Các tín hiệu tích cực của lạm phát đã giúp gia tăng kỳ vọng vào việc Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục có động thái điều chỉnh hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong tương lai gần, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mới đây, Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 đã giảm 0,01% so với tháng trước và là lần giảm đầu tiên kể từ giai đoạn tháng 4, tháng 5 năm nay - thời kì các hoạt động kinh tế bị đình trệ bởi đợt cách ly xã hội do Covid-19.

Do đó, lạm phát tháng 11 chỉ tăng 1,48% so với cùng kỳ năm ngoái, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2016. Chỉ số CPI bình quân 11 tháng hiện là 3,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 4% mà Chính phủ đặt ra.

Theo Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các yếu tố tác động chính tới CPI tháng 11 bao gồm giá thịt lợn giảm 3,44% so với tháng trước, giúp giá lương thực giảm 0,06%; giá nhóm hàng lương thực, thực phẩm chỉ tăng 6,5%, mức tăng thấp nhất trong năm nay; giá xăng dầu tháng 11 giảm khoảng 3% so với tháng trước, giúp giá nhóm giao thông tiếp tục giảm 0,47% so với tháng trước và giảm 13,27% so với cùng kỳ năm ngoái.

Công ty này dự báo lạm phát tháng 12 sẽ tăng nhẹ 0,5% so với tháng trước do hai yếu tố. Thứ nhất, mặt bằng giá xăng dầu bình quân trên thị trường thế giới dự báo tăng khoảng 8% so với tháng trước. Thứ hai, nhu cầu mua sắm và sửa chữa nhà cửa vào dịp cuối năm thường tăng mạnh.

"Chúng tôi giảm dự báo lạm phát bình quân trong năm 2020 xuống còn 3,3% từ mức 3,5% trước đó, do diễn biến của giá thịt lợn hiện đang trong xu hướng giảm nhờ nguồn cung được cải thiện và giá xăng dầu vẫn duy trì ở mức thấp nhiều hơn so với cùng kỳ", nhóm nghiên cứu tại KBSV dự báo.

Cũng theo KBSV, tín hiệu lạm phát tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để điều chỉnh hạ lãi suất điều hành thêm 1 lần nữa trong nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Mặt bằng lãi suất huy động nhờ đó sẽ vẫn duy trì ở mức thấp giúp tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) của các ngân hàng sẽ tiếp tục được cải thiện.

Được biết, sau lần hạ lãi suất gần đây nhất của Ngân hàng Nhà nước trong tháng 10, các hiệu ứng tích cực đã xuất hiện như tăng trưởng tín dụng có sự cải thiện đáng kể.

Chỉ riêng trong nửa đầu tháng 11, tín dụng đã tăng tới 1% so với cuối tháng 10, tương đương gần 90.000 tỷ đồng được bơm ra nền kinh tế. Song song, với đó là sự cải thiện ở các chỉ số về doanh thu bán lẻ, chỉ số sản xuất công nghiệp của tháng 11.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top