Tôi là một độc giả của VnExpress, đặc biệt rất thích mục tâm sự. Thời gian gần đây tôi đọc tất cả các bài viết liên quan, thậm chí là những góp ý, ý kiến của bạn đọc về câu chuyện của hai anh em. Thật ra, tôi là một người khá trầm tính, hoàn toàn không thích đăng bài viết của mình lên chuyên mục này nhưng khi đọc đến bài: “Anh trai tránh mặt từ khi biết tôi gây tội với bạn gái anh” thì tôi thật sự không thể không viết gì. Tính cách hai anh em trong câu chuyện sao giống anh em tôi quá. Với những cảm nhận, những đau khổ mà mình đã trải qua, tôi xin chia sẻ ý kiến cá nhân, cũng như tâm sự một chút cho lòng nhẹ hơn.

Tôi là một người sống trầm tính, thiên về tình cảm hay lo hay nghĩ nên thời sinh viên và cả thời gian trước khi lấy vợ, cuộc đời đối với tôi là một chuỗi ngày dài của sự lo lắng và buồn. Tôi lo lắng, buồn phiền không phải vì bản thân mà hoàn toàn là vì thằng em này. Nói ra thì mọi người cho là tôi nói quá nhưng không hiểu sao lúc đó tôi chăm lo cho nó đến thế.

Nhà tôi có bảy chị em tất cả, tôi là con trai lớn, có ba chị và ba em. Thằng em tôi là trai út. Từ nhỏ mấy chị em tôi đã được sự dạy bảo rất nghiêm khắc của bố mẹ nên ai cũng học hành tương đối, chỉ có mỗi thằng em trai út là bố mẹ tôi hoàn toàn bất lực, không dạy bảo được nó. Nó học rất yếu và nghịch phá nên ở lại lớp rất nhiều. Bố mẹ tôi mới nghĩ cách đưa nó đến nơi dì dượng tôi để học. Bởi dượng tôi là giám thị của một trường cấp 3 gần thành phố nơi tôi học. Tôi học Sư phạm, năm thực tập cuối cùng liền chọn ngay lớp thằng em tôi đang học để chủ nhiệm lớp. Đây thực sự là ác mộng của tôi. Tính nó lầm lì, ít chịu học, lại thích bạo lực.

Oái ăm thay, nó không thèm gây sự với những đứa ngỗ nghịch như nó mà lại cứ lấy những đứa học giỏi hay lớp trưởng của những lớp khác ra mà đánh. Tôi học hành cũng tương đối nên được làm phó đoàn thực tập, cô giáo trưởng đoàn và các giáo viên trong trường tôi thực tập ít nhiều cũng dành cho sự ưu ái nhưng đến một hôm nó đánh thằng lớp trưởng lớp bên cạnh thì bà cô chủ nhiệm đã không chịu bỏ qua. Thế là hôm đó tôi phải xin lỗi hết người này đến người nọ, xin lỗi ở trường xong lại phải về nhà học sinh xin lỗi. Việc không xong là nó sẽ bị đuổi học ngay, vừa buồn, vừa mệt, vừa tức.

Rồi lâu lâu nó lại đập vỡ gương của trường, nghĩ đến cảnh một thằng sinh viên như tôi vừa dạy cả ngày mệt lử, chiều tối lại lủi thủi đi tìm thợ sửa cửa gương mà nản. Có lúc vì tức mà tôi đánh nó đến nhừ tử, xong rồi đâu lại vào đó, nó lại tụ tập bạn bè lêu lổng, chẳng lo học hành. Dượng tôi dù là giám thị một trường cấp 3 cũng đành bất lực trước nó. Ông mệt mỏi và ớn đến tận cổ vì nó gây ra không biết bao nhiêu rắc rối, muốn từ chối không lo cho nó mà ngại với mẹ tôi. Rồi việc gì đến cũng đến, một hôm, dượng đã mượn rượu để chửi nó một trận trước mặt mẹ và tôi, ông nói hết cảm xúc mình ra. Tôi và mẹ biết thế vừa xấu hổ, vừa tức thằng em này. Thế là đưa nó về quê, nó nghỉ học.

