Khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng, mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với 30 năm công tác khoảng 9 - 10 triệu/tháng.

Đó là vài con số đáng chú ý tại kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016.

Báo cáo kết quả giám sát đã được cơ quan thực hiện là Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng gửi tới các vị đại biểu Quốc hội.

Đa số vững vàng, số ít sa sút

Theo kết quả giám sát, tính đến năm học 2015-2016, cả nước có hơn 1,3 triệu nhà giáo giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ mầm non đến đại học. So với năm 2010, tổng số giáo viên tăng hơn 12%, trong đó tỷ lệ gia tăng lớn nhất là ở giáo dục mầm non (46%) và đại học (37%).

Số nhà giáo làm việc tại các cơ sở giáo dục công lập chiếm khoảng 91%, tỷ lệ này ở cấp tiểu học và trung học cơ sở lên đến gần 99%. So với năm 2010, số lượng nhà giáo ngoài công lập tăng nhiều ở đại học và giảm nhiều ở mầm non.

Tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo trở lên ở mầm non chiếm 97,8%, ở phổ thông là 99,6%; dạy nghề lý thuyết là 100%.

Báo cáo giám sát cho biết, cả nước có 165.862 cán bộ quản lý giáo dục, trong đó khối phòng, sở, bộ là 17.320 người. Hầu hết cán bộ quản lý giáo dục trưởng thành từ đội ngũ giáo viên/giảng viên, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ.

Cơ quan giám sát đánh giá, đại bộ phận nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục có tư tưởng chính trị vững vàng, có trách nhiệm với nghề nghiệp, góp phần quan trọng vào thành tựu giáo dục và đào tạo thời gian qua.

Tuy nhiên, một số ít nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường, sa sút về phẩm chất, đạo đức, lối sống, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín và vị thế của mình.

Thang, bảng lương đã lạc hậu

Thực hiện chính sách, pháp luật về tiền lương và phụ cấp là một nội dung quan trọng của giám sát.

Theo quy định, khi được tuyển dụng vào một chức danh nghề nghiệp trong ngành, nhà giáo sẽ được xếp vào thang, bảng lương tương đương với các ngành nghề khác của các đơn vị sự nghiệp công lập có cùng trình độ đào tạo.

Ngoài ra, nhà giáo còn được hưởng các loại phụ cấp, như: phụ cấp ưu đãi nghề (phụ cấp đứng lớp), phụ cấp thâm niên, phụ cấp thu hút và một số loại trợ cấp khi công tác tại các trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Khi dạy vượt số giờ, số buổi thì sẽ được thanh toán chế độ tiền lương dạy thêm giờ.

Tuy nhiên, chính sách lương của nhà giáo còn nhiều bất cập, chưa phù hợp với vị trí, vai trò nhà giáo, chưa là động lực để thu hút nhà giáo giỏi, góp phần chuẩn hóa và phát triển đội ngũ, báo cáo nêu rõ.

Cơ quan của Quốc hội cho rằng, thang, bảng lương nhà giáo hiện tại đã lạc hậu, chưa tương xứng với vị trí, vai trò của nhà giáo như đã được khẳng định trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và Nhà nước.

Bậc lương của nhà giáo có nhiều bất hợp lý khi xét trong tương quan với thang, bậc lương của các chức danh cùng loại trong các đơn vị hành chính sự nghiệp của nhà nước. Số bậc lương trong một ngạch vẫn còn nhiều; chênh lệch giữa các hệ số lương thấp. Nhà giáo trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, tuy rất khác về tiêu chuẩn và tính chất nghề nghiệp nhưng vẫn xếp cùng thang, bảng lương như giáo viên trung học...

Bên cạnh đó, việc thực hiện các chế độ phụ cấp của nhà giáo cũng còn bất cập, chưa tạo được động lực để xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo một cách bền vững. Quy định số giờ dạy thêm được tính trả lương không vượt quá 200 giờ tiêu chuẩn/người/năm không phù hợp với thực tiễn, đặc biệt là ở các trường nội trú.

Phụ cấp thâm niên mới chỉ áp dụng cho nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy, không áp dụng đối với cán bộ quản lý giáo dục, dẫn đến những khó khăn khi điều động, bổ nhiệm nhà giáo từ các cơ sở giáo dục lên các phòng, sở giáo dục và đào tạo.

Kết quả giám sát cho thấy, với chính sách lương hiện tại, thu nhập của đại bộ phận nhà giáo tại Việt Nam vẫn ở mức trung bình, thu nhập của giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học, nhất là giáo viên mới ra trường còn rất thấp.

Kiến nghị sửa Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học

Dẫn số liệu từ báo cáo của các địa phương, báo cáo giám sát cho biết, khoảng 50% giáo viên phổ thông có mức thu nhập dưới 5 triệu/tháng, mức lương của giáo viên phổ thông vùng đồng bằng với 30 năm công tác khoảng 9 - 10 triệu/tháng.

Dù có bằng tốt nghiệp cao đẳng hay đại học, hệ số lương khởi điểm của giáo viên mầm non, tiểu học vẫn là 1,86. Do vậy, số giáo viên mới đi làm thường có mức lương dưới 3 triệu/tháng.

Theo đánh giá của các cơ sở giáo dục và các chuyên gia, thu nhập (chủ yếu từ tiền lương) của nhà giáo hiện nay chưa thực sự là thước đo giá trị sức lao động, chưa tạo động lực để đội ngũ nhà giáo làm việc với tinh thần trách nhiệm, lòng nhiệt tình và phát huy sức sáng tạo của bản thân, cơ quan giám sát nhìn nhận.

Một trong số nhiều kiến nghị sau giám sát là trước mắt, sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học theo hướng tăng cường cơ chế tự chủ, nhất là về tài chính, nhân sự cho các cơ sở giáo dục và đào tạo, trong đó rõ trách nhiệm về tài chính của nhà nước với mỗi cấp học và người học ở từng cấp.

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top