Ngày 4/11, Thường trực Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức phiên họp giải trình về việc thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm trên địa bàn Hà Nội.
Thực phẩm của Hà Nội mới đáp ứng được 60% nhu cầu
Theo Chủ tịch Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc, hiện trên địa bàn thành phố có trên 70.000 cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm, 7 cơ sở giết mổ công nghiệp, 44 cơ sở giết mổ bán công nghiệp, 937 điểm giết mổ nhỏ lẻ, thủ công, 454 chợ, 120 siêu thị và 22 trung tâm thương mại có kinh doanh thực phẩm.
Tuy nhiên, bên cạnh chất lượng thì vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng đang được dư luận phản ánh và quan tâm. Trong khi đó, sản xuất thực phẩm của Hà Nội mới đáp ứng khoảng 60% nhu cầu tiêu dùng, số còn lại phải nhập từ các tỉnh lân cận.
Lãnh đạo thành phố cũng thừa nhận, tình hình vận chuyển, buôn bán, nhập lậu thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm tại Hà Nội tuy giảm nhưng còn diễn biến phức tạp; việc kiểm tra kiểm soát nguồn gốc thực phẩm, rau củ quả và các loại thực phẩm tươi sống kinh doanh ở các chợ, các điểm lẻ còn khó khăn; hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ còn tồn tại trong các khu dân cư chưa đảm bảo vệ sinh thú y, gây mất vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát;.
Đặt câu hỏi đến Sở Y tế, đại biểu Nguyễn Quang Thắng (tổ Hoàn Kiếm) cho rằng, qua khảo sát cho thấy, người dân lo ngại thực phẩm không đảm bảo an toàn, không rõ nguồn gốc, gây nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe. Đề nghị Sở Y tế Hà Nội cho biết nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp trong thời gian tới?
Trong khi đó, đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) đề nghị lãnh đạo Sở Công tThương cần nêu rõ về tình trạng các sản phẩm quá hạn bán tại các siêu thị? đề nghị Sở Y tế cho biết phương án về quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng đang rất nhiều trên địa bàn Hà Nội?
Đại biểu Phạm Đình Đoàn (tổ Hoàng Mai) nêu tồn tại các cơ sở sản xuất nước uống đóng chai, nước đá dùng liền từ nước giếng để sản xuất trong khi chưa được kiểm nghiệm chất lượng đầu vào, giấy kiểm nghiệm chất lượng đầu vào đã hết hạn.
Đại biểu Đoàn Việt Cường (tổ Mê Linh) nêu vấn đề, trên địa bàn một số địa phương, vẫn còn tình trạng hoa quả, thực phẩm nông sản không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng…
Phản hồi các ý kiến trên, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Khắc Hiền cho hay, về thực phẩm không rõ nguồn gốc cho biết, thời gian qua, vấn đề thực phẩm an toàn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, Hà Nội cũng đã chỉ đạo quyết liệt, phân cấp rõ trách nhiệm các sở, ngành, quận, huyện.
Qua thực hiện, trách nhiệm của các ngành, quận, huyện tương đối rõ. Đối với các đơn vị công thương, nông nghiệp đã làm tốt truy xuất nguồn gốc, tuy nhiên, các ngành cần tăng cường thêm công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân phát hiện, tố cáo những đơn vị không an toàn.
Đối với ý kiến phản ánh về nước đóng chai, đóng bình, nước khoáng, hiện toàn thành phố có 425 cơ sở. Nguồn nước sử dụng phần lớn là nước máy thành phố, một số nơi dùng giếng khoan. Một số nơi làm sạch trong bình, nhưng vệ sinh ngoài bình chưa đảm bảo, chưa đảm bảo được vệ sinh nước đóng bình, đóng chai.
Về các giải pháp, cần tiếp tục tuyên truyền, nếu không đảm bảo, sản phẩm sẽ không được chấp nhận. Đồng thời, Sở Y tế sẽ kiên quyết xử lý, công khai các cơ sở sản xuất nước đóng chai, đóng bình không đạt yêu cầu trên trang web của thành phố, của Sở Y tế.
Đề nghị xử lý tận gốc tình trạng "lợn 2 chuồng, rau 2 luống"
Giải trình về các vấn đề liên quan đến trách nhiệm quản lý của Sở, Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng cho biết: Hiện Hà Nội có 25 trung tâm thương mại, 110 siêu thị, hơn 1.700 cửa hàng tiện ích, trong đó có 807 cửa hàng gắn biển nhận diện kinh doanh trái cây. Theo quy định thì tất cả các trung tâm thương mại và siêu thị, cửa hàng tiện ích hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ hàng hóa rõ ràng, có giấy chứng nhận.
