"Hiện nay, theo thông tin từ các gia đình ở Nghệ an và Hà Tĩnh, có 35 gia đình xác nhận rằng, có dấu hiệu con em của họ nằm trong số 39 người tử vong tại Anh. Nhưng theo quy định pháp luật của Anh thì phải tiến hành xác định danh tính chính xác trước khi công bố. Phía Việt Nam cũng đang tích cực phối hợp với cơ quan chức năng của Anh. Sau khi có kết quả xác định chính xác sẽ tiến hành thông báo cụ thể".
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc đưa ra tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều tối 5/11.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, đối với vụ việc 39 người tử vong tại Anh, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng đã thông báo sơ bộ, đồng thời nêu rõ về tinh thần chỉ đạo của Chính phủ về vụ việc này. Trong mấy ngày qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cũng đã thông tin kịp thời, thường xuyên về vụ việc này sau khi nhận được câu hỏi từ báo chí.
"Cơ quan chức năng Việt Nam phối hợp chặt chẽ với phía Anh, sau khi xác định được danh tính, tùy theo quy định của pháp luật, phong tục tập quán để thông báo với địa phương và gia đình", Thứ trưởng Ngọc nói.
Trước đó, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, mở đầu phiên họp Chính phủ hôm nay, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng gửi lời chia buồn sâu sắc tới thân nhân gia đình các nạn nhân; Chính phủ cam kết sẽ nỗ lực làm hết sức mình để chia sẻ nỗi đau thương, mất mát to lớn này.
Theo người phát ngôn Chính phủ, đây vụ việc rất đau lòng, gây bàng hoàng cho người thân, gia đình các nạn nhân cũng như nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế. Ngay khi sự việc xảy ra, từ Nhật Bản, ngày 25/10, Thủ tướng đã chỉ đạo các cơ quan liên quan làm rõ nguyên nhân, điều tra, có biện pháp cần thiết phối hợp với phía Anh trong quá trình xử lý, giải quyết vụ việc.
Vừa qua, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã trực tiếp họp với các cơ quan về các biện pháp xử lý tiếp theo. Ngày 3/11, Bộ Ngoại giao đã cử Thứ trưởng Tô Anh Dũng, Bộ Công an cũng cử đoàn cán bộ sang Anh, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã trực tiếp trao đổi với phía Anh. Danh tính các nạn nhân sẽ được sớm công bố chính thức.
Trước mắt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương, nhất là Hà Tĩnh, Nghệ An và các ngành chức năng cần phối hợp chặt chẽ để xử lý, trước hết động viên thân nhân địa phương bằng các biện pháp thích hợp nhằm bù đắp nỗi đau của gia đình các nạn nhân và hỗ trợ trong khả năng.
Trong bất cứ trường hợp nào, chúng ta cũng làm hết sức mình để bảo hộ công dân, đây là chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai các công việc cần thiết, trong phạm vi có thể để phối hợp với phía Anh sớm xác minh danh tính những người thiệt mạng, đưa họ về với quê hương và sớm hoàn tất điều tra vụ việc, nghiêm trị những người phải chịu trách nhiệm.
"Đây cũng là bài học kinh nghiệm cần thiết trong công tác quản lý bởi chúng ta khẳng định đây là vụ việc di cư bất hợp pháp. Việt Nam luôn lên án mạnh mẽ tội phạm loại này, kêu gọi các nước cùng chung tay đấu tranh, ngăn chặn, đồng thời rất mong người dân nâng cao nhận thức để không bị dụ dỗ tham gia", Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Trao đổi thêm về vụ việc 39 người tử vong tại Anh, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc tổ chức đưa lao động đi nước ngoài làm việc và tội phạm buôn bán người, di cư bất hợp pháp là hai câu chuyện khác nhau hoàn toàn.
Hiện cả nước có khoảng 400 doanh nghiệp được cấp phép đủ điều kiện đưa người đi lao động ở nước ngoài, đồng thời Việt Nam cũng ký hiệp định, bản ghi nhớ về lao động với một số quốc gia.
Hiện có 5 hình thức đưa người đi lao động ở nước ngoài, gồm: Qua doanh nghiệp được cấp phép; hợp tác giữa các doanh nghiệp 2 nước; đi theo cá nhân ký trực tiếp có đăng ký với cơ quan chức năng; hợp tác đào tạo liên kết và thông qua việc Chính phủ cho phép trao đổi công việc và lao động giữa 2 quốc gia trong ngắn hạn.
"Hiện trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 130 nghìn người đi ra nước ngoài làm việc, trong đó năm 2018 cao kỷ lục với khoảng hơn 180 nghìn người, chủ yếu ở 4 quốc gia, vùng lãnh thổ: Hàn Quốc, Nhật, Đài Loan, Malaysia.
Riêng khu vực châu Âu, Việt Nam đã ký hợp tác với Rumani và Đức; trong đó năm 2018 và đầu 2019 có khoảng 3.000 người sang làm việc ở Rumani, còn Đức thì chủ yếu là điều dưỡng viên với khoảng hơn 1.000 người.
"Cách đây một tháng, chúng tôi đi kiểm tra cuộc sống của lao động Việt Nam tại Đức. Tôi đã vào trực tiếp nơi các em làm việc, nơi ăn ở, thấy tương đối tốt", ông Dung nói và cho biết, mức thu nhập của lao động là 2.600 Euro/tháng, sau đó đề xuất tăng lên 3.000 Euro/tháng", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.
Lãnh đạo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng cho biết, hiện cơ quan quản lý ngày cảng kiểm soát chặt đối với hoạt động này. Trong đó, đối với Nhật Bản và Hàn Quốc, Việt Nam thống nhất đều xử lý 2 đầu nếu để xảy ra vi phạm.
Thậm chí, với những địa phương có người đi xuất khẩu lao động hết thời hạn nhưng không về thì đình chỉ không cho người trên địa bàn đó đi nữa, doanh nghiệp vi phạm cũng bị xử lý.
"Bộ khuyến cáo với người dân, nếu đi lao động ở nước ngoài hãy đi theo con đường hợp pháp, tức phải thông qua các doanh nghiệp, cơ quan được cấp phép và doanh nghiệp ở nước ngoài thì phải ký xác nhận, phải có bảo hộ công dân; không nên đi theo con đường bất hợp pháp", Bộ trưởng Dung nói.
Khép lại nội dung này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo lưu ý báo chí khi nào có thông tin chính thức về danh tính các nạn nhân thì cung cấp. Đồng thời, báo chí cũng không làm nóng, đưa nhiều thông tin, tránh bị lợi dụng vấn đề nhân quyền. Báo chí cũng nên hạn chế tiếp xúc các gia đình nạn nhân, khai thác thông tin vì các gia đình cũng quá đau buồn rồi.
Post a Comment