UBND tỉnh Hà Giang vừa có tờ trình Thủ tướng Chính phủ xin tiếp tục được triển khai thủ tục đầu tư và khởi công Dự án hợp đồng khối trụ sở làm việc các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang theo hình thức PPP, hợp đồng BLT (xây dựng - chuyển giao - thuê dịch vụ).
Đáng lưu ý, đây không phải là lần đầu tiên Hà Giang đề xuất xây dựng trụ sở làm việc tập trung.
Trước đó, năm 2013, UBND tỉnh Hà Giang đã lập đề án xây dựng Hợp khối trụ sở làm việc các cơ quan hành chính tỉnh Hà Giang và đã được HĐND thông qua. Báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt tháng 10/2015. Bộ Xây dựng cho ý kiến thống nhất chủ trương di chuyển các trường chuyên nghiệp của tỉnh khỏi trung tâm thành phố, thống nhất xây dựng hợp khối các cơ quan hành chính của tỉnh tại khu vực trung tâm hiện hữu của Hà Giang.
Tuy nhiên, ngày 24/11/2015, Thủ tướng Chính phủ có văn bản chỉ đạo các địa phương tạm dừng việc đầu tư xây dựng khu hành chính tập trung. UBND tỉnh Hà Giang đã tạm dừng theo chỉ đạo của Thủ tướng.
Đến nay, lý do để xin tiếp tục triển khai dự án, theo Hà Giang, các cơ quan hành chính cũ tỉnh này đều được đầu tư từ năm 1990 - 1991 và nằm rải rác trên các phường Nguyễn Trãi, Minh Khai, Trần Phú với tổng diện tích hơn 30 ha lại xen lẫn với các trường học, khu dân cư, bệnh viện, sử dụng đất đô thị lãng phí.
Trải qua hơn 25 năm sử dụng, các công trình đã dần xuống cấp, cần nguồn vốn rất lớn để sửa chữa và cải tạo. Hơn nữa, do nằm cách xa nhau nên không tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp đến làm việc vừa sử dụng quỹ đất không hiệu quả.
UBND tỉnh Hà Giang cho rằng, với việc xây dựng Hợp khối trụ sở làm việc các cơ quan hành chính tỉnh, cùng với điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết một cách hợp lý, toàn bộ khu đất dành để xây dựng cơ quan hành chính chỉ sử dụng trên 1 ha, bằng 1/12 diện tích đang sử dụng, từ đó sẽ tiết kiệm được quỹ đất là 29,45 ha.
Quỹ đất dôi ra sau khi hợp khối sẽ được đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất, tạo nguồn thu thanh toán dự án BTL và phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Theo đề xuất của UBND tỉnh Hà Giang, dự án bao gồm 2 tòa nhà, mỗi tòa 12 tầng, tổng diện tích sàn xây dựng 29.888 m2, tổng vốn đầu tư dự kiến là 692,9 tỷ đồng. Phương án tài chính được phác thảo ban đầu là thời gian trả gốc và lãi 11 năm; thời gian kinh doanh, thu hồi vốn là 9 năm. Tổng số tiền tỉnh Hà Giang phải thanh toán là 1.021 tỷ đồng.
Trong tính toán của tỉnh Hà Giang, ngoài nguồn thu từ đấu giá quỹ đất trụ sở cơ quan cũ, nguồn kinh phí chi thường xuyên của các đơn vị, vẫn cần khoảng 25 tỷ đồng/năm vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của Tỉnh để thanh toán cho Dự án này trong vòng 11 năm.
Về việc này, Văn phòng Chính phủ gửi các Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Hà Giang vẫn được coi là địa phương có điều kiện đặc biệt khó khăn. Theo chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, toàn tỉnh có 74.313 hộ nghèo, chiếm 43,65%, năm 2016 có 7.016 hộ thoát nghèo, hiện tỷ lệ hộ nghèo còn 38,75% số hộ nghèo…Theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Giang lần thứ 16 (nhiệm kỳ 2015 - 2020), đến năm 2020, Hà Giang mới thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn.
Post a Comment