Nếu tham nhũng đã trở thành virut dịch bệnh thì bộ máy quản lý không khác mấy một hệ thống đã suy giảm chức năng miễn dịch. Không chỉ tham nhũng, mà lạm quyền cũng sẽ nhanh chóng phát triển như các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Phần 1: Khi mối nguy đến từ lãnh đạo ( Phần 1 )
Phần 2: Sự tiếp tay của cơ chế
Cơ chế ‘xin-cho’
Cơ chế ‘xin-cho’ hiểu nôm na là Nhà nước có một định lượng chỉ tiêu dự án kinh tế, xã hội, nguồn vốn đầu tư, được giao về hàng năm cho các ban, ngành, tỉnh. Tháng 11/2015 vừa qua, dự án Quốc lộ 1A dư 14.000 tỷ đồng khiến các địa phương đua nhau xin dự án.
GS Trần Phương cho hay ‘xin-cho’ là sản phẩm của cơ chế kế hoạch hóa tập trung, thậm chí đồng nhất với cơ chế này, do đó mà được gọi là cơ chế ‘xin-cho’, theo Vneconomy.
Trên báo Lao động, TS Nguyễn Quang A viết: “Trong khoa học kinh tế (và có lẽ trong các khoa học xã hội khác) không có cái gọi là “cơ chế xin-cho”. Nó là thuần Việt. Chưa có ai định nghĩa cơ chế này một cách tường minh. Người ta thường hiểu là: “bên xin” (thường là cấp dưới, người dân, hay doanh nghiệp) xin “bên cho” (thường là cấp trên, các cơ quan nhà nước) cái gì đó mà “bên cho” có quyền quản lý (có thể lại là một “cơ chế” nào đó mà địa phương xin trung ương chẳng hạn, có thể là quyền kinh doanh, tài nguyên hay nguồn lực gì đó) và bên cho có thể cho hay không cho”.
Nên tồn tại cơ chế ‘xin-cho’ rồi, lại tiếp tục làm nảy sinh nhiều chi phí bất hợp lý khác, như chi phí “vẽ” dự án, chi phí đi xin, chi phí duyệt cho… tóm lại là cơ chế đi cửa sau. Khi đã đi cửa sau được thì doanh nghiệp còn “sợ” gì mà không có những sai phạm.
‘Nước đục, cò cũng béo’
Trên chuyên trang Người đồng hành, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng nếu thành phố có quy hoạch phân khu, chi tiết thì không còn những hiện tượng như câu chuyện nhà 8B Lê Trực. Những sai phạm nghiêm trọng trong xây dựng tại tòa nhà số 8B Lê Trực (phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội) bao gồm lấn khoảng không, xây cao vượt 16 m (tương đương 5 tầng), làm tăng diện tích sàn (vượt 6.126 m2) ngay giữa quận trung tâm.
Cũng theo trang Người đồng hành, cơ chế xin-cho kết hợp với tư duy nhiệm kỳ (hay còn gọi là “hoàng hôn nhiệm kỳ”) là một trong những nguyên nhân chủ yếu dẫn tới những nhà máy bỏ hoang, ký túc xá sinh viên không có người ở – tức vừa gây thâm hụt, vừa gây lãng phí ngân sách.
Chủ tịch UBND tỉnh, Giám đốc Sở… trước khi “hạ cánh”, trước khi về hưu, càng phải làm đơn xin dự án để tiền kịp giải ngân. Khi vốn rót về hết, quan chức cũng về, công trình bỏ hoang gây lãng phí hàng nghìn tỷ đồng.
Hiện ở tại tỉnh Quảng Trị có hàng chục cây cầu được khởi công xây dựng từ năm 2011 nhưng tới nay mới chỉ làm được phần trụ cầu, mố cầu… rồi bỏ để han gỉ. Lý do là đang xây thì trung ương ngừng rót vốn, dù số vốn đã được đưa về địa phương lên đến hàng trăm tỷ đồng.
Tại Quảng Nam, Tiền Giang, Bình Phước…, nhiều tỷ đồng ngân sách đã được duyệt chi cho những quan chức sắp về hưu sang nước ngoài để khảo sát, học tập kinh nghiệm làm du lịch, làm xổ số. “Mỗi đoàn đi nước ngoài mất một chiếc ôtô” (tương đương 700-800 triệu đồng), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho hay, theo Vnexpress. Nhưng chỉ trong một năm 2015, số lượng các đoàn đi công tác nước ngoài trên cả nước đã lên tới con số 2.105.
Danh sách các quan chức sắp về hưu của tỉnh Quảng Nam đi Nam Phi học tập kinh nghiệm du lịch, tháng 8/2015. (Nguồn: motthegioi.vn)
TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng cơ chế ‘xin-cho’ làm méo mó việc phân bổ nguồn lực.
“Rõ ràng nếu có cơ hội để xin thì ai cũng sẽ cố gắng xin cả. Xin không phải lúc nào cũng được, nhưng không xin thì không bao giờ được. Muốn xin thì buộc người ta phải “vẽ” ra dự án. Mà như vậy thì cơ chế xin-cho, tự nó đã làm cho việc phân bổ nguồn lực bị méo mó…”, TS Nguyễn Sĩ Dũng trao đổi với báo Tiền Phong.
Thực tế, theo đà của cơ chế ‘xin-cho’, các đơn vị hành chính của tỉnh cũng đều cố gắng ‘xin’ cấp vốn từ xây nhà hành chính đến quảng trường tượng đài, xin từ dự án trường học tới tiền trả lương cho giáo viên. Trong vụ việc “vỡ ngân sách” do chi tiêu quá đà của TP Cà Mau và Thành ủy Bạc Liêu, tỉnh Cà Mau và thành phố Bạc Liêu lại ứng ngân sách để chi lương và kinh phí hoạt động, yêu cầu hẹn ngày hoàn trả…
Đón xem: Phần 3 – “Không ai muốn giảm biên chế cả”
Phan A / EpochTimes
Posted by Viet Anh
Post a Comment