Trả lời câu hỏi Mỹ rút khỏi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP có ảnh hưởng đến các nhà đầu tư Mỹ đến Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc Mỹ không tham gia CPTPP thì đầu tư Mỹ vào Việt Nam có ảnh hưởng nhưng không lớn.
Việt Nam và Mỹ có rất nhiều cơ chế và thể chế hợp tác thông qua hiệp định khung đầu tư và thương mại, hay thông qua WTO. Mỹ vẫn đang là nhà đầu tư và đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, khi Mỹ không tham gia đầu tư vào Việt Nam sẽ là thiệt thòi lớn cho các nhà đầu tư Mỹ. Bởi họ đã không tham gia vào sân chơi có quy mô và mối liên kết lớn như Việt Nam. "Tôi tin rằng Mỹ cũng sẽ sớm xem xét lại việc quay lại Hiệp định CPTPP để giữ nhịp độ đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới", Bộ trưởng Dũng nói.
CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và có thể chế cao, luật chơi mới hình thành cấu trúc thương mại mới, có quy mô và phạm vi lớn nhất trong hợp tác song phương và đa phương hiện nay.
Đầu tư nước ngoài được nhìn nhận từ góc độ các nước thành viên sau khi Việt Nam tham gia CPTPP, đó là cam kết mở cửa thị trưởng, mở rộng không gian, lĩnh vực đầu tư hơn từ các nước thành viên khi rào cản được gỡ bỏ.
Việc tham gia CPTPP Việt Nam cũng tạo áp lực cho chính mình trong quá trình cải cách để tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh và tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư.
Để tận dụng cơ hội này, theo Bộ trưởng Dũng, Chính phủ Việt Nam cần thực thi nghiêm túc các cam kết, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết như nguồn lực, đất đai, năng lượng... Cùng với đó, Việt Nam cần xây dựng hàng rào kỹ thuật hợp lý khi lựa chọn dự án, đẩy mạnh quảng bá, tuyên truyền và xúc tiến đầu tư để hiện thực hóa cơ hội tham gia CPTPP.
Một năm sau khi Mỹ rút hỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, 11 nước thành viên còn lại đã chính thức ký thỏa thuận được đổi tên thành CPTPP vào ngày 8/3 vừa qua tại Chile. Thỏa thuận này sẽ có hiệu lực khi ít nhất 6 nước thành viên hoàn tất các thủ tục trong nước để phê chuẩn, có khả năng trước cuối năm nay.
Hiệp định này sẽ giảm thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore - nhóm nước có tổng sản phẩm quốc nội hơn 10 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 13% GDP toàn cầu. Thỏa thuận này bao trùm một thị trường gần 500 triệu dân, trở thành một trong những thỏa thuận tự do mậu dịch lớn nhất thế giới.
Ngày 12/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên mạng xã hội Twitter rằng Mỹ sẽ chỉ quay trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) nếu có những điều khoản "tốt hơn nhiều" cho nước này so với những gì mà Washington đã thỏa thuận trước đây.
Trước đó, ông Trump bất ngờ nói với các nghị sỹ Mỹ ông đang tính đưa nước này quay trở lại TPP. Trong một cuộc gặp với các nghị sỹ ở Nhà Trắng, ông cho biết đã đề nghị đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer và cố vấn kinh tế Larry Kudlow cân nhắc về đàm phán tái gia nhập TPP.
"Nếu đó là thật, thì tôi xin hoan nghênh", Bộ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản Taro Aso nói sau một cuộc gặp nội các và trước khi ông Trump đăng dòng tweet trên.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cũng đưa ra những thách thức đối với Mỹ nếu Mỹ thực sự muốn trở lại TPP. "Nếu Mỹ thực sự muốn quay lại, thì việc đó sẽ mở ra một quy trình hoàn toàn mới", bà Ardern nói với báo giới ở Auckland.
Post a Comment