So với hồi năm 2017, cơn sốt giá Bitcoin của năm 2020 có một cuộc "dịch chuyển địa bàn" quan trọng. Nếu như cách đây 3 năm, các nhà đầu tư ở khu vực châu Á là lực lượng chính gom mua tiền ảo, thì năm nay, vai trò dẫn đầu đã thuộc về giới đầu tư ở Mỹ.
Tuần trước, giá Bitcoin thiết lập một đỉnh cao lịch sử mới, xấp xỉ mốc 20.000 USD. Cùng với sự xuất hiện của kỷ lục này là một xu hướng mới mà ở đó, dòng Bitcoin chảy mạnh từ khu vực Đông Á sang Bắc Mỹ, hãng tin Reuters cho hay.
TƯƠNG QUAN THAY ĐỔI
Hôm 1/12, giá Bitcoin đạt đỉnh ở 19.918 USD nhờ nhu cầu đa dạng của các nhà đầu tư - có người coi đồng tiền kỹ thuật số lớn nhất thế giới là một tài sản có độ rủi ro cao và khả năng sinh lời lớn, có người xem đây là một kênh đầu tư chống lạm phát hiệu quả, và có người xem Bitcoin là một phương pháp thanh toán đang ngày càng được chấp nhận rộng rãi.
Từ khi Bitcoin được tạo ra cách đây hơn 1 thập kỷ bởi một nhân vật bí ẩn có tên Satoshi Nakamoto, thị trường Bitcoin chủ yếu nằm dưới sự thống trị của các nhà đầu tư ở các nước Đông Á như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, năm nay, các nhà đầu tư ở Bắc Mỹ mới là những người thắng đậm khi giá Bitcoin tăng hơn 160% từ đầu năm.
Số liệu do Reuters thu thập được cho thấy lượng Bitcoin ròng chảy vào hàng tuần - một thước đo về nhu cầu mới - trên các sàn giao dịch chủ yếu phục vụ người dùng ở Bắc Mỹ đã đạt hơn 216.000 Bitcoin, tương đương trị giá 3,4 tỷ USD, vào thời điểm giữa tháng 11. Con số này đã tăng hơn 7.000 lần so với thời điểm cuối năm ngoái.
Trong khi đó, các sàn giao dịch tiền ảo ở châu Á lại chứng kiến Bitcoin chảy ròng ra. Các sàn giao dịch chủ yếu phục vụ khách châu Á chứng kiến sự ra đi của 240.000 Bitcoin, tương đương 3,8 tỷ USD, trong tháng 11, so với lượng chảy ròng vào 1.460 Bitcoin hồi tháng 1.
Thay đổi tương quan này phản ánh nhu cầu Bitcoin gia tăng của các nhà đầu tư lớn ở Mỹ.
"Mối quan tâm của các nhà đầu tư tổ chức ở khu vực Bắc Mỹ dành cho Bitcoin bất ngờ tăng mạnh, đang là động lực cho sự dịch chuyển trên thị trường Bitcoin, dẫn tới việc phân bổ lại tài sản trên các sàn giao dịch và nền tảng khác nhau", chuyên gia Ciara Sun thuộc Huobi Global Markets cho biết.
Đông Á, Bắc Mỹ và Tây Âu hiện đang là ba trung tâm lớn nhất của thị trường Bitcoin toàn cầu, trong đó Đông Á và Bắc Mỹ chiếm khoảng một nửa tổng giao dịch - theo Chainanalysis.
Một số chuyên gia cho rằng còn quá sớm để nói về một sự dịch chuyển mang tính căn bản trên thị trường Bitcoin, đặc biệt trong một năm mà nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính toàn cầu trải qua những biến động chưa từng có tiền lệ vì đại dịch Covid-19 như năm nay.
Sự gia tăng của dòng Bitcoin chảy về Bắc Mỹ trong năm nay chưa chắc đã là "một chỉ báo cho thấy trọng tâm của thị trường Bitcoin đang dịch chuyển về phía Mỹ", chuyên gia James Quinn của Q9 Capital phát biểu.
Nhưng dù sao, dữ liệu của Chainalysis cũng cho thấy khối lượng giao dịch Bitcoin tại 4 sàn lớn ở Bắc Mỹ đã vượt qua khối lượng giao dịch của các sàn ở Đông Á, với chênh lệch lớn chưa từng thấy.
