Bạn đọc chắc chưa quên hình ảnh thầy giáo Trương Hoài Phương trường Trung học Phổ thông Chuyên Lê Quý Đôn tỉnh Bình Định mổ bụng mình trong kỉ niệm ngày thành lập trường vì bị trù dập do đấu tranh với tiêu cực trong nhà trường.

Thầy Tô Minh Vương giáo viên trường Tiểu học Phú Long (xã Phú Long, Phú Tân, An Giang) nhận mức kỷ luật cảnh cáo, bị khai trừ Đảng, buộc thôi việc vì đã cung cấp bằng chứng nhà trường dạy bồi dưỡng học sinh giỏi nhưng lại thu tiền cho đồng nghiệp.

Đặc biệt là hình ảnh thầy Đỗ Việt Khoa người tiên phong “nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, dù được vinh danh “Người đương thời” nhưng cũng bị buộc thôi việc trong oan ức…

Từ những dẫn chứng sống động ấy từ đồng nghiệp, giáo viên thường nhắc nhau: “Muốn yên ổn phải ghi nhớ 3 điều không: Không biết, không nghe và không nói”, kẻo “Chờ được vạ thì má đã sưng”.

Và đây là những điều cấm, dù nhiều điểm rất vô lý nhưng đang tồn tại trong trường học:

Bất kể trường học nào từ cấp Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở đến Trung học Phổ thông đều có những điều cấm mà giáo viên trong trường buộc phải ghi nhớ và tuân theo.

Điều lạ ở chỗ, những cái này không nằm trong Thông tư, quyết định hay văn bản nào nhưng giáo viên các trường đều được triển khai một cách thống nhất; không ít người nói: “Đó là những văn bản miệng của cấp trên nhưng có sức nặng ngàn cân”.

Thường thì trong các cuộc họp Chi bộ, họp hội đồng nhà trường, tất cả giáo viên đều được nghe Hiệu trưởng phổ biến những điều cấm đến thuộc lòng. Các sếp gọi đây là “văn hóa phát ngôn trường học”.

Nghĩa là, phát ngôn phải đúng đối tượng, đúng trách nhiệm (ví dụ: giáo viên tuyệt đối không được phép tiếp xúc với nhà báo khi họ đến trường ngoài Hiệu trưởng; không được phép cung cấp thông tin cho bất kì ai khi chưa được lệnh của Hiệu trưởng).

Cũng như mọi thông tin trong cuộc họp không được phép bàn tán bên ngoài…

Đặc biệt những chuyện về chuyên môn chỉ được phép nói mặt tích cực, những điều còn tồn tại không được bàn luận công khai, nếu ai đó có nói điều gì trái ngược cũng không được thể hiện trong biên bản hội đồng.

Nếu là đảng viên còn có quy định chặt chẽ hơn, họ thường đưa vào lý do “Những điều đảng viên không được làm” như việc phát ngôn không đúng lúc, đúng chỗ, dù đó là cuộc họp hội đồng.

Trong sinh hoạt chi bộ, cũng chẳng có mấy đảng viên dám nêu quan điểm thật của mình về phương pháp dạy học không hiệu quả hay nên bỏ chỉ tiêu khống chế để giáo dục phát triển hơn… bởi có nói cũng chỉ là ý kiến đơn lẻ, thiểu số, dễ bị cô lập vì vạ lây, bị chiếu tướng.

Cũng đã có không ít giáo viên thẳng tính bức xúc với những điều không đúng đã nói lên quan điểm của mình thì lập tức bị liệt vào diện “Tư tưởng chính trị chưa thông, nhận thức chuyên môn có vấn đề…”.

Khi giáo viên đã bị đánh giá nhận thức chuyên môn có vấn đề hay trình độ chuyên môn yếu kém thì kéo theo bao nhiêu hệ lụy, như việc liên tục bị Ban Giám hiệu dự giờ, góp ý, phê bình; bị liệt vào đối tượng cứng đầu, cần đề phòng. Bởi thế cũng chẳng có nhiều thầy cô dám chuốc vạ vào thân.

Giáo viên bị cấm đoán đủ điều nhưng Hiệu trưởng cũng chẳng hơn gì họ.

Một Hiệu trưởng bức xúc đã huỵch toẹt trước mặt nhiều giáo viên (dĩ nhiên là ngoài cuộc họp) chính họ cũng bị cấp trên quán triệt như thế và họ buộc phải quán triệt với giáo viên.

Dù được tiếp nhà báo, nhưng Hiệu trưởng cũng phải gọi điện hỏi cấp trên có được phát ngôn, và phát ngôn những gì? Nếu chưa được sự đồng ý (dù là bài báo viết ca ngợi) cũng bị nhắc nhở, góp ý “te tua”.

Nhiều giáo viên nhắc nhở nhau: “Mình cứ lên lớp dạy thật tốt là đủ. Mọi chuyện khác cứ ngu ngơ là yên chuyện”.

Giáo dục sẽ về đâu khi những người làm giáo dục lại không dám nói lên sự thật?

Thuận Phương

Nhà Báo Tự Do – góc nhìn của Trí thức Việt về các vấn đề của đất nước

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top