Luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Vừa hoàn thành ngày 22/11, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội gửi đến các vị đại biểu.
Nghị quyết này sẽ được Quốc hội biểu quyết vào chiều 26/11.
Trình Quốc hội báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 tại kỳ họp này, Chính phủ đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) là nhà đầu tư.
Qua các phiên thảo luận, không ít ý kiến cho rằng, theo quy định pháp luật về đấu thầu, việc lựa chọn hình thức đầu tư (giao cho ACV hay đấu thầu cạnh tranh) thuộc thẩm quyền của Chính phủ nên Quốc hội không cần cho ý kiến về nội dung này.
Tuy nhiên, Chính phủ kiên trì thuyết phục với lý do "hiện nay, ACV là doanh nghiệp cổ phần (Nhà nước nắm giữ 95,4% vốn điều lệ), việc Nhà nước giao cho doanh nghiệp cổ phần đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng quốc gia chưa được pháp luật quy định rõ, do vậy Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua. Trường hợp được Quốc hội thông qua sẽ đảm bảo được tính minh bạch, khách quan và giảm thủ tục, thời gian tổ chức thực hiện".
Tại báo cáo vừa gửi đến đại biểu, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho biết, có ý kiến đề nghị làm rõ thẩm quyền của Quốc hội và Chính phủ trong việc lựa chọn nhà đầu tư dự án. Ý kiến khác đề nghị giao doanh nghiệp nhà nước có năng lực, uy tín, kinh nghiệm là nhà đầu tư do yêu cầu bảo đảm an ninh, quốc phòng, lợi ích quốc gia và đặc thù của công trình cảng hàng không quốc tế.
Cũng có vị đề nghị đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư, có đại biểu cho rằng Quốc hội nên xem xét đưa ra một số tiêu chí mang tính định hướng như quốc phòng, an ninh, tính đồng bộ trong khai thác, lợi ích quốc gia và năng lực nhà đầu tư để Chính phủ thực hiện.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành là công trình quan trọng quốc gia, liên quan mật thiết đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh nên việc lựa chọn nhà đầu tư cần phải hết sức thận trọng, chặt chẽ, bảo đảm cơ sở pháp lý. Luật Đấu thầu đã quy định rõ các hình thức lựa chọn nhà đầu tư, việc lựa chọn nhà đầu tư thuộc thẩm quyền của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, với đặc thù là dự án quan trọng quốc gia có quy mô lớn, phức tạp, phải bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội đồng thời với bảo đảm quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia. Do đó, dự thảo nghị quyết quy định các nguyên tắc về quốc phòng, an ninh, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của quốc gia, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước về hàng không dân dụng, sử dụng vốn của nhà đầu tư, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ làm tác động đến an toàn nợ công, bảo đảm tiến độ Quốc hội đã đề ra. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, lựa chọn nhà đầu tư có năng lực tài chính, có kinh nghiệm quản lý, vận hành cảng hàng không thực hiện dự án.
Với quan điểm này, dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua quy định: "Chính phủ lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật bảo đảm quốc phòng, an ninh và lợi ích của Nhà nước, lợi ích của Quốc gia; bảo đảm sự quản lý của Nhà nước theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng và sử dụng cho mục đích quân sự".
Không có bất cứ một cái tên nhà đầu tư cụ thể nào xuất hiện ở dự thảo nghị quyết này.
Post a Comment