Những gói kích cầu khổng lồ đã trở thành câu chuyện quen thuộc khi đại dịch Covid-19 hoành hành trên phạm vi toàn cầu. Vay nợ để cứu tăng trưởng có thể châm ngòi "quả bom nợ" vốn dĩ đã rất lớn của thế giới, nhưng cũng được coi là "liều thuốc trợ lực" cần thiết để đưa kinh tế vượt qua cú sốc mang tên virus corona.
Ngay từ khi Covid-19 trở thành đại dịch, thế giới đã hiểu rằng nền kinh tế cần sự gia tăng nợ nần mạnh mẽ ở cả khu vực công và tư nhân để tránh rơi vào một cuộc suy thoái sâu và dai dẳng. Khi các hoạt động kinh tế bị virus đốn gục, vay nợ quy mô lớn giữ vai trò như một cây cầu bắc qua vùng sụt lún của sản lượng kinh tế. Nhờ đó mà các vụ phá sản doanh nghiệp và khó khăn đối với các hộ gia đình được giảm đi nhiều.
LÀN SÓNG VAY NỢ MỚI
Mới đây, Quốc hội Mỹ thông qua một gói kích cầu kinh tế quy mô 892 tỷ USD. Đây là gói kích cầu lớn thứ nhì trong lịch sử Mỹ, chỉ thua kế hoạch trị giá gần 2 nghìn tỷ USD mà nước này triển khai hồi tháng 3. Hiện dự luật này chưa được Tổng thống Donald Trump ký thành luật do ông Trump muốn tăng mức hỗ trợ trực tiếp lên 2.000 USD mỗi người dân, thay vì mức 600 USD như kế hoạch đưa ra.
Vào đầu tháng 12, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tuyên bố tăng quy mô của chương trình kích cầu đang thực thi thêm 500 tỷ Euro, tương đương 605 tỷ USD, nâng tổng giá trị của kế hoạch lên 1,85 nghìn tỷ Euro, tương đương 2,24 nghìn tỷ USD. Trước đó, Chính phủ Nhật Bản công bố một gói kích cầu có tổng trị giá 73,6 nghìn tỷ Yên, tương đương 708 tỷ USD.
Hiện nay, khi vaccine ngừa Covid-19 đã được phê chuẩn và bắt đầu được tiêm tại một số quốc gia, giới đầu tư có thể tin tưởng rằng đầu bên kia của "cây cầu nợ" sắp hiện ra. Tuy nhiên, mức độ gia tăng mạnh mẽ của nợ nần trên toàn cầu năm nay là một vấn đề đáng lo ngại, theo quan điểm của nhiều chuyên gia.
Một báo cáo hồi tháng 9 của Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) dự báo đến năm 2021, nợ quốc gia của Mỹ sẽ vượt ngưỡng 100% tổng sản phẩm trong nước (GDP) lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Báo cáo mới đây của Viện Tài chính Quốc tế (IIF) nói rằng tỷ lệ nợ so với GDP trên toàn cầu sẽ tăng từ mức 320% trong năm 2019 lên mức kỷ lục 365% trong năm nay. Ở thời điểm quý 3 năm nay, thế giới nợ 272 nghìn tỷ USD, một con số kỷ lục, và mức nợ có khả năng sẽ lên tới 277 nghìn USD vào cuối năm.
Kết luận mà IIF đưa ra là rất rõ ràng: "nợ càng lắm, rắc rối càng nhiều".
Đến nay, giới tài chính toàn cầu dường như phớt lờ những cảnh báo này. Thị trường chứng khoán thế giới đạt mức cao chưa từng thấy, như thể vay nợ thái quá là một diễn biến kinh tế tốt lành, thay vì một chuyện đáng lo ngại.
Nhưng nếu nhìn về dài hạn, sẽ không có mấy lý do để chia sẻ sự lạc quan như vậy. Một báo cáo vào tháng 12/2019 của Ngân hàng Thế giới (WB) đã chỉ rõ rằng những làn sóng vay nợ trước đây thế giới thường dẫn đến kết cục là khủng hoảng tài chính toàn cầu, như ở Mỹ Latin vào thập niên 1980, ở châu Á vào giữa thập niên 1990, và ở Mỹ vào thập niên 2000. WB nói rằng một làn sóng vay nợ nữa đã nổi lên trên toàn cầu - đặc biệt là các thị trường mới nổi - trong thời gian từ năm 2010. Năm nay, với sự hoành hành của Covid-19, làn sóng vay nợ đó đã được nâng lên một cấp độ hoàn toàn mới.
"BOM NỢ" SẼ KHÔNG NỔ?
Vậy đây có phải là một nguy cơ nghiêm trọng đối với sự ổn định của thị trường tài chính trong ngắn hạn? Theo tờ Financial Times, câu trả lời ở đây là ít đáng lo ngại hơn.
