Tôi 34 tuổi, là nhân viên văn phòng, công việc ổn định. Chồng tôi 36 tuổi, đi lái tàu, ngủ đêm ở vịnh Hạ Long. Chúng tôi cưới được 10 năm, có một con trai học lớp 2. Hồi chuẩn bị cưới, chồng nói sẽ đi một thời gian, khi nào tài chính ổn sẽ về tìm việc khác cho gần vợ con. Đến hiện tại, kinh tế gia đình đã ổn định, tôi bàn với chồng lên bờ, xin việc khác rồi tính sẽ sinh thêm con thì anh cứ ậm ừ, nói chờ thêm một thời gian nữa. Nhưng đến nay đã gần 2 năm, anh vẫn chưa cho tôi câu trả lời cụ thể, cứ lập lờ “Về làm gì?”, “Về có đủ tiền để sống không?”. Tôi biết anh đi lái tàu quen việc, lương lại cao nên không muốn về đất liền. Nhưng tôi vẫn muốn chồng về, như vậy mới là gia đình. Tôi cần tình cảm gia đình, muốn cả hai vợ chồng cùng dạy dỗ, chăm sóc con cái, rồi tính tới chuyện sinh thêm con. Tôi rất muốn có thêm con, nhưng giờ sinh ra, có một mình tôi không biết phải xoay sở thế nào. Mọi người khuyên tôi nhờ các bà, nhưng các bà còn cháu khác, rồi công việc. Đã thế, mẹ đẻ tôi còn bị mắc ung thư, 6 tháng phải đi xạ trị một lần.
Anh không về, cuộc sống gia đình tôi buồn tẻ. Ngày nào anh cũng gọi về 2-3 lần cho hai mẹ con nhưng tôi cảm thấy anh chỉ quan tâm miệng. Hồi yêu còn tặng quà cho vợ, đến khi lấy nhau rồi thì không tặng gì nữa, về được mấy ngày là đi với bạn, tất nhiên vẫn đúng thỏa thuận giữa hai vợ chồng “đi chơi cá nhân không được đi quá 11 giờ đêm”. Chồng tôi có tính sạch quá đà, mỗi lần về hay cằn nhằn nên càng khiến tôi cảm thấy bị áp lực, sợ đẻ thêm một mình không biết phải xoay sở kiểu gì. Tôi không biết làm cách nào để thuyết phục chồng về nhà làm ăn cho gần vợ gần con. Tôi định nhờ bố mẹ chồng khuyên mà không biết có nên không? Nếu chồng không về, có thể tôi sẽ ly dị vì có chồng như vậy cũng như không. 10 năm tôi chờ đợi, tạo điều kiện rồi, và đây cũng là lời hứa lúc anh đến với tôi “35 tuổi anh về bờ”, giờ anh cũng 36 rồi. Liệu có phải tôi đang quá đòi hỏi không? Mong chuyên gia và độc giả cho tôi xin lời khuyên.
Vân
Chuyên gia tâm lý Vũ Thu Hằng gợi ý:
Vân thân mến,
Có nhiều lý do khiến các cô gái ngại lấy chồng lái tàu. Bởi họ sợ cuộc sống xa chồng thiếu thốn tình cảm; sợ khi các con sinh ra không có bố ở bên chăm sóc; sợ phải đối diện với những ánh mắt tò mò: chắc chồng mày có bồ (có khi mày cũng thế); sợ những vất vả, hy sinh của mình không được chồng nhìn thấy và hiểu; sợ khi ốm đau, buồn bực không có người chăm sóc, sẻ chia… Tuy nhiên, dù có cả trăm lý do để buông tay nhưng chỉ cần có tình cảm thì vẫn có những người kiên định lựa chọn ở lại. Họ trở thành vợ của những người thủy thủ, chấp nhận cuộc sống lênh đênh trên biển của chồng. Họ cũng giống bạn phải chịu thiệt thòi một năm chồng chỉ ở nhà một hai tháng. Những lúc chồng đi làm thì lo bão gió, cướp biển... chồng về bờ thì lo bồ bịch, lăng nhăng. Thử hỏi, có ai trong số họ là không đợi chờ, không tạo điều kiện cho chồng và mong mỏi ngày cả gia đình đoàn tụ? Nhưng nghề nghiệp không phải muốn là bỏ được, con đường rời tàu lên bờ nói thì đơn giản nhưng thực tế không hề dễ dàng.
