kiểm soát được tốc độ gia tăng nợ công. Do đó, tình hình nợ công đã bớt áp lực hơn nhiều so với những năm trước đây.
Đáng chú ý, theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, lúc này chúng ta có đủ bản lĩnh và điều kiện để từ chối các khoản vay nợ lãi suất cao. Do vậy đề nghị Chính phủ, địa phương thận trọng hơn khi đề xuất vay. Đồng thời tăng cường quản lý hiệu quả sử dụng vốn để giảm thiểu chi phí vay.
Người đứng đầu Bộ Tài chính cho hay, nhờ các biện pháp cơ cấu lại kỳ hạn vay nên kỳ hạn trái phiếu Chính phủ bình quân năm 2017 lên mức 12,75 năm, tăng 4 năm so với bình quân năm 2016. Kỳ hạn danh mục trái phiếu Chính phủ cũng dài hơn, từ mức 5,98 năm cuối 2016 lên mức 6,75 trong năm 2017. Ngoài ra, tỷ trọng vay nợ nước ngoài giảm xuống còn 40% so với mức 61% trước đây, tăng tỷ trọng vay trong nước lên mức 60%.
Lượng nắm giữ trái phiếu của các ngân hàng thương mại giảm 24%, xuống mức 54% vào cuối năm 2017.
Về thu ngân sách Nhà nước 2017, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết sẽ vượt 5% dự toán thu. Số vượt thu chủ yếu đến từ tiền sử dụng đất. Thu từ khu vực FDI, khu vực ngoài quốc doanh tăng trưởng khá nhưng vẫn không đạt do dự toán đưa ra quá cao, lần lượt 23,4% và 23,8%.
Trong đó, thu ngân sách địa phương vượt 12,9% dự toán, khoảng 60.000 tỷ đồng; nhưng cá biệt vẫn có địa phương thu thấp, khó khăn trong cân đối, buộc Bộ Tài chính phải ứng nguồn ngân sách Trung ương để đảm bảo thanh khoản, chi trả tiền lương.
Để xử lý vấn đề thanh khoản, đảm bảo chi trả tiền lương và các chế độ chính sách cho con người trong năm 2017, Bộ trưởng Tài chính cho biết, đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xử lý nguồn ngân sách trung ương cho một số địa phương.
"Thời gian tới sẽ rà soát chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thu, hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách miễn, giảm giá thuế trong chính sách về kinh tế xã hội. Đẩy mạnh cải cách thuế, hải quan tạo thuận lợi cho kinh doanh và cạnh tranh lành mạnh", ông Dũng nói.
Về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017 đã việc đẩy mạnh cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước lại theo nguyên tắc thị trường, song việc thực hiện còn chậm, chưa đạt tiến độ đề ra.
Cụ thể, tính đến 20/12/2017 có 43 doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hoá, tổng giá trị thực tế doanh nghiệp là 212.948 tỷ, tổng vốn nhà nước thực tế 87.902 tỷ đồng, các tập đoàn thoái vốn thu về 292 nghìn tỷ đồng. Năm 2017, SCIC đã bán vốn tại 40 doanh nghiệp, thu về 21.639 tỷ đồng. Riêng Sabeco bán 53,5%, thu về gần 110 nghìn tỷ đồng…
Bên cạnh đó nhiều doanh nghiệp Nhà nước vẫn tiếp tục làm ăn thua lỗ, chưa có phương án giải quyết dứt điểm về tài chính nên khó tồn tại…
Phát biểu sau đó, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, trong năm 2018 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tiếp tục rà soát các đề án tái cấu trúc của ngành, địa phương mình để có một đề án tái cấu trúc phù hợp hơn, có tính cạnh tranh hơn.
Tuy nhiên, Phó thủ tướng nhấn mạnh là cần tránh tình trạng tái cấu trúc theo phong trào, dẫn đến khủng hoảng. Phải chọn ra những dự án cần thiết để ưu tiên đầu tư trước.
Trong khi đó, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết, bước sang năm 2018, Việt Nam sẽ đối mặt với khá nhiều thách thức, trong đó đáng lưu ý là việc phải thực hiện các cam kết, hiệp định về thương mại tự do trong khu vực ASEAN, với Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, Trung Quốc, Newziland…
Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn ODA trong năm 2017 cũng chưa tốt, mới chỉ đạt khoảng 56%, còn các địa phương thì khoảng 59% chỉ tiêu Quốc hội giao. Thậm chí có tỉnh chỉ đạt từ 1 - 4%.
"Nếu không giải ngân, không thực hiện thì sẽ đội, làm tăng chi phí trả nợ lên vì Việt Nam đã bắt đầu phải chuyển sang vay các nguồn vốn kém ưu đãi hơn trước", Phó thủ tướng nói.
Post a Comment