Nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn đứng trong top 10 nước hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm.
Tại buổi gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn mới đây, TS. Timothy Chou - giảng viên Đại học Stanford trong lĩnh vực IoT – đưa ra khuyến nghị: “Thay vì đào tạo 1 triệu kỹ sư gia công phần mềm thì Việt Nam nên đầu tư vào đào tạo kỹ sư phần mềm IoT”.
Người được xem là bậc thầy về điện toán đám mây và Internet vạn vật (IoT) cũng nói với Bộ trưởng Tuấn, rằng IoT là lĩnh vực mới trên thế giới, tất cả các nước, phát triển hay đang phát triển đều đang ở vạch xuất phát khi bước chân vào lĩnh vực này và đây là cơ hội bình đẳng cho các nước.
Và vì vậy, “tại sao Việt Nam không trở thành nước dẫn đầu, nước tiên phong về nghiên cứu và triển khai IoT?”
Bất ngờ với khuyến nghị trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, đánh giá “đây là một ý tưởng hay, mạnh mẽ và sáng tạo”, đồng thời cho biết sẽ đề nghị các đơn vị của Bộ đưa vấn đề này vào các chương trình hoạch định chính sách của Bộ, và ông cũng sẽ nêu vấn đề này trong cuộc họp Chính phủ ngày 4/5.
Vì sao TS. Chou lại đưa ra lời khuyên như vậy?
Giải đáp câu hỏi trên của VnEonomy bên lề hội thảo về "Internet vạn vật - nguyên lý, thực thi và giải pháp", diễn ra ngày 4/5 tại Hà Nội, ông Chou nói, đã làm dịch vụ gia công phần mềm (outsourcing) thì mình chỉ đi xây dựng tương lai của người khác chứ không phải xây tương lai của chính mình - nghĩa làm chủ tương lai của mình.
Theo TS. Timothy Chou, IoT không đơn thuần là phần cứng mà còn cả phần mềm. Các kỹ sư Việt Nam giỏi về phần mềm thì nên phát triển phần mềm cho ngành nông nghiệp, ngành thủy sản,… cho chính những ngành này của Việt Nam trước sau đó mới phát triển cho nước ngoài.
Ông Chou dẫn chứng, trên thế giới, Ấn Độ là nước outsourcing lớn nhất, tuy nhiên, Ấn Độ lại không có một công ty tên tuổi, một công ty lớn tầm cỡ trên thế giới. Trong khi đó, Trung Quốc, đất nước này cũng outsourcing nhiều nhưng họ có Baidu, Alibaba..., và rất nhiều công ty khác - lớn hàng đầu thế giới.
“Nên theo tôi có hai con đường. Một là outsourcing đi làm thuê và một là làm chủ bản thân mình”, TS. Chou, nói.
Quan điểm của TS. Chou, đâu đó hơi “trái ngược” với thực trạng và mục tiêu phát triển của ngành gia công phần mềm của Việt Nam! Nhiều năm gần đây, Việt Nam luôn đứng trong top 10 nước hấp dẫn nhất thế giới về gia công phần mềm, và cũng nhờ đó mà “Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ thông tin thế giới”.
Lĩnh vực này thậm chí được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển và do vậy đang nhận được những ưu đãi đáng kể từ chính sách nhằm phát triển ngành công nghiệp này.
Thực tế, theo số liệu từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), năm 2015, doanh thu ngành công nghệ thông tin ước đạt 49,5 tỷ USD, là ngành có đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước và ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, doanh thu của ngành phần mềm chỉ là 1,6 tỷ USD, trong đó doanh thu dịch vụ gia công phần mềm tăng trưởng bình quân 30%. Ngành gia công xuất khẩu phần mềm dẫu vậy luôn được xem là điểm sáng trong sự phát triển của ngành phần mềm Việt Nam.
Và cũng theo VINASA, hoạt động gia công phần mềm là một trong những yếu tố quan trọng, đóng góp vào tiến trình đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin – truyền thông.
Trở lại với quan điểm của TS. Timothy Chou trong câu chuyện với VnEconomy, rất thận trọng, ông nói: “Tất nhiên, với thực tế tại Việt Nam, quan điểm của tôi có thể đúng, có thể sai”. Ông nói, lâu nay, mọi người thường nghĩ phát triển phần mềm sẽ cần một đội ngũ kỹ sư phần mềm lớn, với 100, 1.000 hoặc 1 triệu người để làm phần mềm. Thực ra điều này không đúng. Phần mềm là cuộc chơi chỉ cần một nhóm nhỏ người tài năng là có thể chiến thắng. Một nhóm nhỏ tạo ra sự khác biệt thì sẽ thành công.
“Chắc chắn IoT sẽ có tác động rất lớn đến nền kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế toàn cầu - điều đã được nhấn mạnh tại của Diễn đàn Kinh tế Thế giới”, TS. Chou nói và cho rằng, trong tương lai, Interenet của vạn vật sẽ thâm nhập trong mọi lĩnh vực sản xuất, giao thông vận tải, y tế, xây dựng, dầu khí… và IoT sẽ chiếm phần lớn trong giá trị kinh tế toàn cầu.
Post a Comment