So với khóa 11, lần đầu tiên các đại diện đến từ lĩnh vực kinh tế đã xuất hiện rõ nét trong cơ cấu Bộ Chính trị khóa 12.
Họ là những gương mặt mới: ông Hoàng Trung Hải, Phó thủ tướng; ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương; ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước; ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.
Đó cũng chính là một điểm mới - khiến những người làm kinh tế, các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cảm nhận gần gũi hơn, khi trong Bộ Chính trị xuất hiện những đại diện đã làm việc, gắn bó và đồng hành một cách trực tiếp với họ trong thời gian qua.
Đó là những vị lãnh đạo đã dày dạn kinh nghiệm trong các lĩnh vực kinh tế trọng điểm.
Như Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải, người trưởng thành từ doanh nghiệp, từng kinh qua các vị trí lãnh đạo tại doanh nghiệp, nhiều năm làm lãnh đạo cao cấp bộ chuyên trách ngành công nghiệp.
Tương tự, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, người đứng đầu một ngành kinh tế trọng điểm và bộn bề 5 năm qua, cũng đã có hàng chục năm kinh nghiệm thực tế công tác, lãnh đạo điều hành tại các tập đoàn, tổng công ty lớn của Nhà nước.
Trong khi đó, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ là một nhà kinh tế có nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy chuyên môn tài chính - kế toán, trước khi đảm nhiệm vị trí cao nhất tại Kiểm toán Nhà nước. Đặc biệt, ông Huệ cũng đã từng đảm nhiệm vị trí Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Cũng rất đáng chú ý, là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam, một lãnh đạo trưởng thành và đi lên từ ngành ngân hàng - huyết mạch của nền kinh tế - được bầu vào Bộ Chính trị.
Và với đặc thù ngành, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước là một vị trí có nhiều cơ hội để trải nghiệm, thậm chí đã (được) va đập mạnh mẽ với nhiều điểm nóng trong 5 năm qua.
Dĩ nhiên, để được tín nhiệm bầu vào đảm trách cương vị mới, trải nghiệm và va đập với thị trường thì chưa đủ, mà quan trọng hơn là phải thành công với thực tiễn.
Như ở vị trí Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, nhiệm kỳ 5 năm qua gắn liền với việc xử lý nhiều vấn đề, bất cập và xáo trộn với diễn biến của lãi suất, tín dụng, tỷ giá, vàng, nợ xấu, tái cơ cấu, rủi ro đạo đức, rủi ro pháp lý…, cùng những cú sốc có tần suất ngày càng dày hơn đến từ tác động bên ngoài.
Ở cương vị mới, những ủy viên đến từ các lĩnh vực kinh tế trong cơ cấu Bộ Chính trị hiện nay đều có được nền tảng chuyên môn và kinh nghiệm. Họ vừa là một điểm mới, vừa tạo thêm kỳ vọng trong lòng công chúng.
Quốc gia muốn mạnh thì kinh tế phải vững. Muốn có kinh tế vững, đội ngũ lãnh đạo cao nhất dĩ nhiên không thể thiếu vắng những gương mặt am hiểu, nhiều kinh nghiệm và thành công trong thực tiễn.
Post a Comment