Khi con vừa tròn một tuổi, còn chưa biết đi, chồng tôi khăng khăng đòi ly hôn. Tôi lúc ấy 25 tuổi, vẫn xồ xề, nhàu nhĩ vì ngoại hình sau sinh và vì suốt một năm trời ngay từ lúc sinh con tôi bị stress. Hai đứa yêu nhau được gần 4 năm mới cưới, tưởng thế là ổn định nhưng chắc có lẽ chúng tôi khi ấy vẫn chưa sẵn sàng với hôn nhân nên không biết cách kiểm soát cuộc sống. Tôi từ một cô gái tự tin, nhiệt huyết đã trở thành một bà cô lắm chuyện, luôn đề phòng và e dè bởi sự soi mói của mẹ chồng, bố chồng, họ hàng nhà chồng; bởi sự biến đổi tâm lý sau sinh; sự lạnh nhạt của chồng và bởi chính sự trì trệ của bản thân. Cuối cùng, chúng tôi chia tay nhau. Hồi đó, ai cũng ra sức khuyên tôi không nên ký đơn ly hôn và phải làm rõ nguyên nhân tại sao chồng cứ hối thúc quá trình ly hôn.

Cho dù cũng lờ mờ đoán ra sự xuất hiện của kẻ thứ 3 nhưng tôi quyết định dừng lại và ký đơn ly hôn sau khi đạt được thỏa thuận trợ cấp với chồng. Có lẽ, đây là hành động lý trí và đúng đắn nhất kể từ khi lấy anh. Tôi không muốn trì hoãn cuộc hôn nhân tàn tật và đào xới cái sự việc đau lòng kia, bởi hơn ai hết tôi hiểu rằng anh đã hết tình cảm dành cho tôi cũng như cho con (vì trước nay anh chưa từng dành cho con nổi 5 phút). Tôi sẽ mất hết cơ hội xây dựng lại cuộc sống nếu cứ tiếp tục chới với, lệ thuộc vào cái hy vọng mong manh rằng chồng tôi sẽ đổi ý. Tôi cần nhanh chóng thoát khỏi cuộc sống bế tắc này và lấy lại cân bằng, học cách sống vừa làm cha vừa làm mẹ của con.

Ngày tôi ly hôn, gia đình bên nội ra sức trách móc, gièm pha về sự đổ vỡ của tôi. Tôi giống như một tấm gương xấu cho cái sự bồng bột, nông cạn. Gia đình bên ngoại thì tỏ ra thương hại. Tôi đã sống khoảng hơn một năm trong sự bố thí tình thương của mọi người, dù tôi cũng mong manh dễ vỡ như ai nhưng vẫn cố gắng gượng và trở nên mạnh mẽ. Thấy tôi như vậy, mọi người lại cho rằng vết thương của tôi đã lành, họ thoải mái bàn tán, mỉa mai với những trường hợp như tôi. Lúc ấy, tôi thấy vị đời này thật đắng, mình giống cái thứ vô hình hơn là một con người ấy. Tuy vậy, tôi vẫn luôn cố để nghĩ rằng mình không thể kiểm soát được suy nghĩ của mọi người, nên việc họ vô tình với mình cũng là lẽ thường.

Bố mẹ ban đầu đã bên cạnh tôi, nhưng tôi dần thấy sự xa cách với ông bà. Có lẽ, trái tim của họ cũng tổn thương vì tôi, vì phải hứng chịu cái nhìn tò mò thiếu thiện cảm và sự thương hại của mọi người dành cho tôi. Lâu dần, họ cũng chai sạn với hoàn cảnh của tôi. Họ nói tôi phải biết đứng dậy từ chỗ ngã, phải mạnh mẽ hơn và phải tìm cho được người đàn ông khác, vì họ cho rằng tôi cần có nơi để dựa dẫm. Có lẽ, những ai ở vào hoàn cảnh của tôi mới hiểu được. Tôi không cho rằng sự đổ vỡ của mình lại là một vết nhơ, một sự thất bại như trong kinh doanh. Có chăng chỉ là một lối rẽ khác của cuộc đời, yêu cầu mình phải sống bản lĩnh hơn thôi. Hơn nữa, tôi dù giường đơn gối chiếc nhưng vô cùng hạnh phúc vì được sống cạnh con. Với tôi hiện giờ thế là đủ, đâu cần phải lệ thuộc vào người đàn ông nào khác? Tôi luôn nghĩ, chừng nào mình đủ tiềm lực để lo cho con và bản thân thì lúc ấy mới có thể thảnh thơi để nghĩ về hạnh phúc riêng. Mỗi người một quan điểm, dù thế nào thì quan trọng nhất là mình cảm thấy hạnh phúc là được, đúng không nào?

