Hệ thống thang bảng lương phức tạp, tiền lương chưa đáp ứng mức sống tối thiểu của người lao động đang là vấn đề nổi cộm ở cả khu vực công và doanh nghiệp. Thời báo Kinh tế Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội xung quanh đề án Cải cách chính sách tiền lương của Chính phủ sẽ trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII.

Nhìn vào hệ thống thang bảng lương hiện nay của chúng ta còn thấy rất phức tạp, nhiều người nhận lương nhưng không hiểu đâu mới thực là tiền lương. Đề án cải cách tiền lương lần này có gì mới, thưa ông?  

Đúng vậy, với cách tính lương hiện nay, đa số người lao động rất khó hiểu vì phải lấy lương cơ sở nhân với hệ số, nhân với phụ cấp nhiều loại khác nhau. Còn theo đề án Cải cách tiền lương thì sẽ chuyển sang cách tính giá trị tuyệt đối, nghĩa là lương bao nhiêu là biết bấy nhiêu, không phải nhân hệ số.

Như vậy, tiền lương trả cho người lao động sẽ gồm phần cứng chiếm ít nhất 70% mức tổng thu nhập của người lao động. 

Còn tiền phụ cấp như trước đây phân ra thành 20 loại nay còn lại 3 nhóm thì chỉ chiếm 30%, để người lao động thấy rằng tiền lương đích thực là tiền lương. Tiền lương này được trả theo số lượng, chất lượng, hiệu quả công việc. Đó là điểm mới của đề án cải cách tiền lương lần này.

Thưa ông, mối tương quan của tiền lương với pháp luật lao động trong các khu vực doanh nghiệp, khu vực công sẽ như thế nào?

Trong khu vực doanh nghiệp, tiền lương phải tuân thủ quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đồng thời là căn cứ để ký kết các thỏa ước lao động tập thể, ký hợp đồng lao động giữa chủ sử dụng lao động và người lao động. 

Tiền lương doanh nghiệp trả cho người lao động không được thấp hơn tiền lương tối thiểu theo quy định của 4 vùng. Lần này, tiền lương tối thiểu được sửa đổi là "tiền lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ". 

Trong khối doanh nghiệp, tiền lương phải gắn với năng suất lao động, có nghĩa là người lao động muốn có lương cao thì phải tăng năng suất lao động.

Với khu vực hành chính sự nghiệp sẽ có 2 bảng lương. Một bảng lương được tính theo chức vụ, vị trí việc làm chứ không theo thâm niên như hiện nay, kiểu "sống lâu lên lão làng". 

Tuy nhiên, nếu người đó tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa thì được tăng thêm 10% phụ cấp. Còn bảng lương của chuyên môn nghiệp vụ thì chỉ có 1 bảng lương, tức là vẫn phải nâng lương thường xuyên 3 năm một bậc đối với bậc đại học trở lên, 4-5 năm đối với chuyên gia...

Tại sao khu vực công vẫn phải có hai bảng lương mà không như khu vực doanh nghiệp, thưa ông?

Trong khối doanh nghiệp, người ta trả lương theo cơ chế thị trường, dựa theo năng suất sản phẩm, chất lượng công việc chứ không dựa vào thâm niên. Còn khu vực công, tiền lương lại tính đến thâm niên, cứ thâm niên 5 năm làm việc sẽ được thêm 10%. 

Ở đây chỉ áp dụng thống nhất một bảng lương, bậc lương nên mới gọi là trả lương theo vị trí việc làm. Đó cũng là cách tạo ra sự công bằng lương trong khu vực hành chính sự nghiệp. 

Cái hay lần này là trong tổng quỹ tiền lương dành cho khu vực hành chính, ngoài 70% là lương phần cứng, 30% là các khoản phụ cấp có tính chất lương thì còn được tối đa 10% tính trên quỹ tiền lương được trích ra để làm quỹ tiền thưởng cho người lao động. 

Như vậy, người nào làm việc có năng suất, hiệu quả, có cống hiến sẽ được thưởng từ quỹ thưởng đó. Ngoài ra, còn được nhận các danh hiệu như chiến sĩ thi đua, xếp loại tốt hay được đề bạt, bổ nhiệm...

Theo ông, để thực hiện tốt cải cách tiền lương trong khu vực hành chính sự nghiệp, chúng ta cần quan tâm tới vấn đề gì?

Muốn cải cách tiền lương, đầu tiên là phải cải cách, đổi mới và nâng cao năng lực hiệu quả, chất lượng của các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm tối đa những dịch vụ công mà lâu nay vẫn phải trả lương từ ngân sách. 

Dịch vụ công phải chuyển sang trả theo kết quả đầu ra và Nhà nước khoán, không nhất thiết phải Nhà nước làm. Y tế, giáo dục... nếu người dân làm được thì giao cho người dân. Phải giảm biên chế để giảm gánh nặng cho ngân sách. 

Thứ hai là phải nâng cao năng lực, hiệu quả của các cơ quan quản lý nhà nước trên cơ sở xây dựng được các vị trí việc làm, bố trí đúng người đúng việc. Bản chất của việc điều chỉnh tăng lương công chức viên chức là phải tinh giản bộ máy để sắp xếp đúng người đúng việc.

Nếu làm được điều này sẽ có một chính sách tiền lương minh bạch, đáp ứng nhu cầu sống của người làm công ăn lương, nâng cao năng lực, hiệu suất phục vụ nhân dân. Đặc biệt là sẽ góp phần chống tiêu cực, tham nhũng, chạy chức chạy quyền.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top