VCCI nhận định, việc thiếu rõ ràng trong các tiêu chí xem xét trong dự thảo thông tư có thể tạo ra sự tùy tiện hoặc trao quá nhiều quyền cho cơ quan nhà nước trong việc lựa chọn đơn vị chỉ định tổ chức kiểm tra.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản góp ý đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn về công nhận chương trình đào tạo và xác nhận kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp của Bộ Công Thương.

Một số quy định tạo ra sự tùy nghi, gây khó khăn cho doanh nghiệp

VCCI cho rằng, dự thảo của Bộ Công Thương quy định chi tiết thi hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP của Chính phủ, vì vậy các quy định cần phải đủ thống nhất, cụ thể, rõ ràng, đảm bảo để có thể thi hành được ngay khi ban hành.

Sau khi rà soát dự thảo, VCCI thấy rằng, còn có một số quy định chưa đáp ứng được yêu cầu này nên đề nghị ban soạn thảo cân nhắc, xem xét.

Cụ thể, đối với việc thực hiện kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hành đa cấp cơ bản (khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5), dự thảo quy định sẽ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng) thực hiện. Chỉ trong trường hợp "có nhu cầu thực tiễn" thì cơ quan này mới chỉ định một/các đơn vị khác thực hiện việc này.

Theo VCCI, cách tiếp cận này cần xem xét lại ở hai khía cạnh. Thứ nhất, việc cơ quan nhà nước trực tiếp thực hiện việc kiểm tra, về mặt pháp lý, các nhân viên bán hàng đa cấp thực hiện công việc liên quan đến bán hàng đa cấp với tư cách nhân viên của doanh nghiệp, không phải với tư cách cá nhân.

Do đó, VCCI cho rằng, doanh nghiệp sẽ là chủ thể chịu trách nhiệm chứ không phải là các nhân nhân viên bán hàng đa cấp.

"Như vậy, về mặt nguyên tắc thì điều mà Nhà nước cần kiểm soát là việc doanh nghiệp bán hàng đa cấp có thực hiện đào tạo kiến thức đầy đủ, chính xác cho nhân viên của mình không, chứ không phải việc Nhà nước, hoặc đơn vị được chỉ định trực tiếp kiểm soát kiến thức pháp luật của người tham gia bán hàng đa cấp", VCCI nhận định.

Từ đó đơn vị này góp ý, các quy định tại Thông tư nên thiết kế theo hướng đơn giản, thuận lợi, theo đúng hướng là "xác nhận" chứ không phải trực tiếp kiểm tra.

Thứ hai, về thủ tục chỉ định đơn vị kiểm tra. Tại Điều 5 của dự thảo quy định về các tiêu chí để cơ quan nhà nước chỉ định, kèm theo đó là trình tự, thủ tục chỉ định.

Theo đó, quy trình này được thiết kế tương tự như một quy trình cấp phép kinh doanh (doanh nghiệp muốn được chỉ định, tức là muốn thực hiện dịch vụ này, phải nộp hồ sơ, đáp ứng đủ các tiêu chí, cơ quan nhà nước sẽ xem xét hồ sơ và ban hành quyết định chỉ định; khi có quyết định chỉ định thì doanh nghiệp mới được thực hiện tổ chức kiểm tra).

"Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 7 Luật đầu tư 2014 thì văn bản cấp Bộ không được quy định về điều kiện kinh doanh. Hơn nữa, việc tổ chức kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp cũng không thuộc ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, quy định tại Điều 5 Dự thảo là chưa phù hợp về tính pháp lý, đề nghị ban soạn thảo cân nhắc điều chỉnh lại thủ tục này", VCCI nhấn mạnh.

Về tính minh bạch, VCCI cho biết, dự thảo quy định về tiêu chí để cơ quan nhà nước chỉ định đơn vị tổ chức kiểm tra, tuy nhiên các tiêu chí này rất chung chung.

Chẳng hạn, có chức năng, kinh nghiệm phù hợp; có phương án, quy chế phù hợp để thực hiện các đợt kiểm tra; có ngân hàng câu hỏi phù hợp...

