Thị trường quản lý quỹ đang có những thay đổi đáng kể để có thể tiệm cận gần hơn với thông lệ quốc tế. Một mặt, các nhà quản lý quỹ phải đau đầu nghĩ cách cải tiến các loại hình quỹ đầu tư chứng khoán để vừa thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong nước vừa phải đủ sự hấp dẫn đối với dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Là một nhà quản lý quỹ đầu tư lớn nhất và lâu năm nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc VFM đã thừa nhận rằng: tốc độ tăng trưởng của ngành quỹ rất lớn trong những năm qua, nhưng sự phân hóa giữa các quỹ cũng rất lớn khi giữa các quỹ có sự chênh lệch rất lớn về mặt tài sản quản lý. Nếu nhìn vào tốc độ phát triển của các sản phẩm quỹ (quỹ mở, quỹ EFT và quỹ đầu tư trái phiếu) thì quỹ đầu tư trái phiếu có sự tăng trưởng rất mạnh trong năm qua. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh của công nghệ số, lợi thế sẽ thuộc về những công ty nào sớm tiếp cận công nghệ đưa ra các sản phẩm hấp dẫn sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư.
Ông Võ Hải Nam, Giám đốc Ngân hàng Đầu tư phát triển – BIDV Hà Thành bổ sung: bên cạnh các loại hình quỹ truyền thống như: quỹ thành viên, quỹ đóng, đã có các loại quỹ đại chúng hiện đại, phù hợp thông lệ quốc tế như: quỹ mở, quỹ ETF, quỹ đầu tư bất động sản...
DẤU TĂNG TRƯỞNG TRONG THỜI COVID
Theo số liệu thống kê từ UBCKNN, tính đến thời điểm này, sự tăng trưởng ngoạn mục của ngành quản lý quỹ được thể hiện qua tốc độ tăng trưởng về số lượng công ty quản lý quỹ và tổng giá trị tài sản quản lý. Hơn 45 công ty quản lý quỹ đang hoạt động với tổng vốn điều lệ đạt gần 3.500 tỷ đồng và tổng vốn chủ sở hữu đạt gần 4.300 tỷ đồng.
Số lượng quỹ đầu tư được quản lý bởi 45 công ty quản lý quỹ là 51 quỹ, tăng gấp 3 lần thời điểm 2012 và tăng gần gấp hai lần so với năm 2015 là 28 quỹ. Trong đó, có 41 quỹ đại chúng, chiếm 80% bao gồm 2 quỹ đóng, 33 quỹ mở, 5 quỹ ETF, 1 quỹ đầu tư bất động sản. Tổng tài sản quản lý của các công ty quản lý quỹ, bao gồm hoạt động quản lý danh mục đầu tư và quản lý quỹ có sự tăng trưởng đột phá trong thời gian qua và đạt khoảng 350.000 tỷ đồng.
Một số quỹ nước ngoài có mục tiêu đầu tư lâu dài tại Việt Nam như VEIL của Dragon Capital, VOF VinaCapital, một số quỹ có danh mục đầu tư chủ yếu là cổ phiếu Việt Nam như Vaneck Vietnam Vector ETF, JP Morgan Vietnam Opportunities Fund tiếp tục nắm giữ danh mục đầu tư tại Việt Nam, cho thấy chiến lược đầu tư dài hạn của các quỹ này vào Việt Nam và sự tin tưởng của họ vào tiềm năng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Sự tham gia của nhiều quỹ đầu tư nước ngoài góp phần đa dạng hóa cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán, phát triển hệ thống nhà đầu tư tổ chức.
Trong giai đoạn đại dịch vừa qua, nhiều quỹ nước ngoài đã thực hiện cơ cấu lại danh mục đầu tư do giá nhiều cổ phiếu giảm, tuy nhiên, so với các nước trong khu vực, không có hiện tượng các quỹ đầu tư nước ngoài rút vốn nhiều khỏi Việt Nam.
Giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đầu năm 2020 đạt gần 37 tỷ USD, tăng hơn 2 lần so với năm 2015 đạt 14,7 tỷ USD. Trong đó, theo mã số giao dịch đăng ký thì có 2.600 quỹ đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam.
CẢI TIẾN NHIỀU NHƯNG CHƯA ĐỦ
Trong năm 2020 mặc dù dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, gây ảnh hướng đến hầu hết các thị trường chứng khoán thế giới, song thị trường chứng khoán Việt Nam nói chung và dịch vụ quỹ nói riêng đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận với tốc độ tăng tương đối mạnh.
Trong 9 tháng đầu năm 2020 đã có thêm 5 quỹ mở ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với VSD, nâng tổng số quỹ ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với VSD lên 35 quỹ. Tính đến ngày 30/9/2020, số lượng tài khoản giao dịch quỹ mở lên đến hơn 181 nghìn tài khoản tăng hơn 57 nghìn tài khoản so với năm 2019, bao gồm hơn 180 nghìn tài khoản cá nhân và gần 400 tài khoản tổ chức (trong đó số lượng tài khoản của các tổ chức nước ngoài chỉ đạt hơn 100 tài khoản).
Tổng giá trị giao dịch của quỹ mở là 33.176 tỷ đồng tăng 27% so với cùng kỳ năm 2019 và tổng giá trị giao dịch hoán đổi quỹ ETF là 6.884 tỷ đồng tăng 73% so với cùng kỳ năm 2019.
