Người chia sẻ cảm giác "được giao súng mà không được giao đạn", vị khác cho rằng cần đổi mới cách chọn người vào Quốc hội... phiên thảo luận chiều 12/11 của Quốc hội đầy ắp tâm tư của các vị đại biểu.

Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Quốc hội, theo dự kiến được thông qua ngay tại kỳ họp này, song không ít ý kiến cho rằng nên để kỳ họp sau mới bấm nút.

Bài toán nan giải

Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói ông không kỳ vọng có thể gói hết tâm tư về những tồn tại, hạn chế trong hoạt động Quốc hội vào thời gian 7 phút được ấn định.

Từ những trăn trở, tâm huyết của đại biểu qua tổng hợp thảo luận tổ hơn 15 trang đã cho thấy phạm vi sửa đổi, bổ sung lần này chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa đạt được đích đến cho đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động Quốc hội, ông Nhân nói.

Đại biểu Nhân phân tích, trong tổng số 483 đại biểu hiện nay có 167 đại biểu chuyên trách (không đạt 35% như luật hiện hành) nếu 316 đại biểu kiêm nhiệm dành cho Quốc hội đúng 1/3 thời gian, với cách quy đổi đơn giản sẽ thấy thực chất chỉ có khoảng hơn 260 đại biểu hoạt động toàn thời gian.

Còn với đại biểu kiêm nhiệm, 4 tháng thì hết 2 tháng cho kỳ họp, cộng với thời gian cho tiếp xúc cử tri tiếp công dân thì hoạt động ủy ban mà đại biểu là thành viên và các hoạt động khác của đoàn tại địa phương chẳng có ý nghĩa gì nhiều trong quỹ thời gian còn lại.

Theo đại biểu Nhân, số đại biểu chuyên trách không đạt, đại biểu kiêm nhiệm vì nhiều lý do không đảm bảo cả về chất lượng và thời gian nên việc đổi mới, nâng cao về chất lượng hoạt động quả là bài toán nan giải.

Nhưng, đại biểu nhấn mạnh nghịch lý ở chỗ bài toán cho Quốc hội đặt ra và nút thắt để tháo gỡ vấn đề trên là nâng tỷ lệ chuyên trách thì dự thảo luật sửa đổi lại kiên quyết giữ nguyên như hiện hành.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) đồng tình với một số vị phát biểu trước, là trong luật này cần khẳng định ít nhất tỷ lệ đại biểu chuyên trách không thấp hơn 40%.

Đại biểu chuyên trách là đại biểu hoạt động toàn thời gian, chuyên nghiệp nên cũng cần có những điều kiện cần và đủ, cần lựa chọn những người tâm huyết, thực sự yêu thích và có nguyện vọng gắn bó với hoạt động của Quốc hội, cống hiến cho Quốc hội, đặc biệt cần lựa chọn những người có bản lĩnh để có chính kiến, có khả năng tranh luận và phản biện để hoạt động chuyên nghiệp hơn, bà Hoa góp ý.

Doan Son La 2

Chất lượng hoạt động của Quốc hội, theo một số đại biểu, là bài toán nan giải - Ảnh: Quang Phúc.

Không thể và không nên là công chức hành pháp

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nhận xét, nhìn vào bản tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ thì thấy dự thảo còn rất ngổn ngang.

Lần sửa đổi này, ông Nhưỡng cho rằng cần phải xem xét sâu sắc một số nội dung, trước hết là quy định về đại biểu Quốc hội.

Nhấn mạnh chất lượng đại biểu Quốc hội phụ thuộc vào tiêu chuẩn và cách lựa chọn, ông Nhưỡng cho rằng đại biểu Quốc hội không thể và không nên là công chức hành pháp, tư pháp, vì như vậy sẽ khó có thể thực hiện triệt để nguyên tắc hiến định, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Đại biểu Quốc hội là người của nhân dân, trước hết phải được lựa chọn từ nhân dân và do nhân dân lựa chọn. Đại biểu dân cử là chính khách nhưng không nên bị ràng buộc bởi ngành mà phải bị ràng buộc bởi cử tri, ông Nhưỡng nêu quan điểm.

Theo đại biểu Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội) thì cần nghiên cứu cơ chế để không công chức hóa đại biểu Quốc hội chuyên trách, để thu hút được lực lượng trí thức, nhà khoa học giỏi, luật sư có trình độ, những doanh nhân thành đạt có tâm huyết muốn đóng góp cho Quốc hội.

Ông Hiểu ví dụ, một giáo sư đại học sau khi về hưu có mong muốn đóng góp cho Quốc hội thì có thể trở thành đại biểu Quốc hội chuyên trách. Và thực hiện chế độ trả công, khi họ không đảm bảo yêu cầu thì có thể bãi nhiệm, miễn nhiệm thay bằng việc hiện nay đang công chức hóa đại biểu chuyên trách.

Việc này, theo ông Hiểu đã thành một rào cản để thu hút những người thực sự giỏi, tâm huyết muốn xây dựng đất nước.

Ông Hiểu và một số vị khác cũng cho rằng thay vì họp hai kỳ một năm vào tháng 5 - 6, tháng 10-11 như hiện nay, Quốc hội có thể họp thành 4 kỳ một năm.

Có những vấn đề bức xúc vào đầu tháng 7 nhưng đến tháng 5 sang năm Quốc hội mới họp, vào đến nghị trường lại thì lại đã xuất hiện vấn đề khác, ông Hiểu phân tích.  

Hơn nữa, khi mỗi kỳ họp khoảng 2 tuần thì các đại biểu Quốc hội cũng sẽ dễ dàng trong việc sắp xếp, bố trí, thiết kế thời gian để thực hiện công việc của mình để tránh việc đại biểu phải nghỉ nhiều, vắng nhiều ở các kỳ họp của Quốc hội, ông Hiểu nói.

Liên quan đến điều kiện để đại biểu hoạt động, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) phân tích, đại biểu chuyên trách tại địa phương thậm chí không thể tự đề xuất tổ chức bộ máy giúp việc, từ cán bộ văn thư tới người lái xe, thường phải tự vận động, tìm nguồn để hoạt động, không khác người "được giao súng mà không được giao đạn". 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top