Đăng đàn phiên chất vấn sáng 6/11 kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá 14, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường tiếp tục trả lời chất vấn các đại biểu quốc hội xung quanh vấn đề nông sản Việt Nam được mùa mất giá, mất mùa cũng mất luôn cả giá.
Đại biểu Ngô Thanh Danh hỏi: Giải pháp nào phục hồi được cây trồng vật nuôi tránh tình trạng được mùa mất giá, mất mùa mất luôn cả giá?
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói, sức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam hiện rất lớn với 45 triệu tấn lương thực, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, nhiều loại cây công nghiệp nhất thế giới về sản lượng. Sức sản xuất rất lớn nhưng bất cập nhất là chế biến, thương mại, nếu không giải quyết được vấn đề này thì không giải quyết được chuyện được mùa, mất giá.
"Trong nền kinh tế thị trường rất khó, không ai dự báo được ngày mai, ngày kia giá sẽ như thế nào", vị tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định.
Lấy ví dụ về việc thừa hạt tiêu, ông Cường cho hay, Việt Nam có khả năng cung cấp 350.000 tấn hạt tiêu, chiếm khoảng 60% thế giới. Nhiều thì thừa là tất yếu.
Vì vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tìm giải pháp, bàn với địa phương là tới đây tập trung chế biến, tổng rà soát để phát triển sản xuất ở mức độ nhất định.
Như cây tiêu chỉ dừng đến mức nào thôi, không để vọt lên 150.000 ha trong khi quay hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải nhường chỗ cho cây khác.
"Chúng tôi đã mời một số doanh nghiệp, đưa công nghệ mới nhất vào, riêng hạt tiêu sẽ có 10 chuỗi sản phẩm, gồm cả dầu hạt tiêu. Thị trường cần cái gì ta làm cái đó, lợi thế gì thì ta làm đó có như vậy mới đảm bảo được hiệu quả sản xuất bền vững. Bây giờ bán hàng mới là quan trọng, tổ chức sản xuất không còn là số một", Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.
Đối với vấn đề phát triển thương hiệu gạo Việt Nam và giải pháp cho người trồng lúa, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng lúa gạo là ngành hàng rủi ro, hiệu quả kinh tế không cao, bấp bênh.
Trên thế giới có 7 tỷ người thì chỉ 3,5 tỷ người ăn gạo, sản lượng lúa gạo thương mại toàn cầu hàng năm chỉ khoảng 36 triệu tấn, với kim ngạch thương mại 3,2 tỷ USD. Điều kiện khách quan đó đã tạo áp lực và giới hạn việc xuất khẩu gạo.
Ở trong nước, Quốc hội đã có nghị quyết về bảo vệ đất lúa và thời gian qua Chính phủ nghiêm túc thực hiện chủ trương này.
Tuy nhiên hiện nay Việt Nam có 7,8 triệu ha đất canh tác, trong đó đất lúa chiếm tới 4,1 triệu ha. Tới đây Chính phủ sẽ xin Quốc hội giảm dần diện tích đất lúa, khoảng 0,5 triệu ha đất, tương đương giảm 5 - 6 triệu tấn thóc, 3 - 4 triệu tấn lúa.
"Chúng ta vẫn đảm bảo an ninh lương thực, kể cả trong 20 năm nữa vẫn đảm bảo được. Nhưng thay vào đó sẽ dành phần đất canh tác cho các cây trồng khác hiệu quả hơn", ông Cường nhấn mạnh.
Trước mắt Việt Nam sẽ tập trung tái cơ cấu theo hướng ưu tiên nhóm giống phù hợp với nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị hạt gạo. "Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm", ông Cường nhắc lại yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chỉ đạo trước đó.
Post a Comment