Hiện nay các kênh truyền thông đưa rất nhiều thông tin về bầu cử tổng thống Mỹ, tuy nhiên rất ít trong số người Việt Nam chúng ta biết được sự khác biệt căn bản giữa đảng Dân chủ và Cộng hòa, đặc biệt là các vấn đề đối nội của chính nước Mỹ. Dưới đây là một số khác biệt cơ bản giữa hai đảng này.
Đảng Cộng hòa
Đảng Cộng hòa được thành lập vào năm 1854 bởi những người theo chủ nghĩa bãi nô (bãi bỏ chế độ nô lệ) và một số thành viên cũ của đảng Whigs. Đảng nắm quyền lần đầu vào năm 1860 khi Abraham Lincoln đắc cử tổng thống và chiến thắng trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ. Ở Mỹ người ta còn gọi đảng Cộng hòa tên thân mật là GOP (Grand Old Party). Biểu tượng của đảng Cộng hòa là con voi.
Trải qua nhiều tư tưởng chính trị từ lúc thành lập đến nay, nhìn chung tư tưởng chính trị của Đảng Cộng hòa có xu hướng bảo thủ và xoay quanh việc duy trì các giá trị truyền thống. Trong điều hành họ có chủ trương chính phủ nhỏ (small government) – tức là tối thiểu hóa việc can thiệp hay thành lập các cơ quan của chính phủ để điều hành. Họ ủng hộ nền kinh tế thị trường, hạn chế tối thiểu sự can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế, mức thuế thấp, thắt chặt nhập cư, chống nạo phá thai, chống hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính, chống kiểm soát súng.
Do có xu hướng bảo thủ nên đa số những người theo tôn giáo thường ủng hộ đảng Cộng hòa. Các bang phía Nam thường có truyền thống ủng hộ đảng Cộng hòa.
Hiện có 19 vị Tống thống đến từ đảng Cộng hòa, nổi bật nhất là Abraham Lincoln. Ông là người có công lớn trong việc xóa bỏ chế độ nô lệ ở Mỹ vào thế kỷ 19. Ông phục vụ từ 1861 đến khi bị ám sát vào năm 1865 khi đang trong nhiệm kỳ thống thống thứ hai. Tổng thống gần nhất thuộc đảng Cộng hòa là George W. Bush.
Đảng Dân chủ
Đảng Dân chủ được thành lập vào năm 1828 bởi Andrew Jackson và có gốc rễ lâu đời từ Tổng thống Thomas Jefferson. Đảng Dân chủ được coi là một trong những chính đảng lâu đời nhất thế giới. Với ý thức hệ là tự do, đảng Dân chủ ủng hộ công bằng xã hội, công bằng kinh tế, cơ hội bình đẳng, nền kinh tế thị trường có sự can thiệp của chính phủ. Biểu tượng của đảng Dân chủ là con lừa.
Đảng Dân chủ có chủ trương đánh thuế lũy tiến đối với những người có thu nhập cao, cũng như chủ trương về phúc lợi xã hội, họ còn ủng hộ hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, ủng hộ nạo phá thai, ủng hộ kiểm soát súng, bảo vệ môi trường, chính sách nhập cư thông thoáng.
Với ý thức hệ là tự do và tạo công bằng nên đảng Dân chủ được ủng hộ bởi những người thiểu số, tầng lớp lao động, cộng đồng người đồng tính, đa phần cộng đồng người Mỹ gốc Phi, người Mỹ gốc Latin (Hispanic). Vùng phía đông bắc nước Mỹ là vùng có tỷ lệ cử tri ủng hộ đảng Dân chủ mạnh nhất.
Hiện nay đảng này cũng có số lượng người ủng hộ lớn nhất nước Mỹ, tính đến thời điểm 2012, có 43,1 triệu người theo đảng Dân chủ. Có 15 tổng thống Mỹ từ đảng Dân chủ, tổng thống đầu tiên là Andrew Jackson, nắm quyền từ 1829 đến 1837. Tổng thống đương nhiệm Barack Obama cũng là từ dảng Dân chủ, ông nắm quyền từ năm 2009.
Khác biệt cơ bản giữa hai đảng
Các vấn đề về xã hội
Vấn đề về xã hội thể hiện khác biệt rõ ràng nhất giữa hai Đảng.
Nạo phá thai: Đảng Cộng hòa phản đối việc nạo phá thai (pro life) dựa trên quan điểm đạo đức và tôn giáo. Họ cũng phản đối việc tài trợ cho các hoạt động phá thai.
Ngược lại đảng Dân chủ do theo xu hướng tự do nên coi việc nạo phá thai là vấn đề tự do cá nhân (pro choice). Lập luận của họ cho rằng phụ nữ độc lập và biết làm thế nào tốt nhất cho bản thân mình và có quyền xem xét liệu việc nạo phá thai là phù hợp đạo đức hay không. Họ cũng khuyến khích chính phủ hỗ trợ cho những phụ nữ nghèo trong những trường hợp như vậy. Họ muốn giảm việc nạo phá thai thông qua các hình thức nâng cao nhận thức sức khỏe và giới tính.