Tôi cũng ra trường, đi làm. Nhà tôi khá giả, nhưng bố mẹ nản vì thằng con này nên không muốn lo cho nó nữa, nó làm gì thì làm. Nhưng tôi lại không thể, tôi nặng lòng quá. Bây giờ nghĩ lại tôi ám ảnh cái cảnh tối nào cũng ngồi trước sân chờ nó đi chơi về, cứ nghe ồn ào trước ngõ là thế nào cũng xảy ra chuyện đánh nhau, gây sự, có khi lại nghe nó lái xe tông người…, có hôm chờ mãi nó có chịu về đâu. Chắc mọi người không tin chứ hôm nào nó ở nhà ngủ không đi đâu là lòng tôi lại vui vô cùng. Tôi đi làm có bao nhiêu tiền đều dành dụm riêng để đưa nó vào thành phố học nghề, thế mà nó lại lấy tất cả tiền tôi đưa vào đó ăn chơi hết rồi về. Nó lừa tôi như lừa một đứa trẻ.

Ngày tháng cứ rồi qua với những vụ đánh nhau, nhậu nhẹt, quậy phá của nó. Đỉnh cao của sự việc là ngày chị tôi cưới chồng, cả nhà đưa chị gái về nhà chồng, chỉ có chị hai, chị ba ở nhà, thế là nó nhậu say, bóp cổ hai chị tôi đến gần chết. Khi về nhà nghe thế, tôi không chịu được nữa đánh cho nó một trận. Nhưng đánh để làm gì khi đầu óc nó chẳng sáng ra, nó chẳng chịu nghĩ lại.

Quả thật đối với một con người đến lứa tuổi này mà để dạy bảo, thay đổi là sự hoang tưởng, có chăng hãy để họ gặp một sự cố nào đó may ra mới tỉnh ngộ. Hãy để bản thân nó tự giải quyết, định đoạt số phận mình. Từ đó tôi không hề lo lắng gì cho nó nữa, nó quậy phá, đụng đến người thân, nếu có tôi, tôi đánh một trận. Còn không có tôi, tôi dặn người nhà báo công an. Thế là xong. Thật ra trong thâm tâm, tôi cũng không thể nào nhẹ lòng được, cộng thêm những việc buồn phiền khác từ bố mẹ nên tôi quyết định ra ngoài ở. Ai cũng có một cuộc đời, ai cũng chỉ sống một lần và tôi không thể phí cuộc đời của mình cho những người khác, cho thằng em không xứng đáng này.

Đối với những thằng em như thế này thì không mong gì ở nó được. Tôi cưới vợ và nghĩ ngay đến cảnh về ở chung nhà, tôi không yên tâm. Đối với chị tôi, nó còn bóp cổ gần chết như thế thì vợ tôi ốm yếu, không biết việc gì xảy ra. Thế nên ngày có vợ tôi chỉ về nhà đúng hết buổi lễ, xong là tôi đưa vợ ra ở cửa hàng của tôi ngay (tôi vừa dạy học vừa tự kinh doanh máy tính thêm).

Cả câu chuyện tôi ít nói về bố mẹ, không phải bất hiếu không thương bố mẹ, chỉ không muốn nói điều không tốt về người sinh thành ra mình. Không biết ai có cũng cảm nhận như tôi không, thời gian ở ngôi nhà đó, tôi thật sự thấy bế tắc và đau khổ. Đêm nào tôi cũng suy nghĩ, cũng ước mơ, mơ về một gia đình không cần giàu có, chỉ bình yên thôi. Không đêm nào tôi ngủ ngon giấc, thậm chí có lúc tôi nghĩ đến cái chết, nghĩ đến câu mà tôi sẽ để lại cho thằng em và bố mẹ tôi: Hãy sống vì người khác một chút!

Tôi viết ra đây là muốn nói với người anh trong câu chuyện: Hãy sống vì người mình yêu thương, vì người xứng đáng nhận sự yêu thương. Những kẻ ích kỷ thì đừng mong họ sống vì người khác, đừng mong thay đổi họ. Cũng giống như thằng em tôi, hãy để cho cuộc đời dạy nó, hoặc sẽ có lúc nó tự tỉnh lại, còn nếu nó không tự tỉnh lại thì sẽ nhận quả báo mà thôi.

Tân

Post a Comment

 
Top