Lực cản chính trong cải thiện môi trường đầu tư vẫn nằm ở bộ máy, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhấn mạnh tại hội thảo thách thức của việc thay đổi chính sách đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Hội thảo được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài tổ chức sáng 7/11 tại Hà Nội.
Doanh nghiệp còn thiên về "chạy" quan hệ
Gần với nhận xét của nhiều diễn giả, bà Lan cho rằng môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn khá nhiều thách thức trong đó có tình trạng luật, chính sách yếu về tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, dự liệu, đồng bộ, nhất quán, thực thi kém.
Chính sách cạnh tranh chưa tốt trên quy định và trong thực thi, do vậy doanh nghiệp thiên về "chạy" quan hệ hơn lo cải thiện năng lực cạnh tranh để phát triển, bà Lan nêu thách thức tiếp theo.
Đáng chú ý, theo chuyên gia Phạm Chi Lan là chưa có sân chơi bình đẳng. Doanh nghiệp nhà nước, một số FDI và doanh nghiệp tư nhân thân hữu được biệt đãi (tiếp cận các nguồn lực, quyền kinh doanh, đầu tư công/mua sắm của chính phủ, bảo hộ để né cạnh tranh...). Đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vị thế bất lợi, không lớn lên được và dễ bị đào thải.
Tuy nhiên, bà Lan nhấn mạnh trong hai năm gần đây chính sách mới đã được cụ thể hoá, tương đối nhất quán. Nhưng, thực thi vẫn là khâu rất yếu.
Thống kê nghị quyết 19 năm 2017 có đến 250 nhóm giải pháp, nhiệm vụ với tinh thần càng cụ thể càng tốt và giao cho từng bộ, ngành địa phương, bà Lan bình luận: nếu bộ máy tốt thì Thủ tướng không cần phải chỉ việc kỹ đến mức như vậy.
Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, theo bà Lan cũng là nghị quyết rất tốt, nhưng lực cản chính trong thực hiện vẫn là bộ máy, bà Lan nhận xét.
Trước đó, trong phần trình bày về quá trình thay đổi chính sách và luật pháp đầu tư trực tiếp nước ngoài, giáo sư Nguyễn Mại cũng cho rằng hai nút thắt cần cởi bỏ là bộ máy nhà nước và đội ngũ công chức, viên chức. Bộ máy thì cồng kềnh, kém hiệu năng, công chức thì thừa nhưng thiếu năng lực và lương tâm nghề nghiệp, cả hai đang cản trở quá trình phát triển theo hướng cải cách và hội nhập, ông Mại nhìn nhận. Vị giáo sư nhấn mạnh, đó là hai lực cản cần được giải quyết để định hướng và chính sách mới về FDI được thực hiện có kết quả.
Cạnh tranh công bằng
Nêu các định hướng chủ yếu cho năm 2018 và sau đó, bà Lan nói rõ đây là quan điểm của một số chuyên gia góp ý cho việc chuẩn bị xây dựng nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh của năm 2018.
Theo đó, cần tiếp tục sử dụng chuẩn mực toàn cầu và thực tiễn quốc tế tốt của kinh tế thị trường hiện đại trong thiết kế, giám sát và đo lường kết quả của cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh.
Chuyên gia Phạm Chi Lan nhấn mạnh, cạnh tranh thị trường công bằng là động lực chính thúc đẩy gia tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực, gia tăng năng suất lao động. Vì vậy, tất cả các giải pháp cải cách thế chế, cải thiện môi trường kinh doanh đều hướng đến phát triển các loại thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng và tăng mức độ cạnh tranh thị trường nhằm tăng hiệu quả kỹ thuật, hiệu quả phân bố và hiệu quả động năng, là động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế.
Một số định hướng tiếp theo là làm cho hoạt động kinh doanh tự do, thuận lợi, an toàn hơn, giảm rủi ro và chi phí, tăng lợi nhuận cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.Tiếp tục thực hiện mạnh mẽ hơn nữa các giải pháp cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh hiện có cả về quy mô và cường độ.
Các chuyên gia cũng cho rằng cần đề cao trách nhiệm cá nhân của các bộ trưởng, chủ tịch UBND các tỉnh, thành; thúc đẩy, giám sát và tạo sức ép hành chính, sức ép công luận gia tăng tốc độ chuyển động tích cực ở các bộ, địa phương. Thường xuyên giám sát, đánh giá, báo cáo Thủ tướng và Chính phủ, đồng thời, công khai, minh bạch hóa kết quả, sự chậm trễ, chần chừ, không hành động của từng bộ, ngành, địa phương....
Về giải pháp, theo chuyên gia Phạm Chi Lan đề cập đến mục tiêu hoàn thành việc bãi bỏ ít nhất 1/3-1/2 số quy định hiện có về điều kiện kinh doanh, loại bỏ ít nhất 1/2 số mặt hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu; đồng thời, chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm. Tiếp tục kết nối ít nhất 30 thủ tục qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (hiện đã có 11 bộ tham gia với 39/130 thủ tục đã kết nối) cũng là giải pháp, theo bà Lan là rất quan trọng.
Nhấn mạnh sự cần thiết năm 2018 tiếp tục là "Năm cắt giảm chi phí" cho doanh nghiệp, chuyên gia Phạm Chi Lan để cập giải pháp tiếp tục xem xét giảm lãi suất cho vay một cách đại trà trên cơ sở cắt giảm lãi suất huy động .
Cũng rất quan trọng, theo ý kiến khá nhiều chuyên gia cả trong và ngoài hội thảo này là bổ sung, sửa đổi luật đất đai, tạo điều kiện ban đầu hình thành thị trường quyền sử dụng đất, nhất là đất nông nghiệp, tăng cung và cầu về quyền sử dụng đất nông nghiệp, đồng thời, tạo điều kiện để giao dịch thị trường được tiến hành nhanh, an toàn, ít rủi ro và ít chi phí.
Post a Comment