Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bố Kế hoạch và Đầu tư trả lời về kết quả kiếm toán các dự án BOT giao thông.
Cụ thể, trong văn bản, trả lời đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về yêu cầu bổ sung quy định cụ thể xác định lợi nhuận của nhà đầu tư trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư, Bộ Tài chính khẳng định: Lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP khá rộng với nhiều hình thức hợp đồng. Mỗi lĩnh vực có đặc thù khác nhau nên việc Bộ Tài chính quy định khung tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án là không khả thi.
Tại Thông tư số 55/2016 tháng 3/2016, Bộ Tài chính quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư quy định những nguyên tắc chung về xác định lợi nhuận của nhà đầu tư trong trường hợp chỉ định nhà đầu tư để đảm bảo phù hợp với lĩnh vực, ngành có dự án PPP.
Tại Điều 18 Thông tư 55, Bộ Tài chính nêu rõ quy định: Trường hợp cần thiết, bộ, ngành phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng cụ thể khung lợi nhuận cho các dự án thuộc bộ, ngành quản lý.
Tuy nhiên, đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa nhận được đề nghị của các bộ, ngành liên quan về việc xây dựng khung lợi nhuận cho các dự án thuộc bộ, ngành quản lý.
Liên quan đến quy định nguồn vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án, Bộ Tài chính dẫn Nghị định số 15 tháng 2/2015 của Chính phủ về đầu tư PPP quy định về vốn chủ sở hữu; Điều 20, Thông tư 06, tháng 6/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện một số quy định của Nghị định 15; Thông tư 55/2016 tháng 3/2016 của Bộ Tài chính quy định nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư PPP và chi phí lựa chọn nhà đầu tư tại Nghị định số 15…
Bộ này khẳng định, quy định về mức độ vốn chủ sở hữu tối thiểu, tiến độ góp vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư đã được quy định đầy đủ. Việc nhà đầu tư không thực hiện theo cam kết là thuộc trách nhiệm của nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Về phương án thu phí, mức phí cũng được Bộ Tài chính dẫn nhiều quy định của pháp luật từ Luật phí và lệ phí, Nghị định 149, Thông tư 35 của Bộ Giao thông Vận tải…
Theo Bộ Tài chính, hiện Bộ Giao thông Vận tải là cơ quan có thẩm quyền trong nhiều việc.
Điển hình như, Bộ Giao thông Vận tải có trách nhiệm và thực hiện rà soát, thẩm định phương án tài chính của dự án; quy định mức giá tối đa áp dụng chung cho dịch vụ sử dụng đường bộ... Thống nhất với các chủ đầu tư về mức giá đối với dịch vụ đường bộ, trong đó có ưu đãi cho hộ dân địa phương xung quanh dư án, trạm thu phí, đảm bảo không vượt mức giá tối đa tại Thông tư 35/BGTVT.
Tình trạng người dân phản đối các trạm thu phí BOT đang nóng trên một số địa phương, điển hình như trạm thu phí BOT Cai Lậy (Tiền Giang), trạm thu phí BOT Bờ Đậu (Thái Nguyên); trạm thu phí BOT Biên Hoà; trạm thu phí BOT Bắc Hải Vân…
Số liệu từ Vụ đối tác công - tư (Bộ Giao thông Vận tải) cho thấy, cả nước hiện có 41 dự án được đầu tư theo hình thức BOT, BT đang vận hành khai thác. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải "gánh" trách nhiệm về xây dựng các dự án, phối hợp các bộ, cơ quan ngang bộ thẩm định, phê duyệt dự án.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch, quy hoạch và chính sách đối với các dự án PPP. Còn Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về các chính sách liên quan đến thuế, hải quan, nghĩa vụ tài chính liên quan.
Tại Văn bản số 6791 của Văn phòng Chính phủ tháng 6/2017, Bộ Tài chính được yêu cầu có ý kiến về các kết quả kiểm toán dự án BOT giao thông sau khi Bộ Kế hoạch Đầu tư, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan Quốc hội vào cuộc, có báo cáo.
Post a Comment