Bố mẹ và nhất là mẹ tôi, càng ngày càng gò ép tôi vào một khuôn khổ mà bà cho là nên, ví dụ như thử cách chào hỏi, cách ăn mặc, cách dạy dỗ con, cách ứng xử với anh em họ hàng, thậm chí là công việc. Tôi dần cảm thấy ngột ngạt với mọi thứ mẹ đặt ra hoặc mong muốn tôi đạt được. Tôi đã nghe mẹ đưa con về quê để ông bà trông nom một năm. Tôi tập trung lo học hành và sự nghiệp như lời bố mẹ nói, nhưng đúng là khi phải ép buộc bản thân làm những điều mình không muốn, rất dễ gây nên những sai lầm. Tôi từng vùi đầu vào học, vào công việc, thậm chí làm thêm cho khỏi nhớ đến con đến nỗi lúc nào cũng mệt mỏi thiếu ngủ. Nhưng tôi đã không đạt được như lý tưởng kia của bố mẹ, không những vậy mỗi lần về nhà tôi dù chẳng có tiền vẫn cố ra vẻ có tiền để bố mẹ khỏi lo cho mình, thực ra là tiền mặt rút từ thẻ tín dụng. Tôi nợ chằng nợ chịt để trả tiền cho những khóa học, những đơn thuốc vì kiệt sức và vì sự sĩ diện với bố mẹ.

30 Tết năm ấy tôi mới về đến nhà bố mẹ, đã cố gắng làm cho xong công việc vào đêm 29 để sáng hôm sau bắt chuyến xe về quê. Tôi thậm chí không mua nổi ít hoa quả thắp hương hay quét tước nhà cửa mà vội vàng khăn áo về quê. Năm ấy, bao nhiêu lương thưởng tôi chuyển hết cho mẹ, trong túi chỉ còn vài triệu bạc tiêu cho hết cái Tết và cả tháng sau đó. Ấy vậy mà xe vừa đỗ trước cửa, thằng cu con lao từ trong nhà ra ôm chầm lấy tôi, đã thấy mẹ tôi chửi ầm lên vì giờ này mới vác mặt về, đời mẹ tôi tan nát chẳng còn gì nữa. Tôi cay đắng ôm con bỏ đi vì câu nói nghiệt ngã của mẹ, vì bao tháng ngày dồn nén trông vào cái Tết đủ đầy bên gia đình. 

Sau một năm xa con, tôi dần nhận ra một điều, chẳng ai trên đời này, kể cả bố mẹ nghĩ hộ mình, lo hộ mình được cả. Tôi có thể khác mọi người nhưng không thể để mình không còn là mình nữa. Tôi quyết tâm đón con về trong sự cản trở, thuyết phục, khó chịu của bố mẹ và rất nhiều người, họ coi tôi là kẻ thích gì làm nấy, không biết thương bố mẹ. Đón con về, tâm hồn khô héo của tôi lâu ngày được đón nhận tình yêu, tôi tươi tắn và béo khỏe trở lại, công việc và cuộc sống sinh hoạt ổn định hơn. Tôi vô cùng hạnh phúc.

Là người con, tôi luôn thương và biết ơn bố mẹ, nhưng không hiểu sao tôi không muốn sống cùng họ. Tôi thấy vô cùng ngột ngạt và đôi khi vô cảm trước bố mẹ, đặc biệt là mẹ. Tôi chán phải sống trong sự kiểm soát của mẹ, tôi có quan điểm riêng nhưng mỗi lần định nói ra điều ấy lại ngại phải đối diện với sự giận hờn của mẹ. Tôi từng tự chất vất mình rằng tại sao lại tỏ ra vô ơn đến vậy, nhưng thật sự tôi bị chai sạn cảm xúc và luôn mong mỏi tìm hướng đi riêng cho cuộc đời mình. Tôi phải làm sao?

Kim

Độc giả gọi điện chia sẻ tâm sự với biên tập viên theo số 02473002222 - máy lẻ 4529 (trong giờ hành chính)

Let's block ads! (Why?)

Post a Comment

 
Top