Kết hôn có yếu tố nước ngoài đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng, Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội cho biết kết quả giám sát.
Kết quả giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác quản lý người nước ngoài tại Việt Nam" vừa được Uỷ ban Đối ngoại gửi đến các vị đại biểu Quốc hội.
Không nắm được hết các trường hợp kết hôn ở nước ngoài
Trong lĩnh vực hôn nhân, gia đình, cơ quan giám sát đánh giá, hiện nay việc kết hôn có yếu tố nước ngoài được điều chỉnh bởi quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình (về điều kiện kết hôn), Luật Hộ tịch. Pháp luật về đăng ký hộ tịch có yếu tố nước ngoài nói chung, kết hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng về cơ bản bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực pháp lý cao, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn và yêu cầu đơn giản hóa, cải cách hành chính.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, số trường hợp kết hôn có yếu tố nước ngoài đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng. Trong đó, số cặp kết hôn năm 2018 giữa công dân Việt Nam với công dân Đài Loan (Trung Quốc) 4.498 cặp, Hoa Kỳ 4.193 cặp và Hàn Quốc 2.666 cặp, chiếm tỉ lệ cao nhất trong số các cặp kết hôn có yếu tố nước ngoài.
Ngoài các nước trên, người Việt Nam còn kết hôn với người Canada (2018 là 515 trường hợp), quốc gia/vùng lãnh thổ khác là 3.543 trường hợp.
Về cơ chế quản lý kết hôn có yếu tố nước ngoài, cơ quan giám sát đánh giá, hiện nay, các cơ quan đăng ký, quản lý hộ tịch Việt Nam chỉ nắm được số cặp kết hôn giữa người nước ngoài đăng ký kết hôn với công dân Việt Nam ở Việt Nam.
Đối với các cặp đăng ký kết hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì chỉ có thông tin về việc đăng ký kết hôn khi các cô dâu có yêu cầu ghi vào sổ hộ tịch việc kết hôn đã giải quyết ở nước ngoài (ghi chú kết hôn), nhiều trường hợp kết hôn ở nước ngoài nhưng đương sự không về Việt Nam ghi chú kết hôn hoặc đương sự có về Việt Nam mà không yêu cầu ghi chú thì cơ quan đăng ký hộ tịch cũng không quản lý được.
9 năm 3.291 trẻ em Việt Nam làm con nuôi người nước ngoài
Về nuôi con nuôi, cơ quan giám sát cho biết, từ khi Luật Nuôi con nuôi có hiệu lực thi hành đến nay, qua báo cáo của Bộ Tư pháp, số lượng trẻ em được giải quyết cho làm con nuôi nước ngoài là 3.291 trẻ em.
Trong đó số trẻ em làm con nuôi lần lượt từ năm 2011 - 2018 là 66 - 298 - 334 - 498 - 575 - 551 - 539 và đến năm 2018 là 430 trẻ em.
Kết quả giám sát cũng cho thấy, số lượng hồ sơ người nước ngoài là người đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 1 năm nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi từ 2011-2018 là 57 trường hợp, chủ yếu là công dân quốc tịch Anh, Úc đang làm việc, học tập tại Việt Nam.
Theo cơ quan giám sát, lĩnh vực này còn một số vướng mắc, như Luật Nuôi con nuôi chưa quy định về chấm dứt việc nuôi con nuôi, không quy định chấm dứt việc nuôi con nuôi trong trường hợp con nuôi chưa thành niên, cha mẹ nuôi chết hoặc không còn đủ điều kiện nuôi dưỡng, người nhận con nuôi và cha mẹ đẻ của trẻ đều có nguyện vọng chấm dứt việc nuôi con.
Ngoài ra luật cũng không quy định cụ thể về điều kiện đối với người nhận con nuôi dẫn đến tình trạng khó quản lý trong việc xác nhận người nhận nuôi con nuôi đủ điều kiện nhận con nuôi.
Chưa có đội ngũ chuyên gia về tâm lý, y tế, xã hội về nuôi con nuôi trong hệ thống cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải quyết việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài cũng là hạn chế được Đoàn giám sát chỉ ra.
Post a Comment