"Dĩ bất biến, ứng vạn biến" bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.
Chiều 8/11, khép lại ba ngày chất vấn tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, người đứng đầu Chính phủ đã báo cáo, làm rõ hơn về một số vấn đề trọng tâm mà Quốc hội, đồng bào, cử tri cả nước quan tâm, trong đó có Quốc phòng, an ninh.
Qua các phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các hành vi vi phạm nghiêm trọng các vùng Biển của Việt Nam được xác định theo luật pháp quốc tế trên biển Đông và hiến kế cho Chính phủ nhiều giải pháp cụ thể.
"Đây cũng là mối quan tâm, nỗi lo lắng chung của đồng bào ta. Chúng ta đều biết dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, trải qua nhiều cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, gìn giữ độc lập và thống nhất đất nước nên khó có ai thấm nhuần ý nghĩa của hòa bình sâu sắc hơn chúng ta", Thủ tướng nói.
Ông khẳng định, dưới sự lãnh đạo của Đảng và trên cơ sở các căn cứ pháp lý, thời gian qua, chúng ta kiên quyết, kiên trì bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển Việt Nam. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các hoạt động thực thi pháp luật bằng các giải pháp phù hợp, "dĩ bất biến, ứng vạn biến" bảo đảm môi trường phát triển hòa bình, nhưng kiên quyết không nhân nhượng với các hành vi xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của nước ta trên biển Đông.
Đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, đồng tình của bạn bè quốc tế, của những quốc gia và lực lượng yêu chuộng hòa bình và công lý.
Đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng
Về đấu tranh chống tham nhũng, Thủ tướng đánh giá đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, cuộc chiến chống tham nhũng là cuộc chiến đầy khó khăn thách thức.
Quan điểm của Thủ tướng là phải tiếp tục đấu tranh không khoan nhượng với tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Phải bằng công cụ pháp luật và sử dụng mạnh mẽ các chế tài pháp luật để làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi đôi với đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện thể chế pháp luật để loại trừ những kẽ hở dễ bị lợi dụng, sửa đổi những quy định không rõ ràng, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn.
Trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đề nghị các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán tổng hợp những bất cập của pháp luật được phát hiện trong quá trình thực thi công vụ để đề xuất với các cấp có thẩm quyền điều chỉnh kịp thời, vừa đẩy mạnh chống tham nhũng, vừa phải tạo điều kiện cho phát triển đất nước.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu các vị bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan thực thi bảo vệ pháp luật và các cơ quan liên quan khác rà soát lại đội ngũ để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, gây nhũng nhiễu người dân và doanh nghiệp.
Toàn cảnh phiên chất vấn Thủ tướng - Ảnh: Quang Phúc.
Chất lượng cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu
Về năng lực bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ, Thủ tướng "nghiêm túc đánh giá" rằng: năng lực của bộ máy hành chính và chất lượng cán bộ hiện nay chưa đáp ứng kịp với yêu cầu quản lý, điều hành kinh tế- xã hội trong tình hình mới.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định, còn thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán ở một số bộ, ngành, địa phương về tư duy lẫn hành động trong quản trị Nhà nước, trong cải cách hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Thủ tướng cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo rà soát chức năng nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo, trùng lặp, không phân định và xác định rõ trách nhiệm trong việc triển khai thi hành nhiệm vụ, thúc đẩy điện tử hóa, số hóa hoạt động của các cơ quan nhà nước, gắn với tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng.
Trên cơ sở đó sẽ đẩy mạnh việc sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế để tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển gắn với cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết Trung ương.
"Thủ tướng cũng sẽ chỉ đạo các bộ ngành, cơ quan chức năng nhanh chóng triển khai việc cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng về trọng dụng nhân tài để huy động nguồn nhân lực chất lượng cao vào quá trình xây dựng và kiến thiết đất nước; đồng thời sẽ tiến hành tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện nghị định 157/2007/NĐ-CP về trách nhiệm của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu trong thi hành công vụ để sửa đổi, bổ sung đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới", Thủ tướng báo cáo Quốc hội.
Post a Comment