Tôi là tác giả bài: “Tôi không muốn sống chung với cha mẹ chồng”. Cảm ơn mọi người dành thời gian chia sẻ cùng tôi.
Hôm nay tôi viết thêm bài này muốn chia vui với các bạn, vợ chồng tôi mới mua được căn chung cư nho nhỏ chào đón baby sắp ra đời. Chúng tôi yêu nhau từ đầu cấp ba, vô đại học anh theo gia đình qua Mỹ, tôi mừng cho anh. Tôi nói chỉ có cái chết mới sợ, còn sống ở đâu mà vẫn nghĩ tới nhau là được, tôi không ngại yêu xa. Sau đó, anh cứ đều đặn về thăm tôi.
Trước khi tôi tốt nghiệp đại học ở Việt Nam, anh về thuyết phục tôi làm hồ sơ qua Mỹ du học để hai đứa gần nhau rồi lập nghiệp bên đó. Mẹ anh gọi điện về, vui vẻ kêu tôi qua Mỹ và bảo gia đình sẽ giúp đỡ tôi. Lúc đầu tôi không đồng ý vì ba mẹ tôi không dư dả, phải nuôi tôi 4 năm đại học là quá đủ rồi. Thế nhưng tôi mà không qua, hai đứa muốn lâu dài thì anh học xong sẽ phải về Việt Nam. Suy đi nghĩ lại tôi quyết định ôn thi và làm hồ sơ, sau tốt nghiệp 3 tháng, tôi đặt chân đến Mỹ. Ba mẹ tôi giúp tiền học phí kỳ đầu, sau đó tôi tự lo.
Bài trước tôi chưa nói rõ, tôi qua Mỹ hơn 5 năm nhưng ở chung với gia đình anh hơn một năm đầu, tôi có gửi tiền ăn. Sau đó tôi ở riêng, vừa học vừa làm, không nhận trợ cấp từ ai. Nhiều bạn nói tôi kiếm tí tiền đã ra vẻ ta đây, không xem ai ra gì. Nếu tôi thực sự nghĩ nhiêu đó tiền là nhiều thì đã chẳng bận tâm tới cách chi tiêu để rồi viết bài hỏi ý kiến mọi người. Tôi không hề cố ý nhấn mạnh vào tiền lương, chỉ muốn nói mẹ chồng thay đổi thái độ từ lúc chồng tôi kiếm được việc làm, hai đứa cưới và tôi bắt đầu thực tập đúng chuyên ngành. Những điều này xảy ra đúng thứ tự trong vòng hơn một năm. Có thể những việc trên cộng lại làm bà hết xem thường tôi, không coi tôi là đứa ăn bám, tôn trọng tôi và gia đình tôi hơn.
Có bạn nói chắc từ khi vợ chồng tôi chuyển ra ngoài ở, mẹ chồng rảnh hơn nên có nhiều thời gian nấu nướng hơn, điều này không đúng. Từ lúc tôi chưa qua ở chung cho đến giờ đã mấy năm rồi, mẹ chồng chỉ đi làm rồi về, không phải lo việc nấu nướng, ba chồng tôi lo hết. Ba chồng đi làm ca đêm (12 tiếng mỗi ngày), 3h sáng về, ngủ 3 tiếng, 6h sáng dậy nấu ăn cho nhóc em, chở nó đi học, về tiếp tục nấu cho vợ. Có những món mẹ chồng ăn nhưng em trai chồng không ăn được, phải nấu riêng, bà nhất quyết không chịu đổi món vì con. Từ khi tôi ở chung đã dậy sớm phụ ba, mẹ dậy lướt điện thoại rồi vào ăn. Sau đó nếu không đi học thì tôi cùng đi làm với bà. Tối 7-8h về tôi với anh nấu ăn, dọn dẹp (xin nhắc lại là mẹ chồng tôi không phải đụng tới việc gì ở nhà), sau đó tôi tiếp tục học bài tới tận 12h đêm là chuyện thường. Tôi vừa đi làm nail, vừa làm gia sư trên trường, có kỳ lấy 6 môn học, về nhà lại gặp mẹ chồng than vãn, giận lẫy, thực sự rất mệt mỏi.
Thực lòng mà nói tôi không có nhiều kinh nghiệm xử lý các mối quan hệ gia đình, từ nhỏ tới lớn chưa gặp gia đình nào giống nhà anh nên sốc khi mới ở chung. Không biết có anh chị em nào có người mẹ như này không; ngồi vào bàn ăn là mẹ anh bảo thích ăn cái này cái kia, món nào bà không thích là gắp cho chồng con. Nhiều lần mọi người cùng dọn cơm, mình bà lướt điện thoại chờ xong xuôi rồi vào ăn. Trước đây tôi không hiểu lý do vì sao bà cư xử như vậy, giờ đã hiểu. Bà làm có tiền hơn những người khác trong nhà nên cho rằng ai làm ít tiền hơn thì phải cáng đáng việc gia đình, dù công việc người đó cực nhọc hơn.
