Giới chức thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 4/12 cảnh báo các chính phủ và người dân không vì sắp có vaccine ngừa Covid-19 để tiêm chủng mà trở nên chủ quan với đại dịch, nhấn mạnh rằng hệ thống y tế của nhiều nước vẫn có thể rơi vào tình trạng căng thẳng.

Hôm thứ Tư tuần này, Anh trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê chuẩn vaccine Covid-19 của Pfizer, làm dấy lên hy vọng rằng virus corona chủng mới - loại virus đã cướp đi sinh mạng của gần 1,5 triệu người và làm điêu đứng nền kinh tế toàn cầu - sẽ sớm bị đẩy lùi.

"Tiến bộ về vaccine mang lại cho chúng ta hy vọng. Giờ đây, chúng ta đã có thể nhìn thấy ánh sáng ở cuối đường hầm. Tuy nhiên, WHO lo ngại về việc đang xuất hiện ý nghĩ cho rằng đại dịch Covid-19 sắp qua", hãng tin Reuters dẫn phát biểu của Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebryesus tại một cuộc họp báo ở Geneva.

Ông Tedros nói rằng đại dịch vẫn có khả năng kéo dài, và chính hành động của mỗi người dân và chính phủ sẽ là nhân tố quyết định đường đi của đại dịch trong thời gian trước mắt, cũng như quyết định việc tới khi nào đại dịch sẽ chấm dứt.

"Chúng ta đều biết rằng năm nay là một năm gian khó và mọi người đã rất mỏi mệt rồi. Nhưng tại các bệnh viện đang hoạt động tối đa hoặc vượt công suất, mức độ làm việc đã đạt tới giới hạn", ông nói.

"Sự thật là ở thời điểm này, nhiều nơi đang chứng kiến tốc độ lây lan rất cao của Covid-19, đặt ra sức ép rất lớn lên các bệnh viện, các bộ phận chăm sóc đặc biệt và nhân viên y tế".

Được phát hiện đầu tiên ở Vũ Hán, Trung Quốc cách đây 1 năm, Covid-19 hiện đã khiến 65 triệu người trên thế giới nhiễm bệnh, trong đó có hơn 1,5 triệu ca tử vong.

Cùng với vaccine của Pfizer, vaccine của Moderna cũng đã được xin cấp phép tại Mỹ. Theo dự kiến, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ sớm phê chuẩn hai loại vaccine để sử dụng khẩn cấp. 20 triệu người Mỹ có thể được tiêm chủng Covid-19 ngay trong năm nay, theo đó ngăn đà leo thang của đợt dịch mới đang hoành hành tại Mỹ - quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch này.

Dù vậy, chuyên gia cao cấp nhất của WHO về trường hợp khẩn cấp, ông Mike Ryan, ngày 4/12 cảnh báo không nên chủ quan khi vaccine Covid-19 bắt đầu được tiêm. Ông nói rằng vaccine là một phần quan trọng trong cuộc chiến chống Covid-19 nhưng không có nghĩa là đại dịch sẽ chấm dứt ngay.

"Vaccine không đồng nghĩa với không còn Covid", ông nói.

Theo vị chuyên gia, một số quốc gia sẽ phải duy trì các biện pháp kiểm soát rất chặt chẽ thêm một thời gian nữa, nếu không số ca nhiễm có thể lại "bùng nổ".

"Một số quốc gia đang ở vào giai đoạn mang tính quyết định. Hệ thống y tế của một số nước đang đứng trước khả năng không thể trụ vững", ông Ryan nói, nhưng không đề cập cụ thể đến nước nào.

WHO hiện đang hậu thuẫn một chương trình về vaccine Covid-19 toàn cầu có tên COVAX, với mục đích đảm bảo phân phối vaccine công bằng cho tất cả các quốc gia. Đến nay đã có 189 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký tham gia chương trình, trong đó không có Mỹ.

Giám đốc khoa học của WHO, ba Soumya Swaminathan hy vọng khoảng nửa tỷ liều vaccine Covid-19 sẽ được phân phối trong khuôn khổ COVAX trong quý 1/2021, và kế hoạch ban đầu sẽ ưu tiêm tiêm chủng cho nhóm 20% dân số có nguy cơ cao nhất bao gồm nhân viên y tế và những người trên 65 tuổi.

"Mục tiêu của chương trình là phân phối được ít nhất 2 tỷ liều vaccine trong năm 2021, đủ để tiêm cho 20% dân số tại các quốc gia tham gia COVAX", bà Swaminathan nói tại cuộc họp báo ở Geneva. Theo bà, lượng vaccine như vậy có thể đủ để "chấm dứt giai đoạn căng thẳng của đại dịch" thông qua giảm số người chết và giảm sức ép cho hệ thống y tế.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top