Giao dịch hôm nay có vẻ được kiềm chế lại một chút, thanh khoản tăng chậm và giảm nhiều so với các phiên trước. Chính nhờ vậy giao dịch khá thông suốt dù có những phút chậm cuối phiên sáng. Lệnh vào được, nhà đầu tư hăng hái giải ngân đẩy VN-Index tăng 1,58%.

Mở đầu phiên thị trường vẫn giảm. Đó là lo ngại bình thường. VN-Index lúc 9h43 chạm đáy 1.061,83 điểm, giảm 0,53% so với tham chiếu. Sau đó lực cầu lại dâng lên, đẩy thị trường chung phục hồi, VN-Index lên khoảng 1.075 điểm trước khi tụt nhẹ xuống quanh 1070 và đi ngang đến hết phiên sáng.

Đây là thời điểm thị trường giao dịch rất chậm, khá giống với các lần nghẽn lệnh trước đó. Tuy nhiên bất ngờ là sang chiều, giao dịch vẫn có vẻ ổn. Điều này tạo tâm lý rất hưng phấn. Lực mua bắt đầu mạnh hơn và đẩy cổ phiếu tăng giá mạnh hàng loạt. VN-Index tăng liên tục cao hơn cho tới tận lúc chốt phiên.

Đợt ATC cũng không đến nỗi, sàn HSX vẫn khớp được 400,7 tỷ đồng. Rõ ràng là tình hình vào lệnh phiên này đã có cải thiện.

Cũng có thể hệ thống giao dịch đã có "tiến bộ", nhưng có lẽ nguyên nhân chính khiến lệnh đi được hôm nay là do quy mô giao dịch đã giảm nhiều. Phiên sáng mức khớp lệnh sàn HSX chỉ có 6.625 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với các phiên sáng trước đó. Đặc biệt giao dịch này chỉ bằng 54% sáng hôm qua, bằng 71% hôm thứ Tư.

Giao dịch được chia sang buổi chiều và chiều nay hai sàn đã khớp được 5.299 tỷ đồng, trong đó HSX khớp 4.774 tỷ đồng. Điều này dẫn đến tổng giá trị khớp hôm nay của HSX chỉ đạt 11.398,8 tỷ đồng, thấp nhất 7 phiên. Tổng giá trị khớp hai sàn đạt 12.567,3 tỷ đồng, cũng thấp nhất 7 phiên.

Thành công hôm nay có lẽ sẽ là kinh nghiệm cho các phiên tới vì nếu giao dịch không dồn ứ quá lớn vào phiên sáng thì hệ thống có vẻ vẫn chịu được. Tuy vậy, mức giao dịch giảm đi có lẽ còn là do nhà đầu tư cứ tưởng hệ thống sẽ lại nghẽn nên giảm giao dịch cả mua lẫn bán. Nếu cường độ giao dịch trở lại bình thường như vài phiên trước thì tình hình chưa rõ sẽ ra sao.

Phiên giao dịch ít trở ngại hôm nay còn có hiệu ứng tích cực nữa là nhà đầu tư được cởi bỏ tâm lý và bắt đầu mua vào mạnh. Một phần do lệnh bán giảm đi nên giá cổ phiếu được đẩy tăng đồng loạt. VN-Index đóng cửa tăng 1,58% so với tham chiếu tương đương 16,9 điểm, phục hồi hết mức giảm của hai phiên trước đó. Độ rộng sàn này lên tới 340 mã tăng/119 mã giảm với gần 140 mã tăng trên 2%.

Đại đa số cổ phiếu đều tăng giá, nhưng nhóm mã chứng khoán dĩ nhiên là nóng nhất. Đơn giản là nhóm này vẫn sẽ hưởng lợi lớn trong bối cảnh hệ thống nghẽ vì giao dịch quá nhiều. SSI có phiên kịch trần sau 2 phiên giảm trước đó và giá lại tìm đỉnh cao mới. HCM, VND, SHS cũng kịch trần. VCI tăng 2,73%, MBS tăng 6,49%, BSI tăng 2,57%, CTS tăng 6,79%...

Nhóm ngân hàng cũng tăng mạnh nhưng đáng tiếc là cổ lớn nhất là VCB lại chỉ tăng 0,31%. Không chỉ vậy, VNM cũng tăng rất kém 0,28%, VIC tăng 0,19%, GAS tăng 0,36%. Nếu các mã này cũng tăng dữ dội như phần còn lại, có lẽ VN-Index còn bốc đầu hơn nhiều.

Chỉ số VN30-Index đóng cửa tăng 1,76% với 27 mã tăng/2 mã giảm. Ngoài MSN thì chỉ có ROS giảm 1,6%. Có 9 mã trong nhóm này tăng trên 2%. Bên cạnh SSI kịch trần thì TCB trong nhóm ngân hàng cũng tăng tới 5,72%, HDB tăng 3,45%, VPB tăng 3,17%, STB tăng 2,73%, CTG tăng 2,21%.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ dĩ nhiên tăng còn nóng hơn nhiều so với blue-chips. Chỉ số Midcap tăng tới 2,05%, Smallcap tăng 2,01%. Cả sàn HSX có 29 mã kịch trần thì 19 mã thuộc hai rổ này.

Phiên tăng hôm nay có tính chất giải tỏa tâm lý khá rõ vì dòng tiền lúc này đang sôi sục. Thực tế là lệnh mấy phiên vừa qua bị nghẽn cả hai chiều, nhưng chỉ những người cầm tiền mới thể hiện bức xúc công khai trên các cộng đồng mạng. Khá bất ngờ là rất ít lời than vãn rằng lệnh kẹt không bán cổ phiếu được.

Thị trường chốt tuần với mức tăng mạnh mẽ và xóa hết được mức giảm của hai phiên nghẽn hệ thống vừa qua. Đây là tín hiệu tích cực. Tuy nhiên hệ thống sẽ còn phải "thử tải" ở những phiên tới khi quy mô giao dịch lại tăng lên. Không ai có thể cầm trịch để kiềm chế thanh khoản chung dưới một ngưỡng nào đó được vì đây là xuất phát từ nhu cầu giao dịch của mỗi nhà đầu tư.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top