Đó là một hạn chế trong thực thi chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm, được nêu tại báo cáo Chính phủ vừa gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Năm 2017, Quốc hội đã tiến hành giám sát tối cao về tình hình thực thi chính sách pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm giai đoạn 2011- 2016.
Nhiều chuyển biến
Theo đánh giá chung của Chính phủ thì sau giám sát của Quốc hội, tình hình an toàn thực phẩm đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Cụ thể là nhận thức, ý thức của người dân về an toàn thực phẩm tăng rõ rệt, nhiều chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn đã phát triển ở các tỉnh, thành với phương thức kiểm soát an toàn thực phẩm tiên tiến, tiếp cận được với cách kiểm soát thực phẩm xuất khẩu đến các thị trường phát triển.
Một số tỉnh/thành phố lớn đang nghiên cứu, áp dụng triển khai mô hình thí điểm về thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tuyến quận/huyện, xã/ phường như Hà Nội, Tp. HCM và thí điểm thành lập ban quản lý an toàn thực phẩm như Đà Nẵng, Tp.HCM, Bắc Ninh…
Chính phủ khằng định, tình hình ngộ độc thực phẩm đang được kiểm soát, giảm nhiều về số vụ, số mắc so với năm 2016.
Năm 2017, toàn quốc ghi nhận 148 vụ ngộ độc thực phẩm làm 4.087 người mắc, 3.908 người đi viện và 24 trường hợp tử vong. So với năm 2016, số vụ giảm 26 vụ (14,9%), số mắc giảm 467 người (10,3%), số đi viện giảm 70 người (1,8%), tuy nhiên số tử vong tăng 12 người.
Nguyên nhân tử vong tăng chủ yếu là do ngộ độc methanol trong rượu (11 người), độc tố tự nhiên (10 người, do cóc, cá nóc, so biển), 3 trường hợp còn lại chưa xác định được nguyên nhân.
Còn đùn đẩy trách nhiệm
Bên cạnh chuyển biến tích cực, báo cáo cũng đề cập không ít hạn chế.
Như, việc nghiên cứu và thực thi hệ thống pháp luật tại địa phương còn chưa đạt yêu cầu. Ở nhiều địa phương mặc dù tổ chức thanh, kiểm tra nhiều nhưng tỷ lệ xử lý thấp, kỷ cương, kỷ luật không nghiêm, vẫn còn có sự đùn đẩy trách nhiệm giữa các ngành có liên quan.
Hạn chế tiếp theo là tình hình buôn lậu thực phẩm qua biên giới còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt đối với các thực phẩm sinh lời cao như thực phẩm chức năng rất dễ dẫn đến làm giả và buôn lậu. Thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ; vi phạm về chất lượng, hết hạn sử dụng...chưa được được kiểm soát chặt chẽ, đang có nguy cơ đưa vào tiêu thụ tại các chợ truyền thống, vùng sâu, vùng xa.
Tình trạng làm giả giấy tờ của cơ quan tổ chức về lĩnh vực thực phẩm được các đối tượng thực hiện rất tinh vi, các cơ quan chức năng khó kiểm soát.
Đáng chú ý, báo cáo nêu, việc chấp hành các quy định về quảng cáo thực phẩm đã có chuyển biến tích cực so với trước đây. Tuy nhiên, việc quản lý quảng cáo trên mạng xã hội (facebook, youtube…), trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài gặp nhiều khó khăn trong quản lý nội dung quảng cáo, không xác định được chủ thể quảng cáo vi phạm và không có cơ sở để xử lý vi phạm.
Đặc biệt, một số website chủ thể đặt máy chủ tại nước ngoài nên cơ quan quản lý nhà nước khó kiểm soát, khó xử lý, thẩm quyền xử lý đối với cơ sở phát hành quảng cáo như báo, đài, website chủ yếu là Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ Công an.
Vẫn nằm trong hạn chế là tình hình ngộ độc thực phẩm còn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đối với các vụ ngộ độc thực phẩm tại bữa ăn bếp ăn trường học, ngộ độc thực phẩm ở đám cưới, do độc tố tự nhiên (nấm độc, cá nóc, cóc…) và đặc biệt là ngộ độc methanol trong rượu. Ngộ độc tại bếp ăn tập thể khu công nghiệp trường học vẫn có xu hướng tăng và khó kiểm soát.
Phân tích nguyên nhân chủ quan, Chính phủ nêu rõ, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ, lãnh đạo quản lý về vai trò của an toàn thực phẩm chưa đầy đủ, lực lượng thực thi các nhiệm vụ quản lý nhà nước còn yếu kém. Nhận thức, ý thức trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về công tác đảm bảo an toàn thực phẩm còn hạn chế.
Mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng đầu tư kinh phí cho công tác quản lý an toàn thực phẩm ở còn rất thấp.
Kinh phí giai đoạn 2001 - 2005 chỉ bằng 1/25 của Thái Lan (Thái Lan là 1USD/người/năm; Việt Nam là 780 đồng/người/năm). Giai đoạn 2006 - 2010 kinh phí được tăng lên khoảng 1.600 đồng/người/năm, năm 2014 kinh phí lại bị cắt giảm 60% so với năm 2013, do vậy giai đoạn 2011- 2015 bình quân đầu người mới chỉ đạt khoảng 2.800 đồng/người/năm, trong khi tại Bắc Kinh mỗi năm thành phố chi trên 100.000 đồng/người).
Post a Comment