Theo kết quả quan trắc của Tổng cục Môi trường tại điểm quan trắc 556 Nguyễn Văn Cừ vào 6h sáng nay (12/11) ghi nhận chỉ số chất lượng không khí (chỉ số AQI) lên tới 341, là ngưỡng nguy hại.

Đây là ngưỡng ô nhiễm cao nhất trong thang bậc ô nhiễm không khí theo cách tính AQI của Việt Nam, ảnh hưởng nguy hiểm đến sức khỏe người dân. Nhóm nhạy cảm được khuyến cáo tránh ra ngoài, còn những người khác nên hạn chế thời gian ở ngoài đường.

Đến 9h sáng nay, điểm quan trắc tại 556 Nguyễn Văn Cừ vẫn ghi nhận chỉ số chất lượng không khí ở mức 248, là mức chất lượng không khí xấu.

Các trạm quan trắc của Tp. Hà Nội sáng nay cũng hầu hết đều cho chỉ số chất lượng không khí màu tím, thể hiện chất lượng không khí xấu, có hại cho sức khỏe.

Ô nhiễm không khí hiện không chỉ dừng ở Hà Nội mà còn lan ra toàn miền Bắc và các tỉnh Bắc Trung bộ bao gồm cả điểm đo các tỉnh miền núi phía Bắc như: Việt Trì, Tuyên Quang, Thái Nguyên, các tỉnh đồng bằng sông Hồng như Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Ninh Bình, Thái Bình khi hầu hết ở ngưỡng đỏ, xấp xỉ ngưỡng tím.

TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, đây là hiện tượng ô nhiễm không khí chưa từng thấy khi tím là chính ở hầu hết tất cả các trạm ở Hà Nội, thỉnh thoảng lại còn nâu đậm, là ngưỡng nguy hại với sức khỏe.

Theo ông, những ngày gần đây ô nhiễm không khí tiếp tục gia tăng, nhưng không thấy cơ quan chức năng có những biện pháp giảm ô nhiễm quyết liệt như các nước, trong khi tình hình ngày càng đáng lo ngại. Thay vào đó, chỉ thấy giải thích là do nghịch nhiệt và khuyến cáo người dân các biện pháp tự bảo vệ bản thân.

"Nhiều người đã bắt đầu nghĩ "phải sống chung với lũ" vì chỉ thấy lại nghịch nhiệt như cơ quan có trách nhiệm giải thích, không có gì khác. Lúc nào cũng nghịch nhiệt liệu có đúng. 

Những tưởng vấn đề ô nhiễm không khí sẽ được nêu lên trong kỳ họp Quốc hội lần này, khi rất nhiều cử tri đã lên tiếng trong các buổi tiếp xúc với đại biểu trước kỳ họp. Sức khỏe của trẻ em, của người dân và của chính các đại biểu không đáng để chú ý hay sao? Rất mong tình hình ô nhiễm không khí ở Hà Nội được các đại biểu của dân chú ý trước khi quá muộn", TS. Hoàng Dương Tùng bày tỏ kỳ vọng. 

Trước đó, theo đánh giá của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong thời gian tuần đầu tháng 11, chất lượng không khí tại Hà Nội đang có xu hướng đi xuống, nồng độ PM2.5 tăng dần qua các ngày.

Khoảng thời gian ghi nhận có nồng độ PM2.5 tăng cao vào lúc nửa đêm và đầu giờ sáng, đó là các khoảng thời gian lặng gió và hiện tượng nghịch nhiệt dễ xảy ra.

Tổng cục Môi trường cho biết, những ngày tới, theo thông tin dự báo thời tiết, Hà Nội đang trong giai đoạn hanh khô, tốc độ gió thấp, ban ngày có nắng, đó là các điều kiện dễ xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt.

Vì vậy, các chất ô nhiễm trong không khí, trong đó có PM2.5 không thể phát tán lên cao và đi xa. Do đó, những ngày tới, chất lượng không khí có thể vẫn duy trì ở mức kém, đặc biệt là khoảng thời gian ban đêm và đầu giờ sáng.

Cơ quan này khuyến cáo người dân nên hạn chế tập thể dục ngoài trời vào buổi sáng, hạn chế mở cửa sổ và nên sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top