Về quá trình kiểm tra kiểm soát, Giám đốc Sở Công Thương cho biết, Sở phải cấp giấy đủ điều kiện kinh doanh cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, có hướng dẫn các cơ sở phải truy gốc nguồn gốc xuất xứ. Ngoài ra còn có lực lượng quản lý thị trường thường xuyên theo dõi, phát hiện và xử lý vi phạm về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa tại các cơ sở sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, vẫn còn một số cơ sở kinh doanh chưa tuân thủ nghiêm quy định, đặc biệt là về hạn sử dụng của hàng hóa.
Trả lời về vấn đề cợ cóc, chợ tạm, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Tân Vũ Thị Thủy cho biết, trên địa bàn có rất đông sinh viên, người dân từ các tỉnh về sinh sống, học tập, công tác nên cũng còn tồn tại nhiều chợ cóc, chợ tạm.
Phường đã xây dựng 9 kế hoạch, 10 quyết định phân công rõ trách nhiệm của các tổ dân phố, cá nhân liên quan trong đảm bảo an toàn thực phẩm. Phường sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới các hộ kinh doanh, đặc biệt là những cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ, thức ăn đường phố để nâng cao nhận thức về đảm bảo an toàn thực phẩm, đặc biệt là khu vực chợ Nghĩa Tân.
Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong đề nghị thành phố yêu cầu các sở ngành tăng cường kiểm tra, nhất là nơi sản xuất chăn nuôi trồng trọt vì đây là "gốc" của vấn đề, trước tình trạng "lợn 2 chuồng, rau 2 luống" hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thế Vinh cho biết, theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, về việc lấy mẫu kiểm tra hậu kiểm giám sát chất lượng an toàn thực phẩm cho thấy, từ năm 2017 - tháng 9/2019, thành phố đã tiến hành lấy 8.422 mẫu, qua đó phát hiện 488 mẫu vi phạm, chiếm 5,8%.
Các trường hợp vi phạm đều được cảnh báo đến các cơ sở sản xuất kinh doanh để tổ chức truy xuất xác định nguyên nhân nguyên nhân, xử lý vi phạm, khắc phục theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, tỷ lệ mẫu vi phạm chưa được cải thiện qua nhiều năm qua.
Siết chặt thanh kiểm tra nguồn gốc xuất xứ thực phẩm
Tại phiên giải trình, đại diện lãnh đạo Cục Quản lý Thị trường cho hay, trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm, lực lượng thanh, kiểm tra còn mỏng, thông tin địa bàn chưa đầy đủ. Việc vi phạm chủ yếu xảy ra ở các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ, các huyện. Khi lực lượng quản lý thị trường thanh, kiểm tra, đều xử lý nghiêm túc các hành vi vi phạm theo quy định.
Tuy nhiên, các cơ quan quản lý khác cũng quản lý về an toàn thực phẩm khi thanh tra chỉ nhắc nhở, không đủ sức răn đe, như khi thanh, kiểm tra ở tuyến xã, phường, thị trấn.
Đối với việc quản lý về phẩm màu, hóa chất, đòi hỏi phải có chuyên môn sâu. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chưa phát hiện vụ việc nào liên quan phẩm màu, hóa chất.
Thời gian tới, lực lượng quản lý thị trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; công khai thông tin trên báo chí kết quả điều tra, các thủ đoạn, hành vi buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng. Kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh có hiệu quả với việc kinh doanh, vận chuyển thực phẩm kém chất lượng.
Phát biểu tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung Chủ đã thẳng thắn nhìn nhận mặc dù đã có chuyển biến tích cực song công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố vẫn còn rất nhiều tồn tại, vấn đề liên quan đến an toàn thực phẩm chưa đạt theo tiêu chuẩn quy định, chưa đạt kết quả như mong muốn của người dân.
Do đó, thời gian tới, thành phố sẽ siết chặt thanh tra, kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ thực phẩm. Hà Nội cũng đang đề xuất Chính phủ sớm cho thành phố lấy nguồn đầu tư công để sửa chữa các chợ an sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho người kinh doanh, đảm bảo an toàn thực phẩm.
Cùng với đó là xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các cơ sở giết mổ tập trung, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư về trang thiết bị. Hoàn thiện các quy định hỗ trợ chuyển đổi cho các hộ gia đình giết mổ nhỏ lẻ vào các khu giết mổ tập trung.
Post a Comment