Từ năm 2015 đến 2018 khách quốc tế tăng gần hai lần từ 8 triệu lên 15,5 triệu và tốc độ tăng trưởng là 25% /năm, là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Thông tin trên được Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện nêu trong phát biểu tại nghị trường, sáng 31/10.

Quản lý và đầu tư cho du lịch là vấn đề được Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị Bộ trưởng Thiện báo cáo sau nhiều ý kiến thảo luận về kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng, trong thời gian vừa qua ngành du lịch đạt được những kết quả quan trọng, từ năm 2015 đến 2018 khách quốc tế tăng gần hai lần từ 8 triệu lên 15,5 triệu và tốc độ tăng trưởng là 25%/năm, là 1 trong 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới.

Khách nội địa tăng 1, 4 lần từ 57 triệu lên 80 triệu vào năm 2018, đóng góp 8,4% GDP.

Trong 10 tháng đầu năm 2019, du lịch Việt Nam đón 14,5 triệu lượt khách quốc tế tăng 13% so với tăng trưởng 4% của du lịch toàn cầu vào 5% của khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng cập nhật số liệu.

Tiếp đó Bộ trưởng kể ra hàng loạt giải thưởng du lịch Việt Nam đã đạt được: giải thưởng Du lịch hàng đầu châu Á, điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á và điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á. Năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam liên tục được cải thiện, trong hai lần xếp hạng đã tăng lên được 12 bậc, hiện nay đứng thứ 63/140 nước, Bộ trưởng thông tin thêm.

Tuy vậy, theo Bộ trưởng Thiện thì du lịch Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế như chất lượng du lịch chưa cao, sản phẩm chưa phong phú.

Để du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ trưởng cho rằng cần tiếp tục đổi mới nhận thức phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực mang tính xã hội hóa cao. Hai là phải tăng cường công tác xúc tiến quảng bá du lịch, phối hợp công - tư trung ương, địa phương, ứng dụng công nghệ, tiếp tục đơn giản hóa tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch. Giải pháp tiếp theo được Bộ trưởng đề cập là đẩy mạnh liên kết du lịch và đẩy mạnh xã hội hóa du lịch trong đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ du lịch.

Ngành du lịch Việt Nam trong 4 năm qua số lượng buồng phòng đặc biệt là phòng tiêu chuẩn 4, 5 sao tăng gấp đôi cũng nhờ xã hội hóa, Bộ trưởng nói.

Bên cạnh du lịch, giải pháp khắc phục sự phát triển văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế và tình trạng xuống cấp về văn hóa, đạo đức và lối sống cũng là vấn đề Bộ trưởng Thiện được đề nghị phát biểu.

Theo đánh giá của Bộ trưởng, sự phát triển văn hóa hiện nay đang đứng trước nhiều thách thức, bất cập, nảy sinh nhiều vấn đề cần phải tập trung giải quyết.

"Giờ đây, chúng ta nói nhiều đến việc xuống cấp của đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm nghề nghiệp, quy tắc ứng xử văn minh công cộng, lối sống thực dụng cá nhân vị kỷ, tệ nạn, tội phạm xã hội... Rõ ràng rằng tất cả những vấn đề đó đều là vấn đề của văn hóa, liên quan đến văn hóa và có nguyên nhân từ văn hóa", Bộ trưởng phát biểu.

Nhấn mạnh xây dựng văn hóa hay sự phát triển con người chính là mục đích cuối cùng của mọi sự phát triển, Bộ trưởng cho rằng, so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị - kinh tế, những thành tựu trên lĩnh vực văn hóa còn chưa tương xứng, chưa đủ tầm mức để tác động có hiệu quả đến việc xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh.

Để văn hóa thực sự hướng tới sự phát triển bền vững cho đất nước, Bộ trưởng nêu một số giải pháp, trong đó có giải pháp nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của văn hóa. Xây dựng và phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng.

Lúc sinh thời, Bác Hồ luôn nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, Bác nói "văn hóa soi đường cho quốc dân đi, văn hóa chính là hồn cốt của dân tộc, là nguồn lực nội sinh quan trọng nhất cho sự phát triển bền vững của đất nước", Bộ trưởng kết thúc phát biểu. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top