Nhìn về tầm nhìn năm 2020 và những năm tiếp theo thì mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan, theo nhận định của Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc.
Sáng 30/10 Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận toàn thể đầu tiên về kinh tế - xã hội, sẽ kéo dài trong hai ngày.
Ngay đầu giờ đã có 105 đại biểu đăng ký phát biểu, nếu mỗi vị thực hiện đúng 7 phút thì 4 phiên thảo luận cũng không đủ thời gian cho tất cả, chưa kể còn dành thời gian cho các thành viên Chính phủ giải trình.
Vì thế, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển (người điều hành phiên thảo luận) thông báo, chủ toạ kỳ họp đã thống nhất với những đoàn đông đại biểu như Hà Nội, Tp.HCM thì tối đa sẽ mời 3 đại biểu phát biểu, những đoàn như Thanh Hoá, Nghệ An thì mời 2 người, các đoàn khác là 1 đại biểu, sau khi có đủ đại biểu tại 63 tỉnh thành mà còn thời gian thì sẽ phát biểu vòng hai. Như thế không thể mời đại biểu phát biểu theo thứ tự đã đăng ký, ông Hiển mong các đại biểu thông cảm.
Thành quả không dễ dàng
Tham gia thảo luận, các đại biểu đều nhấn mạnh đến kết quả đáng ghi nhận của 2019 như tăng trưởng đạt cao, lạm phát được kiềm chế, dự kiến 12/12 chỉ tiêu đều đạt và vượt.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiềm chế dưới 3%, thất nghiệp dưới 4%, tăng trưởng ước đạt 6,8% cho cả năm, trên 130.000 doanh nghiệp thành lập mới... là những thành quả rất quan trọng và không dễ dàng!
Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI thì mục tiêu duy trì nhịp độ tăng trưởng 6,8% là rất gian nan.
"Trong bối cảnh kinh tế và thương mại thế giới đang giảm tốc và theo dự báo có khả năng tiến tới ngưỡng suy thoái toàn cầu thì mức tăng trưởng 6,8% của một nền kinh tế có độ mở cao, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài như nước ta liệu có khả thi? Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần chuẩn bị phương án chủ động ứng phó với tình huống này", ông Lộc phát biểu.
Phân tích kỹ hơn, theo Chủ tịch VCCI nhìn kỹ vào ngành chế biến chế tạo – khu vực đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm, đằng sau mức tăng sản lượng ấn tượng 11,37%, thì chỉ số hàng tồn kho của ngành này tại thời điểm 30/9 cũng đạt mức kỷ lục là 17,2%, cao hơn nhiều so với mức 13,8% cùng kỳ năm 2018 và 8,8% của năm 2017.
Vậy, sự tăng trưởng của ngành này có bền vững không khi các doanh nghiệp đưa chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường?, ông Lộc đặt vấn đề.
"Trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết"
Gian nan tiếp theo được Chủ tịch VCCI nhấn mạnh là cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, rất nhiều chuyên gia dự báo rằng Việt Nam sẽ hưởng lợi, sẽ trở thành công xưởng mới của nền kinh tế toàn cầu.
"Nhưng thực tế lại không chứng minh điều đó. Mà ngược lại, "trâu bò đánh nhau ruồi muỗi chết". 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng 8,2% so với cùng kỳ 2018, chỉ còn bằng phân nửa tốc độ tăng của cùng kỳ năm ngoái là 15,4% và bằng khoảng 1/3 của mức tăng trên 20% của những năm trước nữa", Chủ tịch Lộc nhấn mạnh.
Cơ cấu xuất khẩu theo thị trường, theo nhìn nhận của Chủ tịch VCCI cũng có những chuyển dịch bất lợi. Xuất khẩu sang nhóm 5 thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam, bao gồm EU, Trung Quốc, ASEAN, Nhật Bản đều giảm tốc. Duy nhất, xuất khẩu sang Mỹ tăng đột biến nhưng lại chưa đựng rất nhiều rủi ro và gian lận thương mại, về thâm nhập thương mại .
9 tháng đầu năm, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ gần 45 tỷ USD, tăng tới 28% so với cùng kỳ năm ngoái và Việt Nam trở thành một trong sáu quốc gia có thâm hụt thương mại lớn nhất với Hoa Kỳ. Trong khi hầu hết các quốc gia này đều bị Hoa Kỳ trừng phạt thì ai có thể bảo đảm rằng chúng ta là ngoại lệ ?. Khả năng duy trì xuất khẩu vào một thị trường lớn nhất chiếm tới gần 1/4 tổng kim ngạch của Việt năm ,do vậy, trở nên rất mong manh, ông Lộc cảnh báo.
Thách thức nữa được ông Lộc đề cập là bức tranh về đầu tư nước ngoài cũng chẳng sáng sủa hơn. 9 tháng đầu năm, đầu tư nước ngoài có dấu hiệu nhích lên nhưng lại giảm tốc ở 2 đầu nguồn trọng điểm đóng vai trò dẫn dắt là Nhật Bản và Hàn Quốc, trong khi đó lại tăng đột biến từ các nguồn liên quan tới Trung Quốc (bao gồm cả Trung Quốc, Đài Loan và Hongkong). Vốn đầu tư nước ngoài dịch chuyển theo hướng này cũng phát đi một tín hiệu thiếu bền vững, thiếu cân bằng về FDI và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.
Theo Chủ tịch VCCI thì những chỉ báo trên cho thấy để duy trì được nhịp độ tăng trưởng 6,8%, đồng thời cải thiện được chất lượng tăng trưởng trong năm tới là rất gian nan. Và động lực chính để bảo đảm cho sự tăng trưởng là nâng cao sức cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp.
Về vấn đề này, cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội đã chỉ ra rằng: 3 năm liên tiếp, nguồn thu ngân sách từ khu vực doanh nghiệp- nguồn thu được trông đợi nhất của nền kinh tế là chỉ báo quan trọng nhất thể hiện tính bền vững của ngân sách quốc gia, đã không đạt kế hoạch, thể hiện cộng đồng doanh nghiệp đang dối mặt với rất nhiều khó khăn.
Vì vậy, ông Lộc cho rằng sự đồng cam cộng khổ của cả hệ thống chính trị, của cả người lao động với doanh nghiệp để duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh là rất quan trọng.
"Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các nước đang đua nhau hạ lãi suất , giảm chi phí và ban hành các gói các kích thích kinh tế để hỗ trợ doanh nghiệp. Còn ở Việt nam, chúng ta đang làm gì khi lạm phát thấp nhưng lãi suất lại rất cao và các chi phí kinh doanh ngày càng lớn? Chủ tịch VCCI đặt vấn đề.
Post a Comment