Về hiệu quả đầu tư, không có một sân bay nào có hiệu quả tốt như sân bay Long Thành, nhất là giai đoạn 1 và giai đoạn 2.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã quả quyết như vậy, cuối phiên thảo luận toàn thể của Quốc hội sáng 12/11 về báo cáo khả thi giai đoạn 1 Cảng hàng không Quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành).
Hiệu quả tốt, theo giải thích của Bộ trưởng là bởi vì khi sân bay Long Thành hoàn thành sẽ có thể điều tiết tăng lưu lượng hành khách từ 20 cho đến 25 triệu hành khách mỗi năm.
Đối với những sân bay khác, như Vân Đồn hay Cần Thơ, khoảng 10 năm mới được 1 triệu hành khách/năm. Toàn bộ hạ tầng đầu tư được khai thác rất hạn chế, nhưng riêng sân bay Long Thành, giai đoạn 1 vừa xong đã đảm bảo được 20 đến 25 triệu hành khách và dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên ở khu vực miền Đông Nam Bộ tới 85 triệu hành khách mỗi năm. Tổng công suất thời điểm đó của sân bay Tân Sơn Nhất và Long Thành giai đoạn 2 là 100 triệu hành khách mỗi năm, ông Thể phân tích.
Từ phân tích trên, Bộ trưởng khẳng định đánh giá của tư vấn về hiệu quả kinh tế của Long Thành rất cao.
Hiện nay, Hội đồng nghiệm thu nhà nước cũng đã thuê một tư vấn nước ngoài để thẩm tra một cách độc lập, ông Thể thông tin thêm.
Hồi âm băn khoăn của đại biểu liên quan đến tổng mức đầu tư (như chưa có cơ sở để khẳng định tổng mức đầu tư là 111.689 tỷ, hội đồng thẩm định chưa làm rõ mức này ) Bộ trưởng Thể cam kết đảm bảo được tổng mức đầu tư sát với tình hình thực tế và cố gắng làm sao không có lãng phí cũng như không trượt giá như những dự án khác.
Về năng lực của ACV, doanh nghiệp được Chính phủ đề xuất chỉ định thầu làm sân bay Long Thành, trước nhiều ý kiến băn khoăn về khả năng huy động vốn, ông Thể cho biết, hiện ACV đã có khoảng 25.000 tỷ đồng để tập trung cho sân bay Long Thành.
Khoản tiền này không đầu tư bất cứ việc gì và chỉ tập trung cho sân bay Long Thành, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng, hiện nay tình hình tài chính của ACV tương đối tốt, mặc dù quản lý 21 sân bay, chỉ có 8 sân bay có lãi nhưng sau khi trừ chi phí, nộp thuế, ACV có một khoản lợi nhuận mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng.
Bộ cùng với Ủy ban Quản lý vốn đã báo cáo với Chính phủ, kế hoạch từ đây cho đến năm 2025 ACV sẽ bỏ ra khoảng gần 30.000 tỷ đồng để nâng cấp các sân bay khác và dành cho Long Thành khoảng 12.000 tỷ đồng cùng với 25.000 tỷ đồng (đang có - PV) để có được một nguồn vốn chiếm khoảng 37%, ông Thể trình bày.
Sáng 12/11 Quốc hội xem xét báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1 sân bay Long Thành - Ảnh: Quang Phúc
Phần vốn còn lại, theo Bộ trưởng, ACV cũng đã làm việc với 12 tổ chức và các tổ chức này sẵn sàng cho ACV vay khoảng 5 tỷ USD không thế chấp. Hiệu quả kinh tế của dự án này rất cao, do đó các nhà đầu tư nước ngoài họ cảm thấy yên tâm cho việc hỗ trợ, Bộ trưởng tiếp tục nhấn mạnh tính hiệu quả của sân bay Long Thành.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng cho biết cũng sẽ tham mưu với Chính phủ, cố gắng huy động các nguồn lực trong nước sau đó mới tiếp cận thêm các tổ chức nước ngoài để làm sao hiệu quả xã hội cho đất nước tốt nhất.
Liên quan đến lo lắng của đại biểu về tiến độ, chất lượng công trình, trước Quốc hội Bộ trưởng cam kết sẽ cố gắng tối đa, làm việc với ACV có cơ chế để có thể thuê các chuyên gia, các tổ chức quốc tế tăng cường hỗ trợ cho ACV và tăng cường kiểm tra, giám sát để chất lượng của các công trình được tốt nhất.
"Về tiến độ thì cần phải nhanh chóng chọn được nhà đầu tư bởi có nhà đầu tư thì mới bắt đầu làm hồ sơ thiết kế và triển khai các bước tiếp theo. Do đó, chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ để cố gắng nhanh nhất có được nhà đầu tư để có thể khởi công được trong năm 2021", Bộ trưởng nói.
Post a Comment