Đây là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau tại dự thảo Pháp lệnh Ưu đãi người có công (sửa đổi) đang được Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội lấy ý kiến để trình Chính phủ nhằm hoàn thiện, bổ sung các quy định về thực hiện chính sách hỗ trợ cho người có công.

Dự thảo pháp lệnh gồm 6 chương, 57 điều (bổ sung 2 chương, tăng 7 điều và bỏ 1 chương so với pháp lệnh hiện hành.

Theo Ban soạn thảo, hiện nội dung dự thảo pháp lệnh đang còn một số vấn đề có ý kiến khác nhau.

Thêm chính sách ưu đãi cho thế hệ thứ 3 ảnh hưởng chất độc hóa học

Dự thảo đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi đối với đối tượng thế hệ thứ 3 bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nên tiếp tục thực hiện theo chế độ bảo trợ xã hội, chưa cần bổ sung chính sách mới.

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn về khám chữa bệnh, hiện nay chưa đủ cơ sở khoa học và thực tiễn đầy đủ để xác định danh mục bệnh, tật, dị dạng, dị tật do chất độc hóa học gây ra đối với thế hệ thứ 3 của người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học.

Thực tế qua công tác khám chữa bệnh thì nguyên nhân gây ra dị dạng, dị tật không phải chỉ do chất độc hóa học mà còn có thể có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhất là với thế hệ thứ 3.

Bổ sung điều kiện công nhận liệt sĩ

Theo Ban soạn thảo, quá trình lấy ý kiến các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức và cá nhân có hai luồng ý kiến về việc công nhận liệt sĩ đối với trường hợp thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát: Thương binh từ 81% trở lên chết vì vết thương tái phát và thương binh từ 61% chết vì vết thương tái phát.

Hiện nay, số thương binh có tỉ lệ thương tật dưới 81% khi chết được xác nhận là liệt sĩ đang không nhận được sự đồng tình của thương binh nặng và địa phương.

Do đó, dự thảo đang có hai phương án. Đó là xác nhận liệt sĩ đối với thương binh, người hưởng chính sách như thương binh chết do vết thương tái phát có tỉ lệ thương tật từ 81% trở lên hoặc quy định như hiện hành (tỉ lệ thương tật từ 61% trở lên).

Cả hai phương án đều quy định điều kiện bắt buộc phải có bệnh án điều trị thường xuyên vết thương tái phát và xác nhận của bệnh viện cấp huyện trở lên.

Xem xét mở rộng đối tượng chưa được tặng huân chương

Dự thảo cũng đề xuất bổ sung đối tượng người hoạt động kháng chiến nhưng chưa đủ thời gian được tặng huân chương, huy chương. Tuy nhiên, theo Ban soạn thảo, còn ý kiến đề nghị không bổ sung đối tượng này vào pháp lệnh vì đã được hưởng các chế độ ưu đãi trợ cấp một lần hoặc hàng tháng.

Nếu thêm các đối tượng này thì sẽ phải thực hiện bổ sung các chế độ chính sách, trong khi đã hưởng chế độ trợ cấp một lần. Ngoài ra, số lượng đối tượng này tương đối lớn, với khoảng 1,7 triệu người.

Thực hiện trợ cấp một lần thay cho hàng tháng

Pháp lệnh hiện hành đang quy định người hoạt động kháng chiến bị phơi nhiễm chất độc hóa học có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 21% trở lên, được hưởng trợ cấp hằng tháng theo các mức từ 21- 40%, từ 41 - 60%, từ 61 - 80% và từ 81% trở lên.

Trong quá trình soạn thảo, nhiều địa phương đề nghị Chính phủ rà soát lại toàn bộ nhóm có tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 21- 40% và chuyển sang thực hiện trợ cấp một lần thay cho hàng tháng. Nguyên nhân là qua thanh tra, kiểm tra cho thấy việc lạm dụng chính sách, khó kiểm soát thời gian vừa qua chủ yếu ở nhóm đối tượng này.

Không tiếp tục công nhận bệnh binh mới là người có công

Pháp lệnh hiện hành quy định, "bệnh binh là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên khi xuất ngũ" và "là quân nhân, công an nhân dân mắc bệnh làm suy giảm khả năng lao động từ 41- 60% đã được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền công nhận trước ngày 31/12/1994".

Lần này, pháp lệnh đang xem xét bỏ chế độ bệnh binh trong thời bình. Đối với bệnh binh đang hưởng theo pháp lệnh hiện hành thì tiếp tục được hưởng theo quy định, nhưng không tiếp tục công nhận bệnh binh mới là đối tượng người có công.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top