Trong phiên chất vấn sáng 6/11, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã trả lời 27 câu hỏi của đại biểu, trong đó có nhiều nhóm vấn đề liên quan đến gỡ thẻ vàng EU, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản, dịch tả lợn châu Phi, cung cấp đủ thực phẩm dịp Tết Nguyên đán sắp tới...
Giá thịt lợn tăng mong dân thông cảm
Trả lời chất vấn của đại biểu về giải pháp bù lượng thịt bị dịch tả lợn, nhằm cung cấp thịt cho dân ăn Tết? Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết, dịch tả lợn Châu Phi là dịch bệnh lịch sử xảy ra đối với ngành chăn nuôi Việt Nam và chăn nuôi thế giới. Chưa bao giờ ngành chăn nuôi phải đối mặt với dịch bệnh gây tác hại lớn như thế.
100 năm nay, thế giới không sản xuất được vắc xin, vì trước biến đổi của khí hậu thì dịch bệnh này lây lan rất nhanh. Thậm chí có tài liệu còn công bố 30% đàn lợn của thế giới bị chết vì dịch tả lợn Châu Phi, từ đó tạo ra một cuộc khủng hoảng về thịt lợn trước nay chưa từng có.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, phương án bù lại số lượng lợn để không diễn ra tình trạng thiếu thực phẩm cuối năm đã được Bộ đặt ra: Sau khi xảy ra dịch, đầu tháng 3, Bộ đã tổ chức hội nghị trển khai trên toàn quốc, tập trung tăng cường sản xuất các nhóm sản phẩm khác như gia cầm, đại gia súc, thuỷ sản; đảm bảo an toàn dịch bệnh, yêu cầu dứt khoát phải có sản xuất chuỗi và bán ở đâu.
Nhờ các giải pháp đó, trong 9 tháng gia cầm tăng 12% sản lượng với khoảng 1 triệu tấn với 13 tỷ quả trứng, thủy sản tăng 6,5%, gia súc tăng chậm hơn, ở mức 4%.
"Nếu khả năng dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung bồi dưỡng tăng số lượng nhanh, bằng sự gia tăng đó sẽ cân đối, đảm bảo để không thiếu thực phẩm, không để xảy ra khủng hoảng như Trung Quốc", ông Cường nói.
Đối với thói quen ăn thịt lợn của người Việt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng phải tuyên truyền thay thế bằng thực phẩm khác chứ không phải một sớm, một chiều thay đổi được.
Về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng cho biết trước đây giá 40-45 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng lên 60-65 nghìn đồng/kg. Ông mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn và nhấn mạnh quan điểm làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được, và đặc biệt, chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro.
Gặp khó khăn thương mại với Trung Quốc
Trả lời ý kiến của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) về khó khăn thương mại Việt Nam với Mỹ, Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định cả Mỹ và Trung Quốc đều là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.
Riêng đối với thị trường Trung Quốc 1,4 tỷ dân, nhu cầu nhập khẩu hàng năm lên tới 150 tỷ USD nông sản. Việt Nam có lợi thế khi tiếp giáp thị trường Trung Quốc, văn hoá tiêu thụ nông sản hai nước gần như nhau và có nhóm nông sản bổ trợ cho nhau. Do đó, cần phải khai thác tốt thị trường này.
Tuy nhiên, từ năm 2018, thương mại với Trung Quốc gặp khó khăn, rào cản. Thứ nhất, cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc thay đổi. Thứ hai, nếu như trước đây, Trung Quốc cho phép nhập chính ngạch và tiểu ngạch thì bây giờ yêu cầu 100% mặt hàng nhập chính ngạch. Thứ ba, những năm gần đây, Trung Quốc quay trở lại rất chú ý đến nông nghiệp, chấn hưng nông nghiệp nông thôn nên những năm gần đây nhóm sản phẩm của Trung Quốc tăng nhanh, mặt hàng gạo từ nhập 6-6 triệu tấn đến nay có khả năng xuất khẩu.
Từ những khó khăn đó, vị Bộ trưởng này cho rằng cần tính toán 3 nguy cơ trên để cơ cấu lại hướng sản xuất, tổ chức lại thị trường Việt Nam.
Gỡ thẻ vàng EU để thuỷ sản Việt Nam hiên ngang đi các nước
Về vấn đề "thẻ vàng EU", tư lệnh ngành nông nghiệp cho biết, đây là luật cấm hành vi khai thác trái phép, khai thác không khai báo và khai báo không chính xác. Hiện nay, Việt Nam bị rút thẻ vàng, theo đó thủy hải sản xuất khẩu sang EU sẽ bị kiểm soát 100% thay vì kiểm tra xác xuất.
Trước đây, Việt Nam đã có những sai phạm về đánh bắt và khai báo sai, do đó ngày 23/10/2017, EU rút thẻ vàng IUU.
Từ đó đến nay, chúng ta đã có nhiều động thái tích cực để khắc phục như đưa ra các văn bản, quy định theo khuyến nghị của EU. Đây là vấn đề không chỉ phù hợp với EU mà còn có lợi cho Việt Nam khi đưa từ khai thác tự phát sang khai thác bền vững.
Sau 2 năm, EU công nhận khuôn khổ pháp lý của Việt Nam đã tiệm cận và không có vi phạm ở các quốc đảo trên Thái Bình Dương, tuy nhiên vẫn còn một số vi phạm ở vùng biển phía Nam. Năm 2019 có 113 vụ, hơn 180 ngư dân, 8 tỉnh. "Vi phạm chỗ này EU rất gay gắt", ông Cường nhấn mạnh.
Bộ trưởng bày tỏ mong muốn các địa phương phải quyết liệt, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm hơn và cả bà con ngư dân cũng phải thực hiện đúng quy định vì danh dự của Việt Nam, để có thể thu hồi được thẻ vàng của EU, hãy chung tay tái cơ cấu ngành hải sản theo hướng bền vững. "Tháo gỡ thẻ vàng, thủy sản Việt Nam có thể đi các nước một cách hiên ngang. Đây cũng là quyền lợi sát sườn của ngư dân, vì lợi ích của con cháu", Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Post a Comment