Nhập cư: Nhập cư đây chủ yếu nói về những người nhập cư bất hợp pháp. Những người này đến nước Mỹ theo con đường bất hợp pháp nên không có giấy tờ tùy thân và cư trú cũng như làm việc bất hợp pháp tại đây. Cộng đồng gốc Mỹ Latin (Hispanic) chiếm đa số những người nhập cư này. Nhiều chính trị gia đảng Dân chủ kêu gọi cải tổ một cách hệ thống nhập cư của Mỹ nhằm giúp đỡ những người nhập cư bất hợp pháp này có một lộ trình thích hợp để trở thành cư dân hợp pháp của Mỹ. Nhưng đảng Cộng hòa vốn bảo thủ thường phản đối những dự luật như vậy khi đưa ra quốc hội. Mới đây ứng cử viên Tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump muốn xây bức tường giữa biên giới Mỹ và Mexico để hạn chế người nhập cư bất hợp pháp, nó cũng phản ánh quan điểm bảo thủ của đảng Cộng hòa về vấn đề này.
Hôn nhân đồng tính: Tương tự như các vấn đề khác, do theo đường lối tự do nên Đảng Dân chủ ủng hộ hôn nhân đồng giới, còn đảng Cộng hòa vốn bảo thủ nên phản đối vấn đề này. Lý do là nhiều thành viên đảng Cộng hòa theo tôn giáo – không cho phép hôn nhân đồng giới. Đảng Cộng hòa có lịch sử chống lại việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính. Vào năm 2004 và 2006, đảng Cộng hòa đã từng đưa ra dự luật về hôn nhân, đề nghị sửa đổi bổ sung phần định nghĩa về hôn nhân chỉ là giữa người nam và nữ. Tuy nhiên đạo luật này không được thông qua. Với quyết định của Tòa án Tối cao Hoa Kỳ hợp pháp hóa hôn nhân đồng tính vào năm 2015, đảng Cộng hòa mất đi một vấn đề chính trị quan trọng.
Kiếm soát súng: Những người bảo thủ thuộc phe Cộng hòa ủng hộ quyền sở hữu vũ khí và chống lại việc kiểm soát vũ khí. Họ cho rằng đó là quyền được ghi trong hiến pháp và không ai có quyền hạn chế điều này. Tuy nhiên đảng Dân chủ với nỗ lực kiểm soát bằng cách muốn đưa ra các đạo luật để hạn chế như phải tăng cường kiểm tra sức khỏe tâm thần thường xuyên với người sở hữu súng, hay công dân chỉ được sở hữu vũ khí hạng nhẹ… Tuy vậy những nỗ lực này không mấy thành công. Do đó ở Mỹ thường xảy ra những tai nạn súng ống và thường có những vụ giết người hàng loạt do những người có vấn đề tâm thần gây ra. Trong năm 2013 bạo lực súng ống đã gây ra 33.169 vụ chết người, trong đó 21.175 là tự tử bằng súng, 11.208 vụ là giết người, 505 vụ là do tháo lắp súng, 281 vụ là lý do không xác định.
Kiểm soát vũ khí là một vấn đề lớn trong chính trị Mỹ
Điều hành chính phủ và chính sách kinh tế
Quan điểm của Đảng Cộng hòa
Đảng Cộng hòa tin rằng, những thành tựu đạt được của từng cá nhân trong xã hội là nhân tố quan trọng cho việc đạt được thịnh vượng về kinh tế. Vì lẽ này mà họ bảo thủ trong vấn đề tài khóa, loại bỏ trợ cấp của chính phủ và khuyến khích trách nhiệm cá nhân của công dân. Đảng Cộng hòa tin rằng cá nhân nên tự chịu trách nhiệm cho chính mình. Họ cho rằng khối doanh nghiệp tư nhân sẽ hiệu quả hơn chính phủ trong việc giúp đỡ những người nghèo và những chính sách xã hội thường làm họ phụ thuộc vào chính phủ.
Vì lẽ đó mà Cộng hòa thì xét về một mặt nào đó sẽ công bằng hơn trong việc đánh thuế. Người thu nhập cao về cơ bản sẽ bị không bị đánh thuế suất cao như thuế lũy tiến của đảng Dân chủ. Họ cho rằng người có thu nhập cao thường chính là người tạo công ăn việc làm và của cải cho xã hội nên sẽ không công bằng khi đánh thuế cao vào nhóm người này. Thuế đánh thấp hơn để khuyến khích làm việc thay vì dựa vào trợ cấp xã hội. Họ ít có chủ trương về trợ cấp vì không muốn người ta ỷ lại vào trợ cấp mà không tích cực làm việc.
Đảng Cộng hòa cởi mở hơn về tự do thương mại, gồm các hiệp định thương mại nhằm giảm chi phí cho người tiêu dùng và tạo một môi trường kinh doanh bình đẳng khiến doanh nghiệp có nhiều cơ hội kinh doanh hơn. Thông thường họ ủng hộ những loại hiệp định này. Đây là một trong những lý do khiến đảng Cộng hòa thường được giới doanh nghiệp ủng hộ.
