Phó giáo sư, Tiến sĩ Đinh Văn Hiệp, Giám đốc Viện quy hoạch và Kỹ thuật giao thông, Đại học Xây dựng cho biết như vậy tại hội thảo về đường sắt đô thị diễn ra chiều 4/11.
Cụ thể, theo ông Hiệp, giao thông là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm không khí, nhất là ở các đô thị, trong đó, xe máy là tác nhân lớn tạo ra khí gây ô nhiễm, nhất là do phát thải CO và VOC. "Xe máy là loại hình gây ô nhiễm môi trường lớn nhất", ông Hiệp khẳng định.
So với các quốc gia trong khu vực châu Á,Việt Nam là quốc gia sử dụng nhiều xe máy nhất trong các phương tiện giao thông chính gồm xe con xe máy, xe buýt, đường sắt, bán công cộng. Cụ thể, tại Hà Nội, 85% phương tiện được sử dụng là xe máy, 11% xe buýt, 5% là xe con. Tại Tp.HCM, 91% là xe máy, 2% xe con, và 2% là xe buýt.
Trong khi đó, ở các quốc gia khác như Seoul - Hàn Quốc, gần như không có người dùng xe máy; 35% tỷ lệ dùng đường sắt và 28% dùng xe buýt. Tokyo - Nhật Bản tỷ lệ dùng xe máy là 2%, đường sắt chiếm đến 76% và xe buýt chiếm 5%. Băng Cốc - Thái Lan tỷ lệ dùng xe máy là 27%; xe buýt 26% nhưng đường sắt chỉ có 1%. Kuala Lumpur - Malaysia tỷ lệ dùng xe máy là 24%…
Trong khi xe máy là tác nhân lớn gây ô nhiễm không khí thì theo Phó giáo sư, tiến sĩ Đinh Văn Hiệp, ưu điểm của đường sắt đô thị là tiêu hao năng lượng và phát thải CO2 thấp hơn. Bên cạnh đó, đường sắt đô thị còn ít gây ùn tắc, đường đôi chiếm ít không gian hơn tới 30% so với ôtô hai làn mà năng lực vận chuyển lại gấp ba.
Đường sắt cũng là lựa chọn an toàn hơn khi tỷ lệ người chết vì tai nạn là 0,05 người/tỷ km đường sắt so với 12 người đối với vận tải đường bộ.
Quan điểm này cũng được Jica đưa ra trong báo cáo của mình. Cụ thể, theo Jica, khi có dự án đường sắt đô thị số 1, số 2, và số 3, lượng phát thải CO2 sẽ giảm đáng kể so với nếu không có các dự án trên.
Cũng theo khảo sát được Jica công bố tại hội thảo, 66% người dân Hà Nội được khảo sát sẵn lòng chuyển sang đường sắt đô thị số 1, 30% số người sẵn lòng đi đường sắt đô thị số 2. Con số này ở Tp.HCM là 81% người dân muốn sử dụng đường sắt đô thị. Mục đích của những người muốn sử dụng đường sắt đô thị chủ yếu là đi làm, đi học, đi mua sắm, đi bệnh viện.
Đối với những người không muốn sử dụng đường sắt đô thị chủ yếu là do thích dùng xe cá nhân, sợ bị móc túi, do tuyến đi không thuận tiện và xa ga.
Hiện, ba tuyến đường sắt số 1, số 2 của Hà Nội và tuyến đường sắt số 1 Tp.HCM đều sử dụng vốn ODA của Nhật Bản.
Tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội Ngọc Hồi - Yên Viên có chiều dài 26 km được khởi động từ năm 2008. Tổng mức dầu tư giai đoạn 1 và IIA là 44.285 tỷ đồng. Sau đó, tổng mức đầu tư dự án ước tính khoảng 81.537 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với thời gian đầu.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo được quy hoạch từ 11 năm trước nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được. Hiện nay, Thành phố Hà Nội đang làm thủ tục báo cáo các đơn vị liên quan điều chỉnh tổng mức đầu từ từ 19,55 nghìn tỷ đồng lên hơn 35,6 nghìn tỷ đồng.
Còn tuyến đường sắt đô thị số 1 Tp.HCM Bến Thành - Suối Tiên tổng mức đầu tư ban đầu là 17.387 tỷ đồng, sau đó, tăng lên 47.325 tỷ đồng.
Post a Comment