Đó là ý kiến của giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm dự án Văn hóa giao thông trước việc CSGT Hà Nội tiến hành "xử phạt" người đi bộ.
Phòng CSGT Đường sắt – Đường bộ (Công an TP Hà Nội) cho biết: Từ ngày 1/2/2016 sẽ tập trung kiểm tra, xử phạt người đi bộ vi phạm luật giao thông tại các nút giao thông trọng điểm có đèn tín hiệu giao thông, vạch sơn và cầu vượt cho người đi bộ, trên các tuyến cấm người đi bộ…
Đây thực sự là chủ trương đúng nhằm chấn chỉnh ý thức của người đi bộ khi tham gia giao thông. Bởi thực tế đã có nhiều vụ tai nạn giao thông liên quan đến người đi bộ.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng ngoài nguyên nhân chủ quan do ý thức của một bộ phận người đi bộ còn kém, thì vẫn tồn tại nguyên nhân khách quan như: Cơ sở hạ tầng giao thông có nơi chưa đầy đủ và đồng bộ như vạch sơn, đèn tín hiệu cho người đi bộ sang đường; phần đường, vỉa hè dành cho người đi bộ bị lấn chiếm.
Thực trạng chiếm dụng vỉa hè trái phép được nhiều người phản ánh, từ đó nhiều người cho rằng "muốn đi bộ đúng luật" cũng khó ở Hà Nội.
Đúng vậy, theo ghi nhận của PV tại nhiều tuyến phố ở Hà Nội, tình trạng chiếm dụng vỉa xuất hiện nhan nhản. Người đi bộ dù muốn tôn trọng luật giao thông cũng... không có cơ hội. Bởi nhiều vỉa hè trên các tuyến phố đều đã bị chiếm làm nơi kinh doanh buôn bán hoặc trông giữ xe.
Trao đổi về vấn đề này, Giáo sư Hoàng Chương – Chủ nhiệm Dự án văn hóa giao thông, cũng là người có nhiều năm nghiên cứu về giao thông Hà Nội cho rằng: "Muốn xử phạt người đi bộ, điều trước tiên Hà Nội cần giải quyết là trả lại vỉa hè thông thoáng cho người đi bộ".
"Tôi ủng hộ việc xử phạt người đi bộ tại những nút giao thông, sang đường khi chưa có đèn xanh để tạo ra quy củ. Tuy nhiên, hiện nay vỉa hè giành cho người đi bộ bị chiếm dụng hết. Vậy người ta không đi xuống lòng đường thì đi vào đâu?" – GS Hoàng Chương nói.
Lấy ví dụ cụ thể, GS Hoàng Chương cho biết ngay trên các phố cổ tình trạng chiếm dụng vỉa hè cũng rất nhức nhối.
"Vỉa hè là giành cho người đi bộ, nhưng ở Hà Nội vỉa hè hầu như bị chiếm làm hàng quán, làm bãi trông xe. Người đi bộ lấy đâu ra chỗ để đi đúng luật?" – GS Chương nói thêm.
Từ những điều trên, GS Hoàng Chương đưa ra nhận định, Hà Nội cần giải quyết tốt vấn đề vỉa hè trước khi xử phạt người đi bộ.
Theo PC67 - Công an Hà Nội: Từ ngày 1-2, Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP. Hà Nội) tiến hành xử phạt người đi bộ không tuân thủ luật giao thông như: đi không đúng làn đường, không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường...
Đại diện của phòng PC67 cho biết, trong thời gian qua, tình trạng người đi bộ tham gia giao thông vi phạm và không chấp hành các quy định về trật tự an toàn giao thông như đi qua đường không đúng nơi quy định, vượt qua dải phân cách, đi vào đường cao tốc.
Người điều khiển xe mô tô đi vào đường cấm, đi ngược chiều, vượt đèn đỏ, dừng đỗ sai quy định, chở 3 - 4 người tham gia giao thông gây nguy hiểm, là nguyên nhân gây cản trở giao thông và tai nạn trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Theo đó cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 đồng đến 60.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm như: đi không đúng phần đường quy định; không chấp hành hiệu lệnh hoặc chỉ dẫn của đèn tín hiệu, biển báo hiệu, vạch kẻ đường; Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông, người kiểm soát giao thông.
Phạt tiền từ 60.000 đồng đến 80.000 đồng đối với một trong những hành vi vi phạm như: Mang vác vật cồng kềnh gây cản trở giao thông; Vượt qua dải phân cách; Đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không đảm bảo an toàn; Đu bám vào phương tiện giao thông đang chạy.
Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với người đi bộ đi vào đường cao tốc, trừ người phục vụ việc quản lý, duy trì đường cao tốc.
Post a Comment