Năm nay, khối lượng giao dịch trên 4 sàn Bitoin lớn nhất Bắc Mỹ đã tăng gấp đôi, đạt 1,6 triệu Bitcoin mỗi tuần vào thời điểm cuối tháng 11. Trong khi đó, khối lượng giao dịch tại 14 sàn Bitcoin lớn nhất Đông Á chỉ tăng 16%, đạt 1,4 triệu Bitcoin mỗi tuần.
Cách đây 1 năm, khối lượng giao dịch của các sàn Bitcoi ở Đông Á là 1,3 triệu Bitcoin mỗi tuần, so với con số 766.000 Bitcoin mỗi tuần của các sàn ở Bắc Mỹ.
NGUYÊN NHÂN DỊCH CHUYỂN
Các chuyên gia và nhà đầu tư được Reuters phỏng vấn đều nói rằng trước đây, nhiều nhà đầu tư ở Mỹ - những người vốn đề cao tuân thủ pháp luật - thận trọng với bản chất thiếu minh bạch của thị trường Bitcoin. Giờ đây, họ bị thu hút bởi việc cơ quan chức năng tại Mỹ đã giám sát tiền ảo chặt chẽ hơn.
Hiện nay, các sàn tiền ảo ở Mỹ nhìn chung được điều tiết chặt chẽ hơn so với các sàn ở Đông Á. Nhà chức trách Mỹ cũng đã có nhiều động thái để làm sáng tỏ việc Bitcoin được giám sát như thế nào.
Chẳng hạn vào tháng 7 năm nay, một cơ quan giám sát ngân hàng của Mỹ tuyên bố các ngân hàng trong nước có thể cung cấp dịch vụ lưu ký tiền ảo. Tháng 10, Bộ Tư pháp Mỹ (DOC) đã vạch ra một khuôn khổ để thực thi quy định này.
"Đã bắt đầu có sự khác biệt giữa những thị trường không có hoặc có rất ít sự điều tiết và những thị trường được giám sát chặt chẽ", chuyên gia Curtis Ting của Kraken, một sàn tiền ảo lớn ở Mỹ, phát biểu. "Các nhà đầu tư tổ chức muốn tìm kiếm sự dễ đoán biết mà những thị trường có sự điều tiết có thể mang lại cho họ".
Lượng tài sản được quản lý bởi Grayscale, công ty quản lý tiền ảo lớn nhất thế giới đặt tại New York, đã tăng lên mức kỷ lục 10,4 tỷ USD, cao hơn 75% so với thời điểm tháng 9. Trong đó, quỹ Bitcoin thuộc công ty này tăng 85%.
Giới chuyên gia cũng nói rằng còn có một nhân tố khác phía sau sự dịch chuyển của dòng chảy Bitcoin về phía Bắc Mỹ. Đó là sự suy giảm của lực lượng đông đảo các nhà đầu tư cá nhân ở châu Á, những người đã góp phần quan trọng tạo nên cơn sốt Bitcoin hồi năm 2017.
Tại Hàn Quốc, những quy chế nghiêm ngặt hơn đã làm nản lỏng những nhà đầu tư như vậy - theo chuyên gia In Hoh thuộc Viện nghiên cứu blockchain, Đại học Hàn Quốc.
Theo ông Leo Weese, nhà đồng sáng lập của Hong Kong Bitcoin Association, các nhà đầu tư còn lo ngại rằng các sàn giao dịch tiền ảo lớn kết nối với Trung Quốc nhưng đặt trụ sở ở một nơi khác sẽ có lúc bị cơ quan chức năng Trung Quốc xử lý.
Chẳng hạn, vào tháng 10 vừa qua, OKEx - một sàn tiền ảo thành lập ở Trung Quốc nhưng có trụ sở ở Malta - ngừng cho khách hàng rút tiền ảo trong vòng gần 6 tuần vì một nhà điều hành của sàn này phải hợp tác với một cuộc điều tra của công an Trung Quốc.
Nói tóm lại, châu Á vẫn đang là một trung tâm giao dịch tiền ảo chính, nhưng các sàn giao dịch bắt đầu chứng kiến sự dịch chuyển quan trọng. "Tôi cho rằng ảnh hưởng lớn đối với thị trường đang đến từ khu vực Bắc Mỹ", ông Yuzo Kano - nhà đồng sáng lập của bitFlyer ở Tokyo, nhận xét. "Các quỹ ở đó đang mua vào rất nhiều".
Post a Comment