Đại hội đồng cổ đông bất thường của Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) đã thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ 15.000 tỷ đồng trong giai đoạn 2020-2030, riêng năm 2020 – 2021 sẽ tăng thêm 5.000 tỷ đồng. 

Đồng thời Đại hội đã thông qua lộ trình niêm yết cổ phiếu SCB, mục tiêu chậm nhất năm 2025 chính thức niêm yết cổ phiếu SCB trên HOSE. 

Liên quan đến chủ trương tăng vốn điều lệ thêm 15.000 tỷ đồng, Đại hội đồng cổ đông giao cho Hội đồng quản trị đề xuất phương án cụ thể trong từng thời kỳ, đảm bảo phù hợp với tình hình thị trường và hoạt động kinh doanh của SCB.

Hội đồng quản trị của SCB cho biết, tháng 07/2020, SCB cũng đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược với Công ty McKinsey & Company Việt Nam. Theo đó, McKinsey sẽ giúp SCB tìm kiếm và khai thác các cơ hội, tiềm năng của ngành ngân hàng trong kỷ nguyên số mới, tư vấn các giải pháp toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh với mục tiêu tăng trưởng thu nhập hoạt động từ 25-30% mỗi năm.

McKinsey cũng sẽ tư vấn SCB lựa chọn nhà đầu tư chiến lược nước ngoài phù hợp với chiến lược hoạt động và mục tiêu đa dạng hóa cổ đông của SCB.

Song song với việc xây dựng và thực thi chiến lược chuyển đổi, việc bổ sung vốn cho hoạt động kinh doanh thông qua tăng vốn điều lệ là nhu cầu cấp thiết cần phải được SCB nhanh chóng thực hiện để đảm bảo nguồn lực tài chính mạnh.

Trước mắt, SCB sẽ tiến hành tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng ngay trong năm 2020 – 2021 qua việc chào bán 500 triệu cổ phần cho các cổ đông hiện hữu với giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần, tỷ lệ thực hiện 3,292%. Mức giá chào bán 10.000 đồng/cổ phần được xác định dựa trên giá trị sổ sách của SCB tại ngày 31/12/2019 là 10.853 đồng/cổ phần.

Vốn thu được từ đợt chào bán 500 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu sẽ được dùng bổ sung nguồn vốn kinh doanh 4.000 tỷ đồng; đầu tư vào tài sản cổ định và hiện đại hoá công nghệ thông tin 500 tỷ đồng; đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp trụ sở hoạt động và hệ thống nhận diện thương hiệu SCB 500 tỷ đồng.

Hội đồng quản trị cho biết, thời gian tới, SCB chú trọng phát triển tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và tín dụng bán lẻ, đẩy mạnh đầu tư Trái phiếu Chính phủ để bổ sung tài sản thanh khoản.

Sau khi hoàn tất tăng vốn thêm 5.000 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2021 vốn điều lệ của SCB sẽ gần 20.232 tỷ đồng.

Ngoài ra, một nội dung quan trọng khác được Đại hội đồng cổ đông SCB thống nhất thông qua là phê duyệt giao dịch nhận tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ của bên vay/bên thế chấp có giá trị lớn hơn 20% vốn điều lệ của SCB.

Cụ thể, SCB sẽ nhận chuyển giao toàn bộ tài sản thế chấp của khách hàng là 116 Quyền sử dụng đất tại Khu dân cư 5-2 tại Khu chức năng số 5 – Đô thị Nam Thành phố (xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, Tp. HCM). Giá trị tài sản được định giá vào tháng 8/2020 là 13.955,3 tỷ đồng.

Được biết, đây là khu vực nằm ở vị trí thuận lợi, mặt tiền đường lớn, có tính thanh khoản cao và có lợi thế kinh doanh. Việc nhận tài sản để cấn trừ nợ sẽ giúp SCB chủ động hơn trong việc xử lý, khai thác tài sản sau này và không phụ thuộc vào khách hàng so với phương án thu giữ tài sản hoặc khởi kiện ra toà án để phát mãi tài sản.

Kết thúc ba quý đầu năm 2020, hoạt động kinh doanh của SCB ghi nhận kết quả khả quan từ mảng thu dịch vụ. Tính đến 30/09/2020, quy mô tài sản của SCB đạt 611.694 tỷ đồng. Huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư đạt 553.832 tỷ đồng, tăng 65.125 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 13,3% so với đầu năm.

9 tháng đầu năm 2020 SCB đã trích lập 1.963 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, nâng tổng quỹ dự phòng rủi ro lên hơn 13.000 tỷ đồng. Đây được cho là đệm dự phòng tài chính, giúp cho hoạt động kinh doanh của SCB ổn định trong thời gian tới.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top