Mới tuần rồi tôi ra sân bay tiễn một người quen bay đến một xứ khác. Tôi không hề đơn độc. Ở sân bay lúc đó có vô số người cũng làm điều tương tự. Họ tiễn người thân và bạn bè của họ ra đi không hẹn ngày về. Đó không phải là lần đầu và chắc chắn là sẽ không phải là lần cuối. Mặc dù cuộc chiến đã chấm dứt hơn 41 năm rồi nhưng làn sóng xuất ngoại vẫn không thay đổi. Cuộc di cư thầm lặng hiện tại không phải bằng những chiếc thuyền mà bằng những chuyến bay. Tuy đã giảm rất nhiều, giờ chỉ là một phần chút xíu so với trước đây, nhưng xu hướng này vẫn tồn tại.

Đọc báo hay lướt Facebook thì bạn có thể thấy hàng loạt các quảng cáo du học định cư, đầu tư lấy thẻ xanh hay tìm việc làm ở Nhật. Tôi không thể nào không buồn và chạnh lòng. Nhưng vì sao người Việt Nam lại ra đi? Họ không chỉ là những người nghèo bán nhà đi lao động ở Đài Loan hay những cô gái nghèo lấy chồng Hàn Quốc. Số người ngày càng trở nên khá giả và thuộc thành phần ưu tú của xã hội chúng ta. Họ là những doanh nhân, nghệ sĩ, nhà đầu tư, trí thức, giảng viên hoặc nhân viên cao cấp.

Vì sao họ lại ra đi? Có nhiều nguyên nhân, có nhiều lý do. Ở đây tôi không thể nào nói hết. Tôi chỉ có thể nói sơ sơ.

  • Họ ra đi vì họ không cảm thấy an toàn.
  • Họ ra đi vì họ chán cái không khí đầy ô nhiễm ở nơi này.
  • Họ ra đi vì họ cảm thấy mình không được tôn trọng khi đến cơ quan nhà nước làm thủ tục.
  • Họ ra đi vì đóng thuế nhiều nhưng nhận lại quá ít, hoặc chẳng nhận lại gì.
  • Họ ra đi vì họ không muốn con cái họ bị thầy cô dìm và ép.
  • Họ ra đi vì chính phủ liên tục ban hành những bộ luật vô lý.
  • Họ ra đi vì họ phát ngán với việc doanh nghiệp của họ bị thanh tra không lý do.
  • Họ ra đi vì họ lo sợ đồ ăn của họ có an toàn hay không, nó có hóa chất hay sạch hay không.
  • Họ ra đi vì để tìm cái hộ chiếu mà cho phép họ đi nhiều nước mà không cần phải bỏ tiền xin visa.
  • Họ ra đi vì ghét cảnh phải đút lót các y tá bác sĩ khi đi vào bệnh viện.
  • Họ ra đi vì họ không tìm thấy trách nhiệm trong một xã hội vô trách nhiệm.
  • Họ ra đi vì khi họ muốn sống một cuộc sống trung thực và không gian dối.
  • Họ ra đi vì họ muốn làm người lương thiện, vì nơi này làm người lương thiện vô cùng khó.
  • Họ ra đi vì họ muốn được hưởng lương cao, hay nói chính xác hơn là đúng giá trị với sức lao động của họ chứ không phải dựa vào mối quan hệ của họ.
  • Họ ra đi vì luật pháp không hề bảo vệ họ, nó chỉ bảo vệ những ai có tiền.
  • Họ ra đi vì họ muốn tìm sự công bằng.
  • Họ ra đi vì muốn cầm cái lá phiếu bầu để coi nó ra sao.
  • Họ ra đi vì khi họ lên tiếng nói nên những sự thật về đất nước, họ lại bị quy là phản động.
  • Họ ra đi vì họ đã mất niềm tin vào đất nước, con người và chính phủ Việt Nam.
  • Họ ra đi vì họ chẳng biết làm gì hơn trừ việc dùng đôi chân của họ để cất lên tiếng nói.

Việt Nam từ lâu đã không còn là một điểm đến, một nơi đáng sống. Nó chỉ là một trạm dừng chân. Nhà đầu tư đến đây để kiếm tiền, doanh nhân đến đây để nhận lương cao hơn, khách du lịch đến đây để ở khách sạn 5 sao giá rẻ và các cô cậu thanh niên đến đây để khám phá sự thú vị mà đất nước họ không có. Nhưng bao nhiêu người sẽ ở lại và coi nơi đây là nhà? Cũng có rất nhiều, nhưng so với số người ra đi thì là bao nhiêu? Quá ít. Việt Nam không là nơi đến, nó không thể là nơi đến được vì chính những người dân sinh sống ở đây cũng chẳng coi nó là nhà.

Ku Búa @ Café Ku Búa

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top