Tính đến thời điểm hiện nay, công tác tiến hành kiểm điểm đối với tập thể, cá nhân liên quan đến những khuyết điểm, sai phạm đã có một số kết quả đối với các dự án của các tập đoàn Dầu khí, Dệt may và Hóa chất.
Đó là thông tin tại báo cáo của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn.
Như VnEconomy đã thông tin, trong số 12 dự án "đắp chiếu" của ngành công thương, mới có hai dự án có lãi, số còn lại vẫn tiếp tục khó khăn. Và khẩn trương xử lý dứt điểm các dự án này là yêu cầu được nêu tại nghị quyết của Quốc hội từ cuối năm 2016.
Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Một số kết quả thanh tra, kiểm toán, điều tra và xử lý các sai phạm của các tổ chức, cá nhân có liên quan đã được Bộ trưởng nêu tại báo cáo.
Theo đó, đối với dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện và đã trình Thủ tướng dự thảo kết luận thanh tra.
Đối với dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra toàn diện và đã hoàn tất công tác thanh tra tại TISCO và hiện đang hoàn thiện dự thảo kết luận để trình Thủ tướng.
Trong quá trình thanh tra dự án, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện ra dấu hiệu vi pham trong quá trình triển khai thực hiện dự án và đã chuyển hồ sơ, tài liệu sang Cơ quan điều tra - Bộ Công an và Viện kiểm soát nhân dân tối cao để xem xét xử lý, Bộ trưởng cho biết.
Đối với dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành thanh tra PVTex và đã chuyển kết luận thanh tra sang Bộ Công an. Đến nay, Bộ Công an đang chỉ đạo cơ quan an ninh điều tra, xác minh các dấu hiệu sai phạm theo nội dung kết luận của Thanh tra chính phủ, dự kiến sẽ kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện Kiểm soát Nhân dân tối cao đề nghị truy tố trong quí 2/2018.
Với dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và Dự án nhà máy Gang thép Lào Cai, Thanh tra tỉnh Lào Cai đã tiến hành thanh tra và có kết luận thanh tra, đồng thời đã triển khai công tác kiểm điểm trách nhiệm cá nhân tập thể theo kết luận của Thanh tra.
Bộ Công Thương cũng đã tổ chức đoàn thanh tra toàn diện đối với d3 dự án, doanh nghiệp là: dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp Tàu thủy Dung Quất và dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam và đang tổng hợp kết quả thanh tra. Hiện nay, Bộ Công Thương cũng đang tiến hành thanh tra đối với Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và dự kiến sẽ hoàn thành báo cáo kết quả thanh tra vào tháng 5/2018.
Thông tin tiếp theo tại báo cáo là kiểm toán Nhà nước đã hoàn thành và chuyển hồ sơ kiểm toán sang Bộ Công an để tiếp tục xử lý các bước tiếp theo đối với Dự án Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 - Lào Cai và PVTex và Dự án Nhà máy sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ. Bên cạnh đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã triển khai kiểm toán và có báo cáo tài chính kết hợp đánh giá hiệu quả hoạt động của dự án nhà máy sản xuất Đạm Ninh Bình và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng.
Riêng đối với việc kiểm toán thực trạng tài chính và tình hình sản xuất kinh doanh đối với Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ do PVTex đang làm việc với cơ quan điều tra của Bộ Công an nên tạm thời chưa triển khai thực hiện theo kế hoạch, báo cáo nêu rõ.
Xử lý nhiều tập thể, cá nhân
Về xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm, người đứng đầu ngành công thương cho biết, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng đề nghị Hội đồng thành viên của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Hội đồng quản trị của Tập đoàn Dệt may (Vinatex) phải chịu trách nhiệm với những khuyết điểm, sai phạm liên quan đến các dự án và bị đề xuất hình thức kỷ luật là phê bình nghiêm khắc.
Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương cũng đã thi hành kỷ luật đối các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) các nhiệm kỳ 2005 - 2010 và 2010 - 2015 theo thông báo Kết luận tại kỳ họp thứ 17 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đối với các cá nhân thuộc PVN, Bộ trưởng thông tin, tất cả 14 cá nhân nguyên là ủy viên hội đồng thành viên, tổng giám đốc qua các thời kỳ từ 2006 đến 2015 đều bị đề nghị xem xét xử lý kỷ luật. Trong quá trình xem xét tiến hành xử lý kỷ luật, một số cá nhân đã bị đề nghị khởi tố bắt tạm giam để điều tra, một số đã bị xét xử tại tòa án và đã phải nhận các bản án nghiêm khắc.
Đáng chú ý là một số cá nhân đã nghỉ hưu nhưng cũng bị kỷ luật như: ông Phùng Đình Thực bị xóa tư cách nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Đỗ Văn Hậu bị xóa tư cách nguyên Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc PVN giai đoạn 2011 - 2014.
Ngoài ra, tất cả thành viên Hội đồng quản trị của Vinatex qua các thời kỳ từ 2008 đến 2014 đều bị phê bình nghiêm khắc và nghiêm túc rút kinh nghiệm.
Còn đối với các cá nhân thuộc Vinachem, ông Nguyễn Anh Dũng, Chủ tịch hội đồng thành viên đã bị cách chức. Một số cá nhân khác cũng đã bị cách chức, cảnh cáo.
Về các cá nhân liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trong tại PVTex, Bộ trưởng cho hay đã khởi tố 5 bị can về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng; đã bắt tạm giam đối với 4 bị can và ra lệnh truy nã đặc biệt đối với 1 bị can.
Post a Comment