Quan điểm của Đảng Dân chủ
Đảng Dân chủ can thiệp sâu vào các vấn đề của nhà nước, của nền kinh tế, của thị trường hơn là để tự nó giải quyết. Đảng Dân chủ cho rằng chính quyền cần phải đóng vai trò chính trong việc giảm nghèo và xóa bỏ bất công xã hội, vì thế chính quyền nên được trao nhiều quyền hơn và thuế phải tăng nhiều hơn cho mục đích này.
Chủ trương cơ hội kinh tế bình đẳng và các chính sách phúc lợi xã hội là trọng tâm về vấn đề kinh tế của đảng Dân chủ. Họ ủng hộ thuế lũy tiến, tiền lương tối thiểu, bảo hiểm xã hội, giáo dục công, bảo hiểm sức khỏe, ủng hộ nghiệp đoàn để bảo vệ người lao động trước giới chủ.
Dân chủ đánh thuế theo thuế lũy tiến. Tức là ai thu nhập cao thì bị đánh thuế càng cao. Tăng phúc lợi cho những người thu nhập thấp. Họ ủng hộ cơ cấu thuế lũy tiến để tăng trợ cấp xã hội và giảm bất công trong kinh tế. Những người giàu nhất phải trả thuế cao nhất. Đảng Dân chủ ủng hộ việc chi tiêu nhiều cho dịch vụ xã hội và chi tiêu ít cho quân sự. Họ phản đối việc cắt giảm trợ cấp xã hội như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế Medicare, cho rằng điều này có thể gây hại với công bằng xã hội. Đảng Dân chủ tin rằng, những lợi ích của dịch vụ xã hội mang lại là nhiều hơn so với thuế thấp.
Đối với các hiệp định thương mại tự do, họ thường có chia rẽ trong nội bộ đảng. Nhưng thông thường họ không mặn mà lắm với lý do là bảo vệ công ăn việc làm cho người Mỹ.
Chính sách đối ngoại:
Tùy vào từng thời điểm mà chính sách đối ngoại của hai đảng sẽ thay đổi theo tình hình thực tế của thế giới. Trong những nhiệm kỳ tổng thống gần đây, nhìn chung đảng Dân chủ có quan điểm ôn hòa về chính sách ngoại giao hơn là Cộng hòa. Tuy vậy, trong quá khứ, đặc biệt là từ năm 1938 trở về trước, nước Mỹ lúc đó dưới quyền của tổng thống Franklin D. Roosevelt thuộc đảng Dân chủ, đã dịch chuyển chính sách không can thiệp thành ủng hộ việc can thiệp. Bằng cách ủng hộ quân đồng minh và đưa quân giúp đỡ trong thế chiến thứ 2.
Hiện nay Mỹ theo đuổi chính sách ngoại giao kết hợp trường phái thực dụng, tức là theo lợi ích quốc gia là trên hết, bất chấp việc đó có thích hợp với các quốc gia khác hay không. Họ cố gắng theo đuổi chính sách ngoại giao kết hợp với sức mạnh quân sự để thực hiện những sứ mệnh mà họ cho là có ích cho thế giới.
Những người ở Việt Nam và nhiều người nữa có suy nghĩ là Cộng hòa thì “diều hâu” hơn Dân chủ. Họ nghĩ Cộng hòa hay thích chiến tranh. Chính vì suy nghĩ này mà Đảng Cộng hòa bị nhiều người ở yêu chuộng hòa bình không có thiện cảm. Điều này không hẳn như vậy. Họ sẽ phát động chiến tranh nếu họ thấy cần thiết, bất kể họ là Dân chủ hay Cộng hòa. Giả sử vụ 11/9 diễn ra vào năm 2000 (dưới thời Bill Clinton), thì hẳn Bill Clinton cũng đưa quân vào Afghanistan để tiêu diệt Taliban. Tổng thống thuộc đảng Dân chủ Johnson phát động chiến tranh Việt Nam, đưa gần 1 triệu quân Mỹ vào Việt Nam, cũng chính đảng Dân chủ là đảng đưa ra thuyết can thiệp quốc tế vào các quốc gia khác (interventionism), chứ không phải đảng Cộng hòa. Nhưng nhìn chung thì Cộng hòa thường bảo thủ nên chính sách đối ngoại sẽ cứng rắn hơn Dân chủ.
“Chính quyền của dân, do dân và vì dân thì chính quyền đó sẽ không thể lụi tàn khỏi địa cầu này” – Abraham Lincoln
Nước Mỹ với lịch sử và nền dân chủ mới có hơn 200 năm đã trở thành siêu cường số một trên thế giới. Nền dân chủ này là mẫu hình cho các quốc gia khác noi theo. Và dẫu là Cộng hòa hay Dân chủ, thì khi trúng cử, chính quyền của họ đều phải phụng sự nhân dân, coi nhân dân là trên hết. Như trong câu nói nổi tiếng của Tổng thống Lincoln “chính phủ của dân, do dân và vì dân thì chính phủ đó sẽ không thể lụi tàn khỏi địa cầu này”.
Quang Huy ( ĐKN )
Post a Comment