Không phải bởi những người lái tàu như chồng bạn lên bờ sẽ không xin được việc làm mà họ khó tìm được một công việc phù hợp với mức lương như ý muốn. Giả sử công việc lái tàu của chồng bạn đang có thu nhập vài chục triệu một tháng, muốn dừng lại thì trên bờ anh ấy cũng phải tìm được một công việc tương đương hoặc có hướng phát triển trong tương lai. Không phải cứ nhắm mắt bỏ lái tàu để lên bờ rồi vất vưởng làm những công việc lặt vặt lương vài triệu. Như thế không chỉ có sự nghiệp của chồng bạn đi xuống, mà chất lượng sống của bạn, của con bạn cũng sẽ bị ảnh hưởng theo. Dù hiện tại kinh tế của vợ chồng bạn có vững đến đâu, tương lai vẫn có nhiều khoản cần chi phí. Cho nên thay vì đặt tương lai gia đình vào thế mạo hiểm, bạn và chồng nên có những tính toán chắc chắn, cụ thể hơn. Vào bờ chính là một việc tốt giúp đoàn tụ gia đình nhưng đổi lại chồng bạn cũng cần phải tìm được một công việc phù hợp trước khi đưa ra quyết định.
Ngoài ra, việc xa nhau lâu ngày cũng tạo nên những thói quen sống khác biệt của các thành viên trong gia đình. Trong khi chồng bạn đã quen với nếp sống kỷ luật trên tàu, thì mấy mẹ con ở nhà lại có phần xuê xoa, thoải mái, vì vậy sẽ khó tránh khỏi xung đột. Bạn thì nghĩ chồng kỹ tính, soi mói, sạch sẽ thái quá, còn chồng bạn có thể lại nghĩ vợ con bừa bộn, lung tung. Chính những bất đồng này tạo nên rào cản tâm lý trong gia đình, gây ra những bất mãn, khó chịu. Nếu sau này có cơ hội về sống gần nhau, các bạn sẽ phải học cách từ từ chấp nhận người bạn đời của mình ở cả những điểm tích cực và tiêu cực.
Bạn hãy hỏi anh ấy xem vì sao chưa muốn về bờ? Có muốn ở bên vợ con không? Có muốn sinh thêm con? Nếu sinh rồi anh tính xem vợ nên xoay sở thế nào khi có một mình? Và tính toán trong tương lai của anh thế nào? Hãy lắng nghe để hiểu hơn những suy nghĩ, dự định của chồng, từ đó bạn cũng sẽ có định hướng trong suy nghĩ của mình. Bạn cũng có thể nhờ gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết tác động thêm mỗi khi chồng về chơi nếu đã xác định chắc chắn muốn chồng về. Trong trường hợp không thể thuyết phục được chồng về bờ như mong muốn, bạn vẫn còn một sự lựa chọn khác đó là từ bỏ công việc hiện tại và cùng con chuyển tới vịnh Hạ Long đoàn tụ với chồng. Tin rằng, khi cân nhắc đến phương án này bạn sẽ hiểu phần nào những băn khoăn, lo lắng của chồng mình trước quyết định thay đổi công việc.
Cuối cùng mới là phương án ly dị. Đó là khi bạn không thể chấp nhận được con người của chồng, khi hai bạn không thể tìm được tiếng nói chung. Tuy nhiên hãy cân nhắc, bởi nếu chồng bạn là một người chăm chỉ làm việc, hết lòng với gia đình, không bồ bịch lăng nhăng, luôn quan tâm vợ con trong phạm vi thời gian và điều kiện cho phép, thì điều anh ấy xứng đáng được nhận sự chia sẻ, thông cảm chứ không phải là thái độ lên án, đe dọa từ vợ mình. Chúc bạn bình tâm.
Muốn được chuyên gia Vũ Thu Hằng tư vấn, mời bạn gửi tâm sự tại đây.
Độc giả gọi điện tâm sự với biên tập viên theo số 02873008899 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính). Các chia sẻ của bạn sẽ được đăng tải trên Tâm sự.
Post a Comment