Chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) Vũ Tiến Lộc trao đổi với báo chí chiều 11/12, trước thềm VBF 2017.
Cuộc gặp còn có sự hiện diện của ông Hirohide Sagara - Đồng chủ tịch VBF 2017.
Theo ông Vũ Tiến Lộc, vấn đề được quan tâm nhất tại diễn đàn là nâng cao năng suất lao động, tăng cường nền tảng tài chính, thúc đẩy phát triển khu vực kinh tế tư nhân, tạo đột phá trong phát triển kinh tế tư nhân.
Từ đầu nhiệm kỳ Chính phủ mới và năm 2017 môi trường kinh doanh có nhiều thay đổi lớn, đáng ghi nhận. Trung ương đã đưa ra nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế tư nhân. Nhiều nghị quyết của Chính phủ nhằm thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh đã được Chính phủ ban hành, ông Lộc nhìn nhận.
Từng dự nhiều cuộc đối thoại của lãnh đạo các tỉnh với doanh nghiệp, ông Lộc đánh giá ở cấp địa phương sự đối thoại với doanh nghiệp chưa bao giờ thực chất như hiện nay. Theo yêu cầu Nghị quyết 35 các địa phương phải hoàn thành đối thoại ít nhất 2 lần một năm với doanh nghiệp.
Điểm tích cực tiếp theo được ông Lộc nhấn mạnh là số lượng doanh nghiệp 2016 - 2017 tăng bình quân gần 120.000 mỗi năm - đỉnh cao trong 17 năm có Luật Doanh nghiệp. Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng trưởng mạnh mẽ, đầu tư trong nước và nước ngoài tăng lên.
Tuy nhiên, Chủ tịch VCCI đánh giá, môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam còn khó khăn, chặng đường cải cách còn nhiều gian nan để rút ngắn khoảng cách với 3 nền kinh tế top đầu trong ASEAN. Việt Nam đạt được thành quả cải thiện với chính mình nhưng với các nước hàng đầu ASEAN còn xa và đạt chuẩn mực OECD còn lớn.
Vấn đề nổi lên là chi phí kinh doanh tại Việt Nam đang tăng rất nhanh, cao hơn tăng năng suất lao động, kéo theo chi phí công đoàn, bảo hiểm... đang là gánh nặng cho doanh nghiệp. Việt Nam là quốc gia xuất khẩu nhưng chi phí logistic vẫn lớn, là trở ngại lớn, ông Lộc nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch VCCI cho rằng chi phí hành chính cũng đang tăng mạnh, giảm chi phí thủ tục hành chính vẫn đang là vấn đề đặt ra. Thủ tục hành chính hiện nay cần giảm chủ yếu nằm ở các bộ, ngành, vì thế sự chuyển động của các cơ quan này rất quan trọng. Nhưng nhiều bộ, ngành còn chần chừ chưa cắt giảm thủ tục hành chính do liên quan tới lợi ích.
Hơn lúc nào hết sự hợp tác khu vực tư nhân với cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực này là quan trọng. Đây cũng là mong mỏi của cộng đồng doanh nghiệp, ông Lộc nói.
Vẫn theo Chủ tịch VCCI thì giảm chi phí còn liên quan tới dịch vụ công khi mà hiện các cơ quan Nhà nước vẫn "ôm" dịch vụ này. Nếu quan sát lại toàn bộ quá trình, từ kinh nghiệm các nước thì cùng một dịch vụ khu vực tư nhân và Nhà nước cùng làm thì thường chi phí khu vực tư thấp hơn. "Cần chuyển dịch vụ công cho khu vực tư nhân để giảm chi phí", ông Lộc trao đổi.
Tại buổi trao đổi, Chủ tịch VCCI còn đề cập một vấn đề đã được đặt ra ở các diễn đàn trước đó. Đó là liên kết giữa doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp FDI chưa thành công. Một mặt năng lực doanh nghiệp trong nước còn hạn chế, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, mặt khác sự hỗ trợ của tập đoàn xuyên quốc gia chưa tốt, Chủ tịch VCCI nhìn nhận.
Trả lời những câu hỏi của báo chí liên quan đến môi trường kinh doanh của Việt Nam, ông Lộc nói thời gian gần đây ngọn lửa chống tham nhũng đang được dấy lên. Đang có hai ngọn lửa giữ vững, thúc đẩy niềm tin cộng đồng doanh nghiệp: chống tham nhũng, cải cách mạnh mẽ thể chế môi trường kinh doanh của Việt Nam. Giữ được hai ngọn lửa này thì sẽ có môi trường kinh doanh tốt, củng cố niềm tin môi trường kinh doanh, thực hiện được mục tiêu Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp.
Cũng nhấn mạnh cải cách thể chế, ông Hirohide Sagara - đồng chủ tịch VBF cho rằng, cần tạo động lực cho kinh tế tư nhân, nên coi họ là người chơi chính trên thị trường, tạo động lực cho doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp tư nhân thay đổi tư duy để trở thành động năng tăng trưởng thời gian tới.
Cho biết diễn đàn năm nay diễn ra vào dịp kỷ niệm 20 năm sáng lập VBF, ông Lộc cho rằng việc chuyển giao VBF từ tổ chức quốc tế, cơ quan Chính phủ sang khu vực tư nhân đề cao tiếng nói của họ là bước tiến quan trọng của diễn đàn diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam. Từ khi chuyển giao cho cộng đồng doanh nghiệp chủ trì thì có sự phát triển vượt bậc, thảo luận phong phú hơn, phản ánh hoạt động tốt hơn, gắn với hơi thở cuộc sống.
Diễn ra sáng 12/12 tại Hà Nội, VBF 2017 dự kiến sẽ có sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc
Post a Comment