Từ đầu mùa Đông đến nay, người dân miền Bắc liên tục chứng kiến cảnh nắng nóng nhiều ngày khiến có cảm giác như mùa hè.

Trong những năm qua, tình hình thời tiết có những diễn biến thất thường. Điển hình là vào các tháng mùa Đông những năm gần đây và nhất là năm nay, nhiều ngày nóng mà người dân vẫn nói đùa là mùa đông nắng nóng, thậm chí gọi là "mùa đông giả dối”.

Giải thích nguyên nhân vì sao mùa đông năm nay lại có khá nhiều ngày nắng nóng, TS. Mai Văn Khiêm - Phó Viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu phân tích: Đầu tiên cần phải khẳng định rằng, khí hậu nước ta là khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, có nền nhiệt độ khá cao, có sự phân hóa rõ ràng theo không gian và thời gian.

Trong các tháng mùa đông, không khí lạnh có nguồn gốc từ áp cao lục địa châu Á ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, mở rộng xuống phía Nam đến Nam Trung Bộ. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, nhiệt độ xuống thấp; đặc biệt là các vùng núi cao ở phía Bắc có thể có băng tuyết.

Vì sao miền Bắc lại đang có một Ảnh minh họa (st)

TS Khiêm chia sẻ thêm, không khí lạnh không ảnh hưởng liên tục đến nước ta (ngày này qua ngày khác), mà thành từng đợt, mỗi đợt kéo dài khoảng 5 đến 6 ngày, có thể lên đến trên 10 ngày. Xen kẽ giữa các đợt không khí lạnh tràn về là thời kỳ gián đoạn với nền nhiệt độ cao hơn.

Hay nói cách khác, khi không khí lạnh về nước ta, thời tiết nóng sẽ được thay thế bởi kiểu thời tiết lạnh. Khi không khí lạnh rút lui, nền thời tiết cơ bản chuyển dần về điều kiện nóng. Do vậy, người dân thường cảm nhận thấy nóng bức trong những ngày mùa đông.

Một nguyên nhân nữa là do biến đổi khí hậu cũng góp phần làm cho mùa đông trở nên ấm hơn. Trong thời kỳ 1958 - 2014, nhiệt độ có xu thế tăng tại hầu hết các trạm quan trắc ở Việt Nam. Tính trung bình cả nước, nhiệt độ trung bình năm tăng khoảng 0,62 độ; tăng nhanh hơn vào các tháng mùa đông. Bên cạnh đó, sự biến động mạnh các dao động khí hậu trong thời gian vừa qua đã làm cho tình hình thời tiết trở nên khắc nghiệt hơn.

Hiện tượng El Nino mạnh kỷ lục 2015/2016 được xem là nguyên nhân chính làm cho mùa đông năm 2016 trở nên nóng hơn bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý là hệ thống khí hậu vốn rất phức tạp, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên mặc dù nền nhiệt mùa đông có xu thế tăng lên do biến đổi khí hậu nhưng vẫn có khả năng xuất hiện các đợt lạnh với nhiệt độ xuống rất thấp.

Nhận định về xu thế tác động của biến đổi khí hậu, TS Mai Văn Khiêm cho rằng: “Xu thế trung bình thì nền nhiệt độ sẽ tăng lên do tác động của biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, trong thời gian ngắn, nhiệt độ trái đất có thể tăng và giảm tùy thuộc vào ảnh hưởng giao động của khí hậu. Vì vậy, để đánh giá được chính xác tình hình diễn biến của thời tiết, khí hậu tại một thời điểm cụ thể trong các năm tới đây thì cần theo dõi các bản tin dự báo thời tiết hạn ngắn”.

Cũng theo TS Khiêm, trước những biển đổi khí hậu, vào mùa đông, thời tiết khô hanh, nhiệt độ có thể xuống rất thấp sẽ có ảnh hưởng đáng kế đến sức khỏe, sinh hoạt, các hoạt động phát triển kinh tế. Để hạn chế những tác động trên, người dân cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo thời tiết hàng ngày, hạn chế các hoạt động ngoài trời trong những ngày có thời tiết bất lợi.

Quang Huy / giadinh.net.vn

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top