Ba mẹ đẻ tôi tiết kiệm có tiếng, thích đầu tư chứ không hưởng thụ, lương nhân viên ba cọc ba đồng mà giờ có nhà đất dư dả, về hưu vẫn có tiền ra tiền vào, không là gánh nặng con cái, không cần con cái chu cấp. Tôi thấy ba mẹ chồng nhiều khi sĩ diện hão làm khổ gia đình. Lần về Việt Nam chơi, ông bà đi sắm đồng hồ, túi xách, quần áo hàng hiệu, điện thoại đời mới đổi hai năm một lần. Nhiều lần nhà anh trì hoãn đám cưới chúng tôi, mẹ anh than là còn phải chuẩn bị vòng vàng cho cô dâum tốn kém lắm. Tôi nói nhà con không đòi hỏi gì cả, ba mẹ làm sơ sơ, có lệ là được rồi. Bà bảo phong tục người ta vậy, sao sơ sơ được. Tôi kể mẹ ruột nghe, mẹ bảo chắc mẹ chồng chỉ buộc miệng than vậy thôi chứ không có ý gì. Nếu không phải vì sĩ diện, sợ mất mặt là Việt kiều thì còn lý do gì nữa đây? Đám cưới chúng tôi tự lo từ A đến Z, không phiền cha mẹ hai bên, lo luôn tiền vé máy bay của em anh. Ngày chọn món, mẹ anh kêu chọn tôm hùm cho sang, chúng tôi vẫn làm theo ý bà.
Bố mẹ chồng hay than vãn không đủ tiền mua nhà nhưng không thấy tiết kiệm, chi tiêu không hợp lý, hay mua vé số mong trúng để có tiền mua nhà. Đáng lý tôi không quan tâm chuyện nhà chồng, thế nhưng một lần thấy anh ngồi suy tư, tôi hỏi thì anh nói gia đình lớn lo chưa xong giờ còn phải lo gia đình nhỏ. Nếu ba mẹ anh chịu suy nghĩ một chút thì con cái đã không phải lo nghĩ như vậy. Đó là lý do vì sao tôi thấy tội lỗi khi đòi ở riêng rồi quyết định viết bài viết trước để tham khảo ý kiến các bạn.
Tôi chịu ơn gia đình anh nhiều, nhưng chẳng lẽ chịu ơn là không được phép lên tiếng những điều mình cho là phải? Hơn nữa kể từ khi tôi biết cái ơn mình đang mang là có tính toán thì thật mệt mỏi, bế tắc. Ngày trước đi làm chung với mẹ chồng, tôi nghe bà nói với cô làm cùng là sẽ mua nhà ở chung cả gia đình, có vợ chồng tôi nữa (bà biết tôi nghe được). Cô đó nói chị tính vậy nhưng tụi trẻ ở Mỹ thích không gian riêng, chưa chắc đã chịu, em cũng không thích ở chung với con em. Bà mới đanh giọng trả lời: "Tại em qua đây lâu rồi ở riêng được, vợ chồng tôi qua đây trễ, làm vậy sao mua nhà nổi. Mấy đứa nó phải ở chung để phụ giúp thì mới có nhà ở được chứ". Tôi mới vỡ lẽ ra ông bà ngỏ ý kêu mình qua Mỹ là vì sao. Từ đó tôi ám ảnh chuyện nhận sự giúp đỡ của người khác, sợ những cái tốt nửa vời như vậy.
Chưa kể một khoảng thời gian dài tôi bị những người xung quanh anh xem thường, cho rằng tôi có phước và may mắn lắm mới được anh rước qua đây. Vì thế không tránh khỏi ba mẹ anh cũng nghĩ về tôi và nhà tôi thế, trong khi sự thực là anh phải năn nỉ tôi qua. Một đứa có tự trọng, tự ái cao như tôi đã phải nỗ lực nhiều để đứng lên trước sự xem thường của người khác, vượt qua trầm cảm khi không gia đình và bạn bè thân thích. Từ việc muốn mua một cái cột tóc không dám, giờ tôi có thể mơ đến cái nhà, cái xe. Tôi có quyền tự hào về những gì mình làm được.
Quyết định ra ngoài tự lập không nhờ vả của tôi 4 năm trước là đúng đắn; bằng chứng là mẹ chồng thay đổi, gia đình vui vẻ, tuần tụ tập 1-2 lần, không chạm mặt hàng ngày đỡ xích mích. Kết lại bài viết này, tôi chỉ muốn cổ động chị em phụ nữ hãy tự tìm cách đứng trên đôi chân của mình để không bị nhà chồng xem thường, để có tiếng nói, có khả năng quyết định làm những gì mình muốn. Cảm ơn mọi người đã dành thời gian đọc hết bài viết này.
Thư
Độc giả gọi vào số09 6658 1270để được hỗ trợ, giải đáp thắc mắc