Nhà nước độc quyền quản lý chứ không độc quyền đầu tư về điện, theo khẳng định của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Sáng 7/11, cuối phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương, Phó thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng được mời giải trình thêm một số vấn đề đại biểu quan tâm, trong đó có trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Theo Phó thủ tướng, việc phát triển hệ thống điện đang gặp rất nhiều khó khăn, nếu không có giải pháp hữu hiệu, quyết liệt để tháo gỡ sẽ có nguy cơ thiếu điện trong những năm tới.
Khó khăn nhất được Phó thủ tướng nhấn mạnh là cơ cấu nguồn điện đã có sự thay đổi rất nhanh so với quy hoạch điện WII, dẫn đến phải điều chỉnh quy hoạch.
Cụ thể hơn, Phó thủ tướng nói, dự án điện hạt nhân đã dừng, các nguồn điện than đầu tư rất khó khăn do lo ngại về vấn đề môi trường, cùng với đó rất nhiều dự án chậm tiến độ cũng đã ảnh hưởng đến việc cung ứng nguồn điện cho phát triển kinh tế xã hội.
Sơ bộ với khoảng 60 dự án đang đầu tư, Phó thủ tướng cho biết trong đó có 35 dự án công suất từ 200 MW trở lên chậm tiến độ từ 1 đến 5 năm, thậm chí có dự án còn chậm kéo dài hơn nữa và với tổng công suất khoảng 39.000 MW, từ đó dẫn đến nguy cơ thiếu điện từ năm 2019.
Do đó, Thủ tướng đã quyết định điều chỉnh quy hoạch điện VII nhằm bổ sung thêm các nguồn điện, trong đó đặc biệt là nguồn điện tái tạo và các nguồn điện khác để bù đắp sự thiếu hụt, Phó thủ tướng nói.
Khó khăn nữa được Phó thủ tướng nhấn mạnh là nhu cầu đầu tư phát triển nguồn điện lưới điện rất lớn, sơ bộ từ nay đến năm 2030 cần khoảng 130 tỷ USD, bình quân khoảng 12 tỷ USD 1 năm, trong đó khoảng 9 tỷ cho đầu tư nguồn điện và 3 tỷ đầu tư cho lưới điện.
Rất khó khăn để có thể huy động được nguồn vốn đầu tư này và đây cũng là nguyên nhân chính gây ra sự chậm trễ của rất nhiều dự án điện hiện nay, Phó thủ tướng nói.
Liên quan đến vấn đề nhiều đại biểu chất vấn là việc giải toả công suất nguồn điện tái tạo, Phó thủ tướng cho rằng đây là một hạn chế và cần làm rõ nguyên nhân.
Trong 15 phút phát biểu, Phó thủ tướng cũng nêu một số giải pháp trọng yếu để đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế xã hội trong giai đoạn tới.
Như đổi mới công tác quy hoạch, trong đó chủ yếu chỉ tập trung vào xác định rõ quy mô công suất, nguồn của từng giai đoạn. Hai là xác định cơ cấu nguồn điện, trong đó tập trung tăng nguồn điện tái tạo, tăng điện khí trong cơ cấu nguồn điện so với quy hoạch điện VII.
Phó thủ tướng cũng nhấn mạnh tập trung quy hoạch đường truyền tải đáp ứng yêu cầu giải toả công suất và truyền tải an toàn, hiệu quả. Sẽ tiếp tục khuyến khích đầu tư điện mặt trời, điện gió và bổ sung thêm các dự án điện khí, Phó thủ tướng khẳng định.
Hồi âm các ý kiến về dự án điện Bạc Liêu, lãnh đạo Chính phủ cho biết Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương bổ sung vào quy hoạch và yêu cầu Bộ Công Thương phải tính toán tổng thể đảm bảo cơ cấu nguồn hợp lý trong tổng thể các dự án điện khí trong giai đoạn đến năm 2030, vì hiện nay có 8 đề xuất đầu tư lĩnh vực này.
Quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là khu vực phía Nam để bù đắp phần thiếu hụt, giảm việc vận tải điện từ phía Bắc vào, Phó thủ tướng khẳng định.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án truyền tải điện, trong đó có đường dây 500 km km mạch 3 và đường truyền tải giải toả công suất cho các nhà máy điện mặt trời, điện gió cũng là giải pháp được Phó thủ tướng nêu.
Theo Phó thủ tướng, Luật Điện lực quy định Nhà nước độc quyền về truyền tải điện, nhưng độc quyền ở đây không có nghĩa độc quyền cả về đầu tư.
Vấn đề này không máy móc, Nhà nước quản lý thông qua Tập đoàn Điện lực Việt Nam, độc quyền để không ai có thể can thiệp và đáp ứng yêu cầu phục vụ điện cho sản xuất và sinh hoạt, nhưng về đầu tư phải huy động các nguồn vốn xã hội để đầu tư, Phó thủ tướng nhấn mạnh.
Post a Comment