Đầu tiên, các điều kiện vĩ mô của kinh tế thế giới hiện nay phần nào hậu thuẫn cho tỷ lệ nợ cao hơn. tình trạng đình trệ kinh tế kéo dài đã khiến lượng tiền tiết kiệm trên toàn cầu tiếp tục vượt trội so với lượng vốn đầu tư, theo đó kéo giảm mức lãi suất thực cân bằng và lạm phát. Điều này khuyến khích các ngân hàng trung ương tại các nền kinh tế phát triển mua vào khoảng 63% lượng nợ chính phủ tăng thêm của nước mình, nhờ đó giảm bớt rủi ro của một cuộc khủng hoảng cấp vốn.
Thứ nữa, mạng lưới an toàn được tạo ra bởi sự hỗ trợ của các ngân hàng trung ương, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đã được mở rộng thêm rất nhiều so với những cuộc khủng hoảng trước kia. Chức năng người tạo lập thị trường cuối cùng (market-maker of last resort) của các ngân hàng trung ương đã ngăn ngừa những vấn đề thanh khoản mà lẽ ra đã có thể kiến điều kiện tài chính toàn cầu bị siết lại. Những biện pháp đó đã làm cho nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ giảm đi rất nhiều.
Ngoài ra, các thỏa thuận hoán đổi USD quy mô lớn đối với các nền kinh tế mới nổi đã giúp giảm tình trạng khan hiếm thanh khoản USD. Ngân hàng trung ương của nhiều nền kinh tế mới nổi đã bắt đầu chương trình nới lỏng định lượng (QE) của riêng mình, bất chấp nguy cơ đồng nội tệ mất giá có thể dẫn tới lạm phát.
Fed đã triển khai các chương trình cho vay trực tiếp đối với doanh nghiệp, các tiểu bang, chính quyền địa phương và hộ gia đình. Những chương trình này không được sử dụng nhiều, nhưng đã trở thành nhân tố thay đổi cuộc chơi bởi cung cấp sự hậu thuẫn quan trọng cho thị trường tín dụng thông qua giải phóng hàng nghìn tỷ USD để cấp vốn vay cho khu vực tư nhân.
Nhà kinh tế học Paul Krugman đã đưa ra so sánh chính xác giữa hiệu ứng của những sáng kiến này với tuyên bố "làm tất cả những gì cần thiết" của ông Mario Draghi vào năm 2012, khi ông còn là Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Bài phát biểu đó của ông Draghi đồng nghĩa với lời hứa rằng ECB sẽ can thiệp không giới hạn vào thị trường, và cam kết này góp phần quan trọng giúp chấm dứt cuộc khủng hoảng đồng nợ ở khu vực sử dụng đồng Euro.
Một điểm khác biệt nữa giữa những gì đang diễn ra với cuộc khủng hoảng tài chính 2008 là hộ gia đình hiện nay chiếm một tỷ lệ nhỏ hơn nhiều so với trước trong khối nợ toàn cầu, và hệ thống ngân hàng cũng được cấp vốn dồi dào hơn và sử dụng đòn bẩy nợ ít hơn.
Tuy nhiên, khối nợ của thế giới không nên được nhìn nhận như một thể đồng nhất. Sự phân bổ của nợ có lẽ quan trọng hơn con số tổng nợ, và cũng có một số hạng mục gây lo ngại.
Trong đó phải kể đến nợ doanh nghiệp Mỹ, vốn đã là một vấn đề gây "đau đầu" từ trước và giờ đây khối nợ này càng tăng thêm do các công ty trong lĩnh vực tiêu dùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Các công ty vừa và nhỏ tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang đối mặt sức ép nghiêm trọng về vốn, nhất là ở khu vực EU.
Trong số nợ tăng thêm của thế giới năm nay, Trung Quốc đóng góp một phần không nhỏ. Giờ đây, Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng hạn chế đà tăng của giá nhà bằng cách hạn chế tăng trưởng tín dụng, và vì thế có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng GDP. Nợ của các quốc gia mới nổi khác cũng là một vấn đề, nhất là ở những nước có thu nhập thấp hơn.
Dù sao, một cuộc khủng hoảng nợ nghiêm trọng và có hệ thống có lẽ chỉ xảy ra khi kinh tế thế giới thoát khỏi tình trạng đình trệ kéo dài và lạm phát tăng mạnh trở lại - một tình thế đòi hỏi Fed và các ngân hàng trung ương khác phải mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ. Thật may là có thể phải mất một thời gian dài nữa nền kinh tế toàn cầu mới chuyển sang trạng thái như vậy.
Trong một báo cáo ra ngày 23/12, WB khuyến nghị Trung Quốc duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và tránh việc siết mạnh chính sách tài khóa trong năm tới vì sự phục hồi tăng trưởng từ đại dịch Covid-19 tiếp tục cần đến cả chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng. "Việc thắt chặt chính sách quá sớm và quá mạnh có thể gây trệch hướng phục hồi", WB viết.
Post a Comment