Theo ông Dương Văn Thanh, Tổng giám đốc VSD, phần lớn các kiến nghị của thành viên liên quan đến cơ chế cho vay cầm cố (margin) đối với sản phẩm chứng chỉ quỹ, tương đương cơ chế margin đối với chứng khoán cơ sở như hiện nay, đã được VSD tiếp thu và sửa đổi. Lãnh đạo VSD thừa nhận là chỉ còn một số kiến nghị về cầm cố chứng chỉ quỹ và cơ chế tự động khấu trừ thuế đối với tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hiện đang được VSD tiếp tục phối hợp với cơ quan quản lý nghiên cứu hướng tháo gỡ.
Tổng giá trị tài sản ròng của các quỹ mà VSD cung cấp dịch vụ đạt trên 25.500 tỷ đồng, tăng 21% so với tổng NAV năm 2019. Trong đó, các quỹ đầu tư trái phiếu vẫn chiếm tổng giá trị tài sản lớn nhất với 16.625 tỷ đồng (chiếm 79,14%), tiếp đó là các quỹ đầu tư cổ phiếu với gần 4.000 tỷ đồng (chiếm 18,66%), các quỹ đầu tư cân bằng chỉ 2,2% với giá trị tài sản, tương đương 461 tỷ đồng.
Đại diện VSD cũng cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, VSD đã ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với 35 quỹ mở thuộc 17 công ty quản lý quỹ, trong đó có 29 quỹ đang hoạt động, 1 quỹ đang tiến hành IPO. Trong số 29 quỹ đang hoạt động, có 13 quỹ là quỹ đầu tư cổ phiếu, 12 quỹ là quỹ đầu tư trái phiếu và 4 quỹ cân bằng, tăng 1 quỹ so với số lượng quỹ hoạt động năm 2020.
Số lượng tài khoản giao dịch chứng chỉ quỹ ghi nhận trên hệ thống đạt 181.000 tài khoản, trong đó hơn 180 nghìn tài khoản cá nhân trong nước, 857 tài khoản cá nhân nước ngoài, 291 tài khoản tổ chức trong nước và 107 tài khoản của tổ chức nước ngoài. Trong đó, số lượng tài khoản mở mới trong năm 2020 đạt hơn 57.000 tài khoản mở, trong khi số lượng tài khoản đóng chỉ có 33 tài khoản, cho thấy nhà đầu tư dành sự quan tâm lớn hơn đối sản phẩm quỹ mở.
Nếu phân loại theo giá trị tài sản ròng thì quỹ mở theo công ty quản lý quỹ, năm 2020 chiếm ưu thế vẫn là các quỹ thuộc Công ty quản lý quỹ Techcom với trên 18.000 tỷ đồng, tiếp đó là các quỹ của VFM, VinaCapital, SSIAM, VCBF, Mirae Asset và Công ty quản lý quỹ Bảo Việt.
CẦN THÊM NHIỀU SẢN PHẨM MỚI
Ông Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD), cho rằng ngành quỹ đã ghi dấu tăng trưởng ấn tượng trong năm 2020. Hơn nữa, với việc Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung có hiệu lực từ đầu năm 2021, chắc chắn sẽ có những thay đổi, giúp thị trường có nền tảng phát triển tốt hơn. Những sản phẩm tiên tiến mà thế giới đã làm được thì chúng ta cũng nên sớm triển khai, theo hướng phù hợp với thực tiễn Việt Nam.
Liên quan đến hành lang pháp lý cho ngành quỹ, ông Nguyễn Hải Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý quỹ, UBCK Việt Nam, cho biết: dự kiến các văn bản pháp lý, các nghị định hướng dẫn Luật chứng khoán sẽ hoàn chỉnh và được ký ban hành trong năm 2020 để có cơ sở hướng dẫn Luật chứng khoán mới có hiệu lực từ đầu 2021. Khung cơ sở pháp lý hoàn thiện sẽ giúp ngành quỹ có thêm nền tảng để phát triển thêm nhiều sản phẩm đa dạng, phù hợp với dự kiến các văn bản pháp lý, mở ra nhiều cơ hội phát triển cho ngành này.
Cơ quan quản lý đang hướng đến việc xây dựng các chính sách thuế ưu đãi như miễn thuế thu nhập... nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia đầu tư mua chứng chỉ quỹ, thay vì đầu tư trực tiếp vào thị trường chứng khoán hay gửi tiền tiết kiệm. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu hoàn thiện hơn nữa những quy định pháp lý về chính sách thuế để khuyến khích sự phát triển của các quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện cũng sẽ được khẩn trương thực hiện. Đồng thời, hướng tới sự đa dạng hoá kênh phân phối chứng chỉ quỹ khi cho phép các ngân hàng, doanh nghiệp tham gia vào phân phối chứng chỉ quỹ mở.
Sau gần 20 năm hình thành và phát triển, ngành quản lý quỹ đã có nhiều sự thay đổi cả về số lượng quỹ đầu tư chứng khoán, quy mô tài sản quản lý, cũng như loại hình quỹ đầu tư. Thực tiễn cho thấy tầm quan trọng của các nhà đầu tư tổ chức đối với sự ổn định và bền vững của thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Trong đó, quỹ đầu tư chứng khoán là một nhà đầu tư tổ chức giữ vai trò quan trọng. Do đó, để phát triển lực lượng chủ công này, vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Post a Comment