"Không rõ như thế nào được cho là phù hợp? Việc thiếu rõ ràng trong các tiêu chí xem xét có thể tạo ra sự tùy tiện hoặc trao quá nhiều quyền cho cơ quan nhà nước trong việc lựa chọn đơn vị chỉ định tổ chức kiểm tra", VCCI nêu quan điểm.

Tương tự, tại Điểm a khoản 4 Điều 5 Dự thảo quy định "trường hợp cần thiết, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng tiến hành kiểm tra hoạt động của đơn vị tổ chức kiểm tra", VCCI cũng cho rằng đây là quy định chưa rõ ràng, có thể tạo ra sự tùy nghi trong quyết định kiểm tra của cơ quan nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Có thể xảy ra trường hợp độc quyền

Đối với quy định về quy trình tổ chức kiểm tra, cấp xác nhận kiến thức bán hàng đa cấp (Điều 4), VCCI cho rằng, quy trình này có một số điểm chưa hợp lý và rõ ràng.

Cụ thể, về chủ thể tổ chức kiểm tra, theo dự thảo thì Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng hoặc đơn vị tổ chức đợt kiểm tra được Cục chỉ định là các chủ thể thực hiện kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp.

Như vậy sẽ có nhóm hai chủ thể có thể thực hiện kiểm tra kiến thức.Tuy nhiên, dự thảo lại không rõ các nội dung liên quan. Chẳng hạn, các trường hợp chỉ định "căn cứ vào nhu cầu thực tiễn", tức là giao toàn bộ quyền quyết định có chỉ định hay không cho Cục.

"Vậy có thể xảy ra tình trạng Cục muốn độc quyền thực hiện công việc này mà không chỉ định đơn vị bên ngoài nào khác không?", VCCI đặt câu hỏi.

Về phạm vi thẩm quyền của đơn vị được chỉ định cũng cần làm rõ. Theo đó, trong trường hợp chỉ định thì đơn vị được chỉ định có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, cấp xác nhận cho những trường hợp nào? Có giới hạn về địa lý, về nội dung hay không? Có trường hợp nào mà chỉ Cục mới được tiến hành kiểm tra không?

Đối với quyền lựa chọn chủ thể kiểm tra của doanh nghiệp thì doanh nghiệp bán hàng đa cấp có quyền lựa chọn chủ thể tổ chức kiểm tra không? Làm thế nào doanh nghiệp bán hàng đa cấp biết được các đơn vị nào được chỉ định?

Mặt khác, về quy trình kiểm tra, dự thảo quy định "đơn vị tổ chức kiểm tra thông báo danh sách người đăng ký kiểm tra hợp lệ, tiến hành tổ chức kiểm tra, báo cáo Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng kết quả kiểm tra".

"Quy định này được hiểu là chỉ áp dụng cho trường hợp đơn vị tổ chức kiểm tra là đơn vị được chỉ định (không phải Cục). Tuy nhiên, quy định này không thống nhất với quy định tại Điều 5.3 của dự thảo. Theo đó đơn vị tổ chức kiểm tra chỉ có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra cho Cục mà không có yêu cầu về báo cáo/thông báo về danh sách.

Ngoài ra, xét về tính chất thì việc thông báo cho Cục về danh sách đăng ký kiểm tra không có ý nghĩa gì lớn trong kiểm soát. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này", VCCI đóng góp ý kiến.

Cùng với đó, VCCI cũng cho rằng, hiện dự thảo chưa có quy định nào cụ thể về quy trình và các thời hạn mà Cục phải tuân thủ nếu Cục trực tiếp thực hiện việc kiểm tra.

VCC đánh giá điều này là rất rủi ro cho doanh nghiệp bán hàng đa cấp, bởi khác với các đơn vị được chỉ định (đơn vị làm dịch vụ), khi Cục thực hiện hoạt động này với tính chất là một dịch vụ công (đặc biệt trong trường hợp Cục không chỉ định đơn vị nào khác tổ chức), rất có thể xảy ra tình trạng thủ tục kéo dài, dư địa nhũng nhiều.

"Vì vậy, đối với trường hợp này, cần thiết phải quy định cụ thể về các thời hạn giữa các bước trong quy trình kiểm tra, xác nhận của Cục", VCCI nêu quan điểm.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top