Hàng loạt câu hỏi về quản lý báo chí, về các tạp chí điện tử hoạt động không đúng tôn chỉ, mục đích, hay tình trạng sách nhiễu của một bộ phận phóng viên, cộng tác viên hay việc sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ (bài)... đã được đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, tại phiên trả lời chất vấn Quốc hội sáng 8/11.

Rất trăn trở với đời sống anh em phóng viên

Đại biểu Đặng Thị Phương Thảo (Nam Định) đặt câu hỏi về các giải pháp căn cơ đối với tình trạng "báo hóa" tạp chí điện tử cũng như sự sách nhiễu của một bộ phận phóng viên, cộng tác viên, hay các giải pháp để tìm hướng đi và lối ra cho các trang tạp chí điện tử phát triển, cho anh em phóng viên.

Trả lời, Bộ trưởng Hùng cho biết, chúng ta chỉ có thể hạn chế và quản lý những rủi ro đó và hạn chế chứ không thể căn cơ hoàn toàn. Tuy nhiên, ông cho biết có một giải pháp nữa mà ông rất đồng tình với đại biểu, tức là phải nghĩ đến chuyện đời sống của anh em. "Việc này thực sự là trăn trở rất lớn của cá nhân tôi", Bộ trưởng Hùng chia sẻ.

Theo Bộ trưởng, hiện có 41.000 người sống bằng nghề báo chí, trước đây nguồn thu từ quảng cáo là khoảng 26.000 tỷ, bây giờ chỉ còn khoảng 13.000 tỷ, vì một nửa phần đó đã rơi vào các mạng xã hội nước ngoài, tức là nguồn giảm đi một nửa.

Trong khi, trong luật quy định cơ quan chủ quản phải đảm bảo điều kiện hoạt động cho cơ quan báo chí, nhưng nhiều cơ quan chủ quản buông lỏng việc này cho nên anh em phải bơi nên thực sự là khó khăn.

"Đúng là giải pháp chúng ta phải nghĩ đến, nhìn dưới khía cạnh rất con người tức là để cho anh em sống được", ông nói và cho biết để giải quyết vấn đề trên có mấy việc, thứ nhất là trách nhiệm của cơ quan chủ quản phải đảm bảo được điều kiện hoạt động, đảm bảo cho anh em có thể sống bằng nghề được.

Hai là câu chuyện đang báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặt hàng. Trong luật ghi là "Nhà nước phải đặt hàng cơ quan báo chí thực hiện nhiệm vụ chính trị". Tuy nhiên, ông Hùng cho biết, hiện nay cơ chế chưa làm được và bản thân ông cũng nhận trách nhiệm vì thực thi việc này.

Tóm lại, theo Bộ trưởng, một là cơ chế, hai là có nguồn tiền hàng năm để đặt hàng báo chí. Việc thứ ba nữa, nếu nhìn ra có vẻ như bảo hộ ngược, tức là các công ty truyền thông nước ngoài, các nền tảng xã hội nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không đóng thuế và luật pháp không tuân thủ nghiêm minh.

Câu chuyện thực thi pháp luật đối với các nền tảng xã hội nước ngoài - đối tượng đã lấy đi một nửa nguồn thu của báo chí - cũng là một việc phải làm để tránh chuyện bảo hộ ngược, ông nói.

Tất cả các báo, tạp chí phải lưu chiểu về trung tâm lưu trữ

Bên cạnh những mặt tích cực của báo chí chúng ta không thể phủ nhận, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng còn nhiều trường hợp các bài báo đăng theo kiểu giật tít, lợi dụng tính hiếu kỳ của một số lượng độc giả, đồng thời đặt câu hỏi về biện pháp xử lý và các giải pháp hữu hiệu nào để quản lý chất lượng báo chí trong thời gian tới.

Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) cũng đặt câu hỏi về giải pháp để chấn chỉnh tình trạng gỡ tin, bài các trang thông tin điện tử, để chấm dứt tình trạng "sáng đăng, trưa gặp, chiều gỡ" và nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong thông tin, truyền thông.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, hiện nay với hàng nghìn cơ quan báo chí nếu chúng ta ngồi rà soát bằng tay thì không khả thi, nên vừa qua, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phát triển một công cụ và tất cả các báo, tạp chí đều phải có trách nhiệm nộp lưu chiểu và đưa về Trung tâm lưu trữ dưới dạng điện tử.

Công cụ này đã giảm chuyện sáng đăng và chiều gỡ tương đối đáng kể, Bộ trưởng Hùn cho biết. Đối với trường hợp lặp đi lặp lại (về tình trạng hạ, gỡ) và có dấu hiệu về chuyện sách nhiễu thì sẽ xử lý theo quy định pháp luật. Còn nếu dấu hiệu không rõ thì phải dùng đạo đức, mà ở đây đảm trách là Hội Nhà báo.

Còn câu chuyện giật tít trên báo chí, ông Hùng thừa nhận đây là một vấn đề lớn, cũng nhức nhối, kéo dài. Bộ trưởng cho biết Bộ Thông tin và Truyền thông và cá nhân Bộ trưởng cũng phải nhận trách nhiệm chưa có giải pháp hữu hiệu.

"Giật tít để câu view mà câu view thì liên quan đến tiền. Việc phân biệt rạch ròi, tức là giật tít theo nghĩa không phù hợp với nội dung bên trong. Đánh giá vấn đề đó, mang ra phân tích rõ ràng, tường minh thì cũng không dễ", Bộ trưởng nhìn nhận. Ông cũng cho rằng, trách nhiệm đầu tiên của tình trạng này là phóng viên, là đạo đức nghề nghiệp, sau đó là tổng biên tập.

Bộ trưởng Hùng cho rằng, tổng biên tập các đơn vị báo chí phải tiền kiểm, vì nó đại diện ngôn luận của cả một cơ quan chủ quản.

"Cũng chưa biết liệu chúng ta có dùng công nghệ để so sánh giữa tít với nội dung bên trong có phù hợp với nhau không. Tôi nghĩ có thể làm được, tôi xin nhận trách nhiệm sẽ làm việc với các công ty công nghệ để hỗ trợ thêm cho các cơ quan quản lý cũng như tổng biên tập về chuyện duyệt bài", người đứng đầu ngành thông tin và truyền thông nói.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top