Đó là khẳng định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội.
Cử tri cho rằng, trong những năm gần đây liên tục có những vụ đại án liên quan đến ngân hàng khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước, gây nên hệ lụy nghiêm trọng.
Thắc mắc của cử tri là, công tác kiểm tra, giám sát hệ thống ngân hàng lâu nay thực hiện như thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy. Cử tri đề nghị cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, xác định trách nhiệm trong công tác quản lý nhà nước và cần có biện pháp thu hồi lại số tiền đã thất thoát.
Cơ quan có trách nhiệm trả lời khẳng định, công tác thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước luôn được triển khai nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, phù hợp với nội dung và kế hoạch thanh tra, kết hợp chặt chẽ giữa thanh tra, giám sát và kiểm toán độc lập.
Trong năm 2016 và 2017 đã tiến hành 2.511 cuộc thanh tra, kiểm tra. Căn cứ kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra trực tiếp tại các tổ chức tín dụng, trong thời gian nói trên, các đoàn thanh tra, kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra 19.960 kiến nghị yêu cầu tổ chức tín dụng khắc phục tồn tại, sai phạm, ban hành 247 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp, cá nhân với tổng số tiền phạt là 17,63 tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, công tác giám sát được tăng cường nhằm theo dõi chặt chẽ việc chấp hành các quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng; tăng cường giám sát hoạt động cấp tín dụng, đặc biệt là cấp tín dụng đối với các lĩnh vực dễ phát sinh rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT...; giám sát chặt chẽ hoạt động của các ngân hàng sau sáp nhập và các tổ chức tín dụng phi ngân hàng yếu kém, theo dõi chặt chẽ tiến độ xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Chủ yếu phát sinh từ trước
Liên quan đến nhận xét của cử tri về tình trạng liên tục có những đại án liên quan đến ngành ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước hồi âm rằng các sai phạm chủ yếu phát sinh từ những năm trước đây.
Công văn trả lời cũng trích dẫn nhận định của Bộ Công an trong văn bản số 3021/BCA-C41 ngày 8/12/2016: từ năm 2015 đến nay, tội phạm kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng đã có dấu hiệu giảm so với trước cả về số vụ, số thiệt hại và số vụ việc lớn, nghiêm trọng. Hầu hết các vụ án kinh tế trong lĩnh vực ngân hàng điều tra gần đây đều xảy ra từ các năm trước nay mới được phát hiện, số vụ mới phát sinh xảy ra ít hơn.
Theo Ngân hàng Nhà nước thì những sai phạm trong lĩnh vực ngân hàng xuất phát cả từ các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Khách quan là do lĩnh vực kinh doanh tiền tệ, ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm, hấp dẫn đối với các loại tội phạm bên ngoài và cám dỗ với một bộ phận cán bộ, nhân viên ngân hàng thoái hóa biến chất; Một số ngân hàng chạy theo tối đa hóa lợi nhuận bất chấp quy định của pháp luật, quy định của ngành.
Thể chế luật pháp, cơ chế chính sách quản lý chậm đổi mới, chưa theo kịp với yêu cầu thực tiễn phát triển hoạt động tiền tệ ngân hàng; Mở rộng hội nhập và cuộc cách mạng công nghệ phát triển làm xuất hiện thêm nhiều loại hình tội phạm mới ngày càng tinh vi, phức tạp.
Trong nguyên nhân chủ quan có năng lực và trình độ quản lý điều hành của một số ngân hàng thương mại còn yếu kém. Công tác thanh tra giám sát, kiểm soát nội bộ còn yếu nên chậm phát hiện vụ việc để xảy ra những tồn tại vi phạm.
Việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra còn nhiều hạn chế, dẫn đến việc khắc phục, chỉnh sửa, thực hiện kiến nghị sau thanh tra của một số tổ chức tín dụng còn kéo dài, chưa đúng tiến độ. Chất lượng công tác giám sát từ xa chưa cao nên chưa phát huy được vai trò trong việc phát hiện, đánh giá, cảnh báo các tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tổ chức tín dụng...
Nâng cao khả năng cảnh báo sớm
Sau phần nêu nguyên nhân, văn bản trả lời cũng cho biết một số giải pháp khắc phục, chấn chỉnh và chủ động đối phó với các loại sai phạm, tội phạm trong ngành.
Như, tiếp tục tăng cường đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phù hợp với yêu cầu thực tiễn của Việt Nam và các thông lệ, chuẩn mực quốc tế. Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng; nâng cao khả năng cảnh báo sớm đối với những rủi ro tiềm ẩn mang tính hệ thống và ngăn ngừa nguy cơ vi phạm pháp luật của các tổ chức tín dụng. Nâng cao hiệu quả hoạt động giám sát an toàn vi mô và giám sát an toàn vĩ mô; tăng cường thanh tra toàn diện, pháp nhân tổ chức tín dụng, tăng cường chất lượng cán bộ…
Giải pháp nữa được đề cập là tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc đấu tranh phòng, chống tội phạm, đặc biệt là các cơ quan của Bộ Công An để phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các hành vi sai phạm trong lĩnh vực tiền tệ. Những vi phạm có dấu hiệu hình sự sẽ được chuyển hồ sơ, cung cấp thông tin, tài liệu cho cơ quan công an để điều tra, xử lý.
Ngân hàng Nhà nước cũng "hứa" với cử tri sẽ tăng cường đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tội phạm trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
Trước lo lắng của cử tri không phải ở một địa phương, Ngân hàng Nhà nước "tin tưởng rằng thời gian tới, hoạt động tiền tệ, ngân hàng sẽ trở nên an toàn và lành mạnh hơn nữa, góp phần giữ vững an ninh kinh tế, trật tự an toàn xã hội".
Post a Comment