An ninh mạng hiện vẫn
là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của BlackBerry - Ảnh: Reuters.
Tuần qua, an ninh mạng trở thành chủ đề nóng hơn bao giờ hết khi virus tống tiền WannaCry tấn công hàng triệu máy tính trên toàn cầu, giúp cổ phiếu của các hãng dịch vụ an ninh mạng và quỹ đầu tư sở hữu cổ phiếu này tăng đột biến.
Cụ thể, cổ phiếu BlackBerry tăng tới 10% trong tuần vừa rồi. Lần đầu tiên trong hai năm, cổ phiếu hãng này tăng trên 10 USD. Tính từ đầu năm tới nay, cổ phiếu hãng này tăng tới 50%.
An ninh mạng hiện vẫn là trọng tâm trong chiến lược kinh doanh của BlackBerry. Độ bảo mật và an ninh cao của BlackBerry là lý do các chính phủ và công ty phố Wall vẫn trung thành với hãng này kể cả khi khách hàng đã đổ xô sang dùng điện thoại thông minh màn hình chạm.
Sau vụ tấn công này, BlackBerry chứng tỏ cho khách hàng thấy có thể giúp họ giảm thiểu nguy cơ cũng như thiệt hại nếu gặp phải những cuộc tấn công tương tự như vậy.
Tuần trước, trên trang blog của công ty Inside BlackBerry, hãng này cho biết mình đang sở hữu công cụ giúp các công ty phát hiện lỗ hổng mà virus và phần mềm xấu lợi dụng để tấn công. Hãng này cũng cảnh báo sẽ có thêm nhiều cuộc tấn công như WannaCry trong tương lai.
"Vụ tấn công WannaCry chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Những cuộc tấn công ngày càng lớn hơn về quy mô và tần suất sẽ gây thiệt hại hàng tỷ USD cho các chính phủ, doanh nghiệp và cả xã hội”, BlackBerry viết.
"Khi thế giới chuyển mình theo xu hướng Internet kết nối vạn vật, những cuộc tấn công như thế này sẽ ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, đe dọa không chỉ an ninh, sự riêng tư mà còn cả sự an toàn của chính chúng ta”, công ty này nói thêm.
Tháng 3 vừa rồi, Giám đốc điều hành John Chen, cho biết trong năm nay BlackBerry sẽ vực dậy trở lại và dự báo sẽ có lãi sau nhiều năm thua lỗ.
Hiện nay, BlackBerry không còn đốt tiền như trước, cũng tạm thời thoát khỏi nguy hiểm. Tuy nhiên, trước đó không lâu, nhà đầu tư lo rằng công ty sẽ cạn tiền và thậm chí phải bán mình để tồn tại.
Theo CNN, cổ phiếu BlackBerry có thể sẽ còn tăng nữa và đang đứng trước cơ hội lớn khi vấn đề an ninh mạng đang trở nên nóng hơn bao giờ hết.
Từng là “ông hoàng” di động một thời, phổ biến trong giới chính khách, người nổi tiếng và doanh nhân, BlackBerry đã thất bại trong cuộc chiến cạnh tranh với Apple và các nhà sản xuất di động thông minh dùng hệ điều hành Android.
Trước thay đổi của thời cuộc, dưới sự lãnh đạo của Giám đốc điều hành John Chen, BlackBerry chuyển đổi thành công sang kinh doanh phần mềm và thiết bị kết nối phục vụ xu hướng “Internet kết nối vạn vật”. Phần mềm và dịch vụ hiện chiếm khoảng 60% tổng doanh thu BlackBerry.
Hãng này đã có nhiều đột phá lớn trong lĩnh vực di
động viễn thông, chạy phần mềm cho xe hơi với các khách hàng lớn như
Ford, GM, Fiat Chrysler, Honda và Toyota.
Post a Comment