Trước thời điểm EVFTA có hiệu lực (1/8/2020), quan hệ thương mại đầu tư Việt Nam với EU nói chung và với Đức nói riêng vẫn luôn được đánh giá phát triển mạnh mẽ và toàn diện. Các nhà đầu tư đến từ Đức cũng coi Việt Nam là thị trường tiềm năng, có sức hấp dẫn đầu tư, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ. Dù vậy, trên thực tế dòng vốn đầu tư trực tiếp từ Đức vào Việt Nam vẫn chưa được như kỳ vọng.

DOANH NGHIỆP ĐỨC RỤT RÈ ĐẦU TƯ VÀO VIỆT NAM

Tính đến tháng 8/2020, Đức có 350 dự án FDI đầu tư vào Việt Nam, tổng giá trị vốn đầu tư 2 tỷ USD và đứng thứ 18 trong tổng số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Đức chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn như Tp.HCM, Hà Nội, Bình Dương. Nhiều thương hiệu lớn của Đức được biết đến rộng rãi ở Việt Nam như Bosch, Ericsson…

Trong số 10 quốc gia top đầu đầu tư vào Việt Nam, chủ yếu đến từ các nước Đông Á và Đông Nam Á, một nước đến từ Anh cũng là thiên đường thuế British Virginislands. 

Giới chuyên gia nhìn nhận, các dự án vốn FDI từ Đức chất lượng, tập trung vào lĩnh vực có hàm lượng trí thức, công nghệ cao tuy nhiên nguồn vốn không lớn. 

“Chúng ta luôn kêu gọi các dự án đầu tư chất lượng cao vào Việt Nam, mang tính chất bền vững nhưng thực tế các quốc gia trong G7 gồm Đức gần như vắng bóng, duy nhất có Nhật Bản là nằm trong top 10 đầu tư vào Việt Nam. Câu hỏi này dành cho những nhà nghiên cứu chính sách, hoạch định chính sách nghiên cứu và tìm câu trả lời, nếu không trả lời được câu hỏi này thì mãi mãi không biết cách nào để lôi kéo các nước có công nghệ cao vào Việt Nam”, ông Lê Viết Thái, Phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đức nhấn mạnh tại Diễn đàn Kinh tế thương mại Việt - Đức 2020. 

Ông Doãn Hoàng Minh, Phó vụ trưởng Vụ châu Âu (Bộ Ngoại giao), thừa nhận, Đức cũng như nhiều nước châu Âu khác như Anh, Pháp, Tây Ban Nha và Ý, từ trước đến nay vẫn chỉ xem thị trường Việt Nam tiềm năng, chưa đầu tư nhiều vào Việt Nam. Phần lớn doanh nghiệp Đức quan tâm và đầu tư vào các thị trường khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ. Các quốc gia này thu hút doanh nghiệp Đức nhờ nhiều lợi thế khác nhau. 

Lý giải tâm lý e ngại này, theo ông Minh, do khuôn khổ pháp lý Việt Nam chưa rõ ràng, hạ tầng cơ sở chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư Đức, cùng với đó ngành công nghiệp phụ trợ chưa thực sự phát triển. 

Cho rằng không chỉ riêng vấn đề về thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, theo ông Lê Viết Thái văn hoá “bôi trơn”, các chi phí chính thức khiến các nhà đầu tư Đức gặp trở ngại bởi tính kỷ luật của người Đức không chấp nhận chi trả những khoản này. 

Trong khi đó, các hạn chế như bất ổn chính sách, rào cản thương mại gia tăng, an toàn pháp lý cũng khiến các nhà đầu tư Đức còn rụt rè đầu tư vào Việt Nam. “Tôi tìm hiểu từ Phòng Thương mại công nghiệp Đức tại Việt Nam, họ phàn nàn rằng chính sách của Việt Nam theo hướng lúc này mở ra, lúc khác đóng vào rồi lại mở ra. Cơ chế “xóc” thế không thể nào thu hút được nhà đầu tư Đức”, ông Thái nói. 

Chưa kể quan điểm về các thành phần kinh tế khi khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn nắm giữ vai trò dẫn dắt ở một số lĩnh vực...

LÀM SAO LÔI KÉO CÁC NHÀ ĐẦU TƯ ĐỨC ĐẾN VIỆT NAM?

Việc EVFTA được ký kết là thành quả lịch sử quan hệ Việt Nam - EU. Cùng với việc sớm ký kết Hiệp định bảo hộ đầu tư IPA, FTA được kỳ vọng sẽ mang lại cơ hội đầu tư và thương mại cho cả hai nước. “Sự phát triển vượt bậc quan hệ đầu tư giữa hai nước chưa thể thu hoạch ngay và cần thời gian dài, chắc chắn sẽ tốt hơn”, ông Doãn Hoàng Minh nói. 

Thời gian qua, phía Đức đã chủ động đưa nhiều doanh nghiệp sang Việt Nam tìm hiểu thị trường, kết nối hợp tác. Luật pháp Đức cũng xây dựng theo xu hướng tạo thuân lợi hơn cho lao động nước ngoài, hứa hẹn mang lại cơ hội mới cho lao động Việt Nam học hỏi tay nghề, nâng cao trình độ, năng lực tại Đức. Đặc biệt, về chiến lược, từ tháng 9/2020, Đức công bố định hướng, khẳng định coi trọng hợp tác với ASEAN, trong đó có Việt Nam, mở đường cho can dự tích cực hơn về kinh tế tại Việt Nam.

Dù vậy, theo ông Lê Viết Thành, để lôi kéo được doanh nghiệp Đức đầu tư vào Việt Nam, điều cần nhất vẫn là phải cải thiện môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh minh bạch. Minh bạch là yếu tố chủ chốt để nhà đầu tư nắm rõ các quy định và quy trình để tuân thủ nghiêm ngặt, từ đó đưa ra được những ưu tiên trong kế hoạch kinh doanh của mình. 

Về phía Đức, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ Việt Nam cần tạo ra một sân chơi công bằng và một khuôn khổ kinh tế giống nhau cho cả doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Chất lượng nguồn nhân lực cũng cần phải được xây dựng bài bản, chất lượng cao. Việt Nam cần đưa ra những chương trình đào tạo cho doanh nghiệp và doanh nghiệp sẽ tự đào tạo cho nhân lực của mình.

“Việt Nam có thể tự hào về lực lượng lao động cần mẫn với tỷ lệ biết đọc, viết cao tuy nhiên để làm việc tại các doanh nghiệp Đức, người lao động cần có sự chuẩn bị tốt hơn cũng như kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn thực tiễn”, đại diện một doanh nghiệp